Khúc tráng ca từ Ba Đình vang tới Trường Sa

(Sóng Trẻ) - Khi chứng kiến lễ Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lại nhớ về những lần được tham dự lễ Thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình. Mỗi nơi một vẻ, nhưng cả hai đều toát lên sự hùng tráng, trang nghiêm và xúc động, mà ai đã một lần tham dự đều không thể nào quên.

Quảng trường Ba Đình từ lâu đã trở thành một không gian văn hóa của Thủ đô Hà nội. Từ năm 2001, không gian văn hóa đó càng trở lên thiêng liêng hơn với mỗi người dân Thủ đô và đồng bào cả nước khi nơi đây tổ chức nghi lễ quốc gia: Lễ Thượng cờ. Mỗi năm đều đặn 360 ngày (trừ 5 ngày nghỉ tết) lá cờ Tổ quốc được các chiến sĩ Đoàn 275 kéo lên cột cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đúng 6 giờ sáng. Bất kể nắng, mưa, gió, bão, lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Khi chuẩn bị thực hiện nghi lễ Thượng cờ, tiếng loa của Ban quản lý Lăng vang lên “Mời đồng bào trên Quảng Trường ngừng mọi sinh hoạt để làm lễ chào cờ”. Lời bài hát Bác đang cùng chúng cháu hành quân vang lên hùng tráng, báo hiệu buổi lễ Thượng cờ bắt đầu. Khi đó, công việc của đồng bào trong khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được gác lại, mọi người đứng nghiêm và chuẩn bị làm lễ Chào cờ. Sự hùng thiêng của sông núi nước Việt như dồn cả về đây trong giây phút thiêng liêng này.

Mọi người xúc động khi 34 đồng chí Đoàn 275 trân trọng mang lá cờ Tổ quốc tiến ra Quảng trường Ba Đình. 34 đồng chí đại diện cho 34 chiến sĩ đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong ngày thành lập. Lá cờ Tổ quốc theo họ đến mọi miền đất nước và đồng hành cùng họ trong những chiến công oanh liệt của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thần thánh của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, lá cờ Tổ quốc trở về đây, tung bay trước gió tại Quảng trường Ba Đình để đại diện cho một nước Việt Nam giàu đẹp và tiến lên chủ nghĩa xã hội.

2338d3215_khuc_trang_ca.jpg

Lễ Thượng cờ đã tạo cảm xúc mạnh mẽ trong lòng đồng chí, đồng bào, nhất là đồng bào, chiến sĩ miền Nam mỗi khi được về  “viếng” Lăng Bác. Trong lòng mỗi người đều dâng lên một niềm xúc động, nhiều người không cầm được nước mắt khi được “đắm mình”  trong giây phút thiêng liêng này.

Đối với riêng tôi, lễ Thượng cờ để lại một ấn tượng khó phai mờ. Một cảm giác vừa gần gũi, vừa thân quen, hiện lên khiến tôi cảm thấy như được trở về mái ấm gia đình và quây quần bên những người thân yêu. Những lo âu sau bao ngày học tập vất vả dường như tan biến, thay vào đó là một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.

Tốt nghiệp Đại học, tôi may mắn được về công tác tại Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong một lần đi công tác Trường Sa, tôi có dịp tham dự lễ Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Khi đó, kỉ niệm về Hà Nội, về những lần được tham dự lễ Thượng cờ lại ùa về trong tôi.

Lễ Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường sa cũng hùng tráng, trang nghiêm và xúc động như khúc tráng ca nơi Quảng trường Ba Đình vậy. Tên và chiến công của 64 anh hùng liệt sĩ đã được xướng lên: đó là Anh hùng liệt sĩ Trần Đức Thông; là Đại úy thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy tàu HQ604, là Thiếu úy Trần Văn Phương - người đã anh dũng hy sinh khi tay không giữ vững lá cờ Tổ quốc không để kẻ thù giật xuống, trước khi hy sinh anh đã hô to: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo, phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”; là Nguyễn Văn Lanh – người đã kiên cường chiến đấu, dù bị thương nhưng anh vẫn bám trụ trận địa, quyết giữ đảo tới cùng; là thuyền trưởng Vũ Huy Lễ bình tĩnh chỉ huy con tàu HQ 505 lao lên bãi ngầm Cô Lin, để con tàu trở thành chiến hạm nổi và cũng để khẳng định chủ quyền Tổ quốc… Tấm gương hy sinh anh dũng của các anh tô thắm cho truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.

Trong giây phút mặc niệm đầy ý nghĩa này, phảng phất đâu đây trong lòng mỗi người tham dự lễ Tưởng niệm một nỗi buồn, một sự thương tiếc vô hạn đối với những người con đã hy sinh tuổi xuân của mình cho chủ quyền biển đảo quê hương.

Có một điều đặc biệt mà tôi được nghe kể về buổi Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Trường Sa.  Chuyện rằng, mỗi lần vòng hoa được thả xuống biển đều có mưa lất phất rơi. Những hạt mưa như những giọt nước mắt của các anh đã nằm xuống đang cảm động trước sự tri ân của đồng đội. Lễ Tưởng niệm kết thúc thì những hạt mưa cũng hết. Trời lại quang, mây lại tạnh, ánh sáng mặt trời ló lên từ đằng Đông như sự phù hộ của các anh cho đồng đội có những chuyến đi an toàn, tiếp tục nhiệm vụ cao cả - bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ Lễ thượng cờ nơi Quảng trường Ba Đình đến Lễ Tưởng niệm các liệt sĩ ở Trường Sa - ai đã từng nghe, từng thấy đều có chung một cảm nhận, đó là khúc tráng ca hào hùng, thiêng liêng mang tên Tổ quốc. Khúc tráng ca phải đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Từ Ba Đình đến Trường Sa là sự nối liền mạch nguồn cảm xúc từ ý nghĩ đến hành động thực tiễn, từ lòng yêu nước, tự hào dân tộc đến ý chí hi sinh thân mình để gìn giữ biển đảo quê hương của mỗi người lính Hải quân. Để mỗi khi hướng về những phút giây hùng tráng đó, từ sâu thẳm trái tim mình lại thấy thêm yêu hai từ “Tổ quốc”.

Tùng Đặng - Mai Hoa

Phóng viên báo Hải Quân

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN