Hội người mù Việt Nam – 45 năm trưởng thành và nỗ lực không ngừng
(Sóng trẻ) – Trung ương Hội người mù Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội (17/04/1969 – 17/04/2014) vào tối ngày 16/04 tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội).
Đã tròn 45 năm kể từ khi Hội người mù Việt Nam ra đời (17/04/1969 - 17/04/2014), đây là sự kiện đánh dấu bước nặt cơ bản trong sự phát triển của Hội người mù. Khi được thành lập, Hội có chức năng nhiệm vụ là tập hợp hội viên, chăm sóc đời sống vật chất - tinh thần, dạy chữ, dạy nghề cho các Hội viên. Đến nay, Hội thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của người mù cả nước. Buổi lễ nhằm ôn lại truyền thống đoàn kết, phấn đấu, vượt khó vươn lên của cán bộ Hội viên trong 45 năm qua, đồng thời, báo cáo với Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành những thành tích đạt được của Hội.
Đến dự buổi lễ kỷ niệm có bà Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, bà Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Lam – Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Huy – Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành; đại diện các tổ chức quốc tế... Về phía Hội có ông Cao Văn Thành – Chủ tịch Hội người mù Việt Nam; các phó chủ tịch và các đồng chí nguyên là lãnh đạo các nhiệm kỳ, các đồng chí cán bộ văn phòng Trung ương Hội; trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng và học viên khoá 63 của trung tâm; đại diện cán bộ Hội viên của 10 tỉnh thành Hội.
Ông Cao Văn Thành - Chủ tịch Hội người mù Việt Nam - đọc diễn văn Lễ kỷ niệm
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi lễ
Đại diện các cơ quan, doanh nghiệp trao quà cho các gia đình người mù khó khăn
Trong suốt 45 năm qua, Hội người mù Việt Nam đã trải qua một chặng đường gian lao và vất vả nhưng cũng đầy vinh quang. Từ chỗ 95% người mù không biết chữ, không có nghề nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần nghèo nàn, đầy mặc cảm, tự ti; đến nay các Hội viên đã trở thành những công dân có văn hoá, có nghề nghiệp, tự chủ và bình đẳng trong cuộc sống. Họ là những người lao động giỏi, là những hiệp sĩ công nghệ thông tin, những nghệ sỹ ưu tú, những vận động viên khuyết tật được giải thưởng ở trong và nài nước. Họ là những học sinh, sinh viên đỗ thủ khoa trong các kỳ thi trung cấp, cao đẳng và đại học. Hội viên Phạm Thị Hồng ngậm ngùi: “Trong buổi lễ hôm nay tôi thực sự bồi hồi khi nhớ lại tất cả những gì mà Hội đã đem đến cho bản thân, cho mấy anh em và gia đình chúng tôi với lòng biết ơn sâu sắc".
Những hội viên của Hội mang đến cho buổi lễ những khúc ca ngọt ngào về tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Những suất quà của các cơ quan, doanh nghiệp cũng được trao tặng cho Hội, các gia đình và các cá nhân người khiếm thị gặp hoàn cảnh khó khăn.
Những lời ca tiếng hát được cất lên bởi người khiếm thị
Lương Ánh
Báo Mạng K32
Báo Mạng K32
Cùng chuyên mục
Bình luận