Hội thảo khoa học: “Tăng cường năng lực số cho sinh viên đáp ứng yêu cầu của thời đại mới”
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 21/3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo khoa học “Tăng cường năng lực số cho sinh viên đáp ứng yêu cầu của thời đại mới” tại hội trường số 9, tầng 10, nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hội thảo đón nhận được nhiều bài tham luận của sinh viên, cựu sinh viên trường.
Hội thảo được diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS Trần Thanh Giang - Phó giám đốc Học viện, Phó chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS Bùi Thị Kim Hậu - Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học; TS. Nguyễn Thúy Hà - Trưởng ban Quản lý khoa học; TS. Trần Văn Thư - Trưởng ban Quản lý Đào tạo.
Tham dự hội thảo còn có sự góp mặt của TS. Nguyễn Thị Việt Nga - Trưởng khoa Ngoại ngữ; các thầy cô giáo là Phó, Trưởng các đơn vị; các thầy cô cán bộ giảng viên trong Học viện và gần 200 sinh viên, cựu sinh viên các khóa của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tại hội thảo, PGS. TS Trần Thanh Giang - Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, hội thảo “Tăng cường năng lực số cho sinh viên đáp ứng yêu cầu của thời đại mới” dựa trên căn cứ của đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 131/Qđ- TTg ngày 25/1/2022. Theo đó, đề án xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực số cho người học, bảo đảm việc quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số.
Trong bài phát biểu, PGS. TS Trần Thanh Giang cho biết: “Hội thảo khoa học là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ chương trình đào tạo nghiên cứu khoa học của nhà trường đang có sự điều chỉnh và đổi mới. Hội thảo là diễn đàn để các thầy cô giáo và sinh viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm phát triển năng lực số cho sinh viên, đáp ứng các nhu cầu của thời đại công nghệ số”.
Tiếp nối bài phát biểu khai mạc của PGS. TS Trần Thanh Giang, TS. Nguyễn Thúy Hà - Trưởng ban Quản lý khoa học có bài báo cáo đề dẫn: “Năng lực số được cho là phương tiện để mỗi cá nhân có thể phát triển năng lực trong quá trình sống, học tập và làm việc. Sinh viên cần nhận thức rõ năng lực số không chỉ là biết cách sử dụng công nghệ mà còn biết cách điều hướng công nghệ hiệu quả trong một môi trường kỹ thuật số”. TS Thúy Hà cho rằng phát triển năng lực số ở sinh viên hiện nay vừa là yêu cầu tất yếu, vừa có nhiều yếu tố thuận lợi.
Tại hội thảo, ban tổ chức đã nhận được 65 bài tham luận có chất lượng tốt từ các sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền và một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Trong đó có 13 bài tham luận được trình bày trực tiếp. Các bài tham luận đã cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong việc tăng cường năng lực số cho sinh viên.
Trong đó, nổi bật có bài tham luận của bạn Nguyễn Thị Thảo Nguyên - sinh viên lớp Ngôn ngữ Anh (Khóa 41) về đề tài “Định hướng đối với việc tăng cường năng lực số cho sinh viên đáp ứng yêu cầu thời đại mới trong thời gian tới”. Đối với Thảo Nguyên, bối cảnh thời đại số giúp mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên. “Trong tương lai, sinh viên sẽ ngày càng có nhiều cơ hội trải nghiệm đa dạng khi các bạn có thể tìm kiếm nhiều cơ hội học hỏi bên ngoài trường đại học”, Thảo Nguyên nói.
Giải đáp câu hỏi của các bạn sinh viên tham gia hội thảo, anh Nguyễn Bá Khải (cựu sinh viên Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Trong dòng chảy của báo chí truyền thông sẽ có một số công việc dần bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo và robot. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các vị trí không thể thay thế được. AI được sinh ra bởi con người và chính con người làm chủ AI”.
Cựu nam sinh Báo chí cũng hy vọng trong thời gian sắp tới, nhà trường sẽ xem xét đổi mới chương trình dạy học để phù hợp với thực tiễn. Từ đó giúp các bạn sinh viên có những hành trang mới nhất, nhanh nhất để theo kịp dòng chảy xã hội và có thể biến thành những kỹ năng số phù hợp với bản thân.
Kết lại hội thảo, PGS. TS Trần Thanh Giang đã khái quát những ý kiến đóng góp từ các bài tham luận, chỉ rõ những hạn chế của việc phát triển năng lực số hiện nay. Đồng thời PGS. TS Trần Thanh Giang nhấn mạnh: “Nhiều mô hình hay, các đề xuất kiến nghị, giải pháp có tính thực tiễn cao sẽ là luận cứ quan trọng để lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như các trường Đại học tiếp tục có những chiến lược cụ thể, nhằm tăng cường năng lực số cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu đổi mới hiện nay”.