Không Thần Phật nào phù hộ cho hành vi phản tâm linh
(Sóng trẻ) - Đạo Phật quan niệm cuộc đời là bể khổ. Con người muốn vượt qua khổ ải của cuộc đời để được giác ngộ và hạnh phúc thì phải tu tâm dưỡng đức, một lòng hướng Phật, hơn cả là phải tránh xa được “tham, sân, si” – cái được cho là ba con rắn độc. Thế nhưng nhiều người đi lễ chùa lại không hiểu hết triết lý của Phật gia, vô tình tạo những hành vi có lỗi với thần Phật.
Rải tiền lẻ bừa bãi: Xúc phạm thần linh
Nhiều người dân đi lễ chùa đầu năm có thói quen mang theo tiền lẻ, càng nhiều càng tốt nhằm mục đích “rải” ở tất cả các ban bệ theo kiểu “phân phát”. Không đặt thì khi khấn lễ thấy không thoải mái, người khác đặt mà mình không đặt thì lương tâm bất an – đó là suy nghĩ của không ít người. Suy nghĩ này vô hình chung đã tạo thành một hành vi cố hữu là cứ lên chùa là phải có tiền lẻ nếu không có nhiều người sẵn sàng đổi ở cổng chùa với giá khá “đẹp” “10 lấy 8”.
Người dân rải tiền lẻ một cách bừa bãi
Thế nhưng việc làm này chẳng những không mang phúc, thậm chí còn là hành động xúc phạm đấng thần linh khi phần đông người dân “rải” tiền một cách bừa bãi trên các ban bệ, nhiều người còn chỉ “rải” tiền mà không một lời “nam mô a di đà”. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và Phật giáo cho rằng đây là hành vi phản tâm linh, nếu thực sự có tâm thì người dân nên đặt tiền lên đĩa ngay ngắn dâng lên Tam bảo hoặc bỏ tiền vào hòm công đức để trùng tu, xây dựng chùa.
Đặt tiền trên tượng: “Ép” Phật nhận “hối lộ”
Một trong những hình ảnh không lấy gì làm đẹp ở nhiều chùa của Việt Nam đó chính là trên tượng có tiền. Và người đặt tiền trên tượng Phật không ai khác chính là những người đi lễ, vãn cảnh. Người ta sẵn sàng đặt tiền lên bệ đá, tòa sen nơi thần Phật ngồi, những linh vật thần Phật cưỡi, thậm chí đặt cả lên tay Phật, thân Phật. Những hành động tưởng là thể hiện lòng tôn kính nhưng thực chất lại là “phản cảm” nơi cửa thiền.
Nhiều người đặt cả tiền trên bệ đá, tòa sen nơi Phật ngự
Suy nghĩ Phật cũng như mình, cũng cần tiền để chi tiêu, để sắm sửa là một suy nghĩ thiếu văn hóa, thiển cận và giản đơn. Việc đặt cả tiền lên tượng Phật vẫn được so sánh như một hành động hối lộ thần linh, nhưng hành động hối lộ này lại là hành động “ép buộc” bởi đấng siêu nhiên qua những bức tượng thì không thể chối từ hay trả lại. Những bức tượng trang nghiêm vô tình đã bị làm xấu đi bởi việc làm của không ít người.
Dâng đồ mặn: Đi ngược lại giáo lý nhà Phật
Đồ mặn ở đây được hiểu là thịt các con vật như lợn, gà. Nhiều người dâng lễ lên chùa đặt con gà trên mâm xôi tưởng rằng mâm cao cỗ đầy sẽ được trời Phật phù hộ. Nhưng thực chất việc làm này lại không phù hợp với triết lý của Phật gia. Mâm xôi con gà chỉ phù hợp với các đình, đền thờ thành hoàng làng, nhân vật lịch sử, anh hùng có công chứ tuyệt nhiên không nên có trên ban thờ Phật.
Đi chùa cần nhất một tâm hồn thanh tịnh
Tuy mỗi tông phái lại có những quy định khác nhau nhưng Phật giáo vẫn là tôn giáo khuyến khích con người ta ăn chay, sống từ bi hỷ xả với tất cả chúng sinh trên thế gian. Phật tử có thể ăn thịt, người đi lễ chùa có thể ăn thịt nhưng không nên dâng thịt động vật lên trước Tam bảo bởi đó là hành vi đi ngược lại giáo lý, nội dung của Phật giáo. Nếu muốn thể hiện lòng thành người dân nên dâng hương hoa, hoa quả hoặc đồ ăn chay. Lễ chùa cần lắm sự trang nghiêm, tôn kính và một tâm hồn thanh tịnh.
Bài và ảnh: Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận