Hành trình truyền cảm hứng của đội tuyển Việt Nam
(Sóng trẻ) - Sau khi tiếng còi mãn cuộc trên sân Al Maktoum cất lên, đã không có bất ngờ nào xảy ra khi đội bóng được đánh giá cao hơn là Nhật Bản giành quyền đi tiếp. Dù cho chàng David nhỏ bé đã không thể quật ngã được gã khổng lồ liath, người hâm mộ vẫn có quyền tự hào về cuộc hành trình của Việt Nam tại Asian Cup.
Có nhiều người tự hỏi, có phải ta đang khoác lên bóng đá một chiếc áo quá rộng?! Bóng đá không thể giúp thay đổi những vấn đề môi trường, cũng chẳng thể giúp nền kinh tế có những bước phát triển “thần kì” nhưng tại sao môn thể thao ấy lại nhận được sự quan tâm nồng nhiệt từ người hâm mộ? Có thể thấy trong đời sống thể thao sôi động, môn thể thao vua không trực tiếp làm người kể chuyện để rao giảng những bài học triết lý mà chính bản thân nó đã là một câu chuyện để người hâm mộ có thể tự nhìn vào và chiêm nghiệm ra những lẽ sống rất riêng.
Hơn cả bóng đá, đó còn là những bài học
Làm việc với bóng đá Việt Nam chưa lâu nhưng thầy Park đã khơi dậy được những nội lực ở các các cầu thủ. HLV Park Hang-seo không cho phép các học trò của mình phải “cúi đầu” khi đã cố gắng hết sức. Ông luôn nhấn mạnh việc cầu thủ phải “ngẩng cao đầu mà đá”. Vì cúi đầu sẽ chỉ nhìn thấy bóng, ngẩng đầu sẽ nhìn thấy đối thủ, thấy đồng đội và thấy cả “trận địa”. Ông cũng dạy cho các cầu thủ phải “ngẩng đầu” trước các đối thủ mạnh hơn mình. Cái “ngẩng đầu” ấy không phải là sự tự cao mà đó là thái độ “tự biết mình” khi không nao núng sợ hãi mà chiến đấu dựa trên sự phân tích khoa học đối thủ. Chính bài học của thầy Park cũng như hình ảnh của đội tuyển Việt Nam đã cho ta nhận ra rằng: “Chúng ta cúi đầu trước quốc kỳ chứ không cúi đầu trước đối thủ”.
Đội tuyển Việt Nam tự tin trước đối thủ đẳng cấp Nhật Bản. Ảnh: Zing.vn
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Câu nói kinh điển ấy ta đã nghe hàng nghìn lần, nhưng bóng đá một lần nữa xác tín điều đó. Đã hơn một lần trong trận đấu với Nhật Bản, ta nhận ra những cử chỉ động viên nhau, những tiếng hò hét để cùng lên công về thủ nhịp nhàng của những chàng trai áo đỏ.
Nếu bài học về tư thế “ngẩng cao đầu” khi chiến đấu giúp các “chiến binh sao vàng” có cách tiếp cận trận đấu hợp lý thì tinh thần đồng đội dường như giúp họ có mạnh mẽ hơn trong từng bước chạy, tinh tế hơn trong từng đường bóng. Các cầu thủ chiến đấu không phải vì cái tên sau lưng mà còn vì họ biết rằng đồng đội họ cũng đang cố gắng. Nhìn vào tinh thần đồng đội của họ, ta nhận ra cách chấp nhận sự nhỏ bé trong một tập thể, trân trọng những cơ hội mong manh và chiến đấu hết mình vì một mục đích.
Đá với Nhật Bản chưa bao giờ là dễ dàng, thế nhưng tinh thần thi đấu của đội tuyển Việt Nam khiến người hâm mộ có thể hy vọng chúng ta chơi một trận đấu đôi công sòng phẳng với họ. Đội tuyển Việt Nam đã chiến đấu với hơn 200% sức lực khi Tiến Dũng từ chối sự chăm sóc y tế, Văn Lâm nén đau để không lỡ mất thời gian thi đấu cùng đồng đội. Họ đã chiến đấu với nỗ lực cuối cùng để không nuối tiếc khi tiếng còi mãn cuộc vang lên.
Để rồi khi kết thúc trận đấu, bên cạnh hai từ “nuối tiếc” ta còn có thể tự hào mà ngợi ca về tinh thần quả cảm, về sự cố gắng đền giây phút cuối cùng của những chàng trai áo đỏ. Họ không cho phép mình gục ngã vì họ đang gánh trên vai ước mơ của hàng triệu người hâm mộ. Bài học về sự chiến đấu quả cảm ấy cho chúng ta nhiều động lực để chiến đấu và chiến thắng hơn bất cứ cuốn sách self-help nào.
Ảnh 2: Tuyển Việt Nam rời giải đấu trong tư thế kiêu hãnh. Ảnh: Zing.vn
Những giải đấu suy cho cùng vẫn là những ''cuộc chơi'', dù thắng hay dù thua thì khi suy tư về sứ mệnh sâu xa của thể thao, của bóng đá, chúng ta vẫn sẽ vui khi đã cố gắng hết mình, đã vượt lên chính mình. Điều đó chính là chiến thắng vĩ đại nhất của mỗi cá nhân và của cả dân tộc. Dù không thể tiến xa hơn ở đấu trường lớn nhất châu lục thì hành trình của đội tuyển Việt Nam cũng đủ sức truyền cảm hứng cho nhiều người.
Đã đến lúc mơ về biển lớn
Sau thành công của Giải vô địch U23 Châu Á hồi đầu năm 2018, nhiều người có hoài nghi rằng: Liệu phép màu có thêm một lần nữa xảy ra? Ngày mà cả nước rực rỡ cờ hoa, ngày mà Mỹ Đình biến thành chảo lửa, liệu họ có một lần nữa được chứng kiến trong đời? Thế nhưng, sự thành công của đội tuyển Việt Nam ở hàng loạt những giải đấu trong năm 2018 và sự thể hiện tuyệt vời ở Asian Cup cho chúng ta một khẳng định rằng: Mưa tuyết Thường Châu hôm ấy không phải là một phép màu mà là sự khởi đầu. Đó là sự khởi đầu cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam, cho giấc mơ vươn ra biển lớn.
Thất bại ở Asian Cup trước Nhật Bản không mang quá nhiều nỗi thất vọng mà ngược lại còn đem đến cho ta nhiều hy vọng hơn. Ở một đội bóng có độ tuổi trung bình trẻ nhất giải, tiềm năng phát triển của các cầu thủ vẫn còn nhiều, ta có quyền hy vọng vào giấc mơ Olympic mà xa hơn là World Cup 2022. Mong rằng, các cầu thủ có thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện bản thân hơn để viết tiếp những câu chuyện đầy xúc cảm. Cũng hy vọng rằng, vượt ra nài phạm vi của một môn thể thao, tinh thần của đội tuyển Việt Nam cũng như những bài học mà bóng đá mang lại sẽ thấm sâu hơn vào hành động, để chúng ta văn minh hơn trong cách cổ động, đẹp hơn trong cách ăn mừng chiến thắng và tử tế hơn trong cách sống giữa đời thường.
Hồng Thảo
Truyền hình K38
Cùng chuyên mục
Bình luận