Làng nghề giấy Phong Khê: Tương lai nào sau Đề án xử lý ô nhiễm môi trường?

(Sóng trẻ) - Hàng loạt “chiếc lò hơi” hoạt động không kiểm soát đã “bức tử” dòng sông Ngũ Huyện Khê, đẩy cả làng nghề vào vòng luẩn quẩn của ô nhiễm và sinh kế. Tỉnh Bắc Ninh đã kiên quyết thực hiện Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm nhằm xử lý khủng hoảng môi trường. Nhưng sau những bước đi quyết liệt, một câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ về cân bằng giữa việc bảo vệ môi trường, đảm bảo sinh kế cho người dân, và duy trì sự phát triển kinh tế bền vững. 

anh-1.jpg
Ô nhiễm môi trường tại làng giấy Phong Khê. (Ảnh: Lâm Anh)

Những tiến triển mới từ Đề án xử lý ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm, ung thư, chết chóc, bệnh tật... Đó là những gì mà người dân sinh sống ven dòng sông Ngũ Huyện Khê đang phải đối mặt trong suốt những năm qua. “Nước sông đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc, không một sinh vật nào có thể sống sót dưới con sông ấy. Người ta gọi đây là dòng sông ‘tử thần’ và thật sự, nó đã cướp đi cuộc sống của không biết bao gia đình nơi đây”. Cô Hòa (63 tuổi, người dân địa phương) nhớ lại dòng sông trong ký ức. 

Bóng tối không phải là câu chuyện kéo dài mãi khi mới đây, Đề án "Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022-2030" chính thức được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh thông qua và bắt đầu triển khai. Đề án không chỉ là lời khẳng định về quyết tâm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường mà còn được kỳ vọng như một giải pháp “hồi sinh” cho dòng sông Ngũ Huyện Khê và cả khu vực làng nghề giấy Phong Khê – nơi nhiều năm qua vẫn được xem là điểm “nóng” của ô nhiễm môi trường tại miền Bắc. Sau hàng thập kỷ bị ô nhiễm bủa vây, người dân địa phương giờ đây đang kỳ vọng vào một tương lai khác, một tương lai nói không với ô nhiễm và khổ đau.

Sau khi Đề án được triển khai, tính tới thời điểm hiện tại chính quyền địa phương đã cho kiểm tra và đóng cửa tổng số 228/341 cơ sở sản xuất giấy vi phạm về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn điện, an toàn lao động, vi phạm về nộp thuế và xây dựng các công trình trái phép trên địa bàn. Theo Đề án, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/1 hộ di dời đồng thời giới thiệu các địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai để đón nhận các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất. (Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố và của tỉnh Bắc Ninh giới thiệu việc làm cho gần 4.000 lao động (có nhu cầu), đảm bảo mức lương bằng hoặc cao hơn mức lương cũ tại các cơ sở sản xuất giấy.)

Đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Phong Khê đã có dấu hiệu khởi sắc cùng những chuyển biến tích cực. Con sông Ngũ Huyện Khê giờ đây đã được trả lại dáng vẻ vốn có của nó, phong quang hơn, sạch sẽ hơn, khác hẳn so với hình ảnh đen kịt, ô nhiễm trước đó.

anh-2.jpg
 Sông Ngũ Huyện Khê trước và sau khi triển khai Đề án. (Ảnh: Lâm Anh)

Cán cân sinh kế và xử lý ô nhiễm môi trường vẫn chưa được cân bằng

Phía sau Đề án là cả một tương lai đầy dang dở. Khi môi trường đã dần được cải thiện, nỗi lo ô nhiễm không còn ám ảnh người dân địa phương như trước, thì áp lực mưu sinh lại đè nặng lên vai chủ các doanh nghiệp sản xuất và hàng ngàn lao động trong làng nghề. Việc đóng cửa sản xuất chẳng khác nào chặt đứt chiếc phao cứu sinh cuối cùng của họ, bởi đây là nguồn thu nhập duy nhất và cũng là kế sinh nhai chính đã gắn bó với bao thế hệ.

anh-3.jpg
Một cơ sở sản xuất giấy bị dừng hoạt động tại làng nghề giấy Phong Khê. (Ảnh: Lâm Anh)

Chúng tôi men dọc theo con đường Đào Xá, trục đường chính dẫn vào làng nghề để tìm tới các cơ sở sản xuất này. Phải đi một quãng đường khá lâu mới có thể tìm thấy được vài cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ còn đang hoạt động. Làng nghề giấy Phong Khê có lẽ chưa bao giờ tiêu điều, vắng vẻ đến thế. Những xưởng sản xuất bỏ hoang, máy móc phủ bụi cùng những chiếc “lò hơi” bất động nằm im đầy tĩnh lặng. 

anh-4.jpg
Máy móc, thiết bị giờ đây không người trông coi. (Ảnh: Lâm Anh)

Hơn nửa năm sau khi Đề án cải thiện môi trường được triển khai, làng nghề từng một thời nhộn nhịp nay chỉ còn lại những cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động cầm chừng trong sự bấp bênh, bế tắc. Ông Nguyễn Văn Hùng, một chủ cơ sở sản xuất giấy tại xóm Bến, Dương Ổ cho biết kể từ 4 tháng nay, các cơ sở sản xuất giấy tại làng nghề Phong Khê đã dừng hoạt động hoàn toàn. “Xưởng sản xuất giấy của tôi cũng đã dừng hoạt động được hơn một tháng nay. Nơi đây đã từng tạo công ăn việc làm cho hơn chục công nhân trong vùng. Nhưng giờ đọng vốn, nợ nần chồng chất, tôi chỉ còn cách bán dần những sản phẩm còn dư để giải vốn rồi tính đường đầu tư, làm ăn nơi khác”. Khó khăn là thế nhưng theo những gì ông Hùng chia sẻ, đến thời điểm hiện tại ông và các chủ cơ sở sản xuất giấy đã dừng hoạt động tại địa phương vẫn chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương theo như những gì được đề cập trong Đề án trước đó.

Đề án dù đã được triển khai, thế nhưng cơ chế hỗ trợ di dời và hỗ trợ kinh tế vẫn còn là dấu bỏ ngỏ lớn với các chủ sản xuất giấy tại làng nghề. Những lời “hứa hẹn” về việc hỗ trợ từ các cấp chính quyền vô hình chung đã đẩy các chủ sản xuất vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan - ở lại thì không thể tiếp tục sản xuất, mà rời đi thì không có đủ nguồn lực để bắt đầu lại từ đầu. 

Ở làng nghề, từ trẻ con cho đến người lớn, ai cũng có việc làm, mỗi thành viên trong gia đình ở đây đều đảm nhận một khâu trong chu trình sản xuất. Nhưng giờ đây, đời sống của hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ người địa phương, mà cả những lao động tứ xứ về đây mưu sinh cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. “Mỗi một máy xeo giấy chúng tôi phải vay ngân hàng hàng chục tỷ đồng. Ngày máy chạy, một ngày có thể làm ra 200-300 triệu, nhưng chỉ cần dừng một ngày là ‘chết’. Nghĩ đến cảnh nợ nần, thất nghiệp, tôi sợ chứ. Nhưng giờ bảo chúng tôi di dời lên tận Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn... nhà cửa, đất đai, con cái chúng tôi biết tính làm sao? Nói thực, tôi cũng không biết tương lai của người dân làng nghề giấy Phong Khê sẽ đi đâu về đâu”. Chị Trần Thu Phương (45 tuổi), người dân địa phương bức xúc bày tỏ.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi khi mất cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường vẫn luôn là một bài toán nan giải không chỉ riêng đối với làng nghề giấy Phong Khê mà còn rất làng nghề khác trên cả nước?

Kỳ vọng tương lai của làng nghề làm giấy

Không ai biết số phận của bà con làng giấy rồi sẽ đi đâu về đâu. Nhưng việc áp dụng triển khai Đề án “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê” là điều tất yếu, không thể tránh khỏi. Ngày nào những máy xeo giấy còn quay, những ống khói còn nhả khói đen mù mịt ra bầu trời là ngày đó, môi trường và sức khỏe người dân còn bị đe dọa. Hàng trăm tấn nước thải mỗi ngày, ngấm sâu xuống lòng đất, len lỏi vào mạch nước ngầm, đầu độc cả dòng sông lẫn nguồn sống của người dân. Ung thư, viêm phổi, và hàng loạt vấn đề sức khỏe ngày một gia tăng là cái giá quá đắt mà người dân phải đánh đổi cho làng nghề. “Các cơ sở sản xuất giấy địa phương cần nghiêm chỉnh chấp hành và tuân thủ Đề án của tỉnh”, ông Nguyễn Đình Liêm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Dương Ổ, huyện Phong Khê khẳng định. “Đây không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là trách nhiệm đạo đức với chính cộng đồng, với thế hệ con em sau này.” 

anh-5.jpg
Người dân địa phương phải sống chung với giấy rác và ô nhiễm trong suốt nhiều năm. (Ảnh: Lâm Anh)

Đề xuất những hướng đi mới cho tương lai của bà con làng nghề, ông Liêm chia sẻ thêm: “Tới đây khi các cơ sở sản xuất dừng hoạt động hoàn toàn, không còn xả thải gây ô nhiễm môi trường nữa, chúng tôi đang tính đến việc nghiên cứu để đưa mô hình trồng sen trở lại”. Được biết, trước kia người dân Bắc Ninh cũng đã từng trồng sen. Nhưng sau này khi tình trạng ô nhiễm tại địa phương ngày một trầm trọng hơn, nước hồ không còn sạch, đất đai cũng bị ảnh hưởng nên người dân không thể tiếp tục trồng sen nữa. “Việc chuyển đổi từ sản xuất giấy sang trồng sen sẽ giúp khôi phục môi trường và cảnh quan đô thị vốn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng trong suốt nhiều năm qua”, ông Liêm cũng nhấn mạnh. Theo ông, mô hình này nếu được triển khai đúng cách sẽ mở ra một hướng đi mới bền vững hơn, giúp bà con thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành sản xuất giấy. 

Người dân làng nghề giấy Phong Khê đã chấp hành và tuân thủ nghiêm túc Đề án xử lý ô nhiễm môi trường, với mong muốn bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, quá trình này không thể hoàn thành một cách suôn sẻ mà không có sự hỗ trợ đầy đủ từ các cấp chính quyền. Việc di dời các cơ sở sản xuất và đảm bảo sinh kế cho người lao động là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi một kế hoạch hỗ trợ rõ ràng và thực tế. Những cơ sở sản xuất đóng cửa, hàng ngàn lao động mất việc, và các chủ cơ sở đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất. Sự thiếu hỗ trợ kịp thời từ chính quyền đã tạo ra một khoảng trống lớn trong quá trình chuyển giao này. Câu hỏi quan trọng hiện nay là làm thế nào để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong khi chúng ta thực hiện cải cách môi trường.  

Đề án xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề giấy Phong Khê đã đạt được những kết quả khả quan trong việc cải thiện tình trạng ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở sản xuất và bảo đảm sinh kế cho người dân vẫn là một thách thức lớn. Cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững đòi hỏi sự hỗ trợ toàn diện từ chính quyền và các giải pháp lâu dài. Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, cần có những kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho người lao động và các chủ cơ sở sản xuất, từ đó giúp làng nghề có thể chuyển mình một cách ổn định và bền vững. Đây là một bài toán cần thời gian và sự phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan để hướng đến một tương lai không chỉ sạch đẹp mà còn thịnh vượng cho người dân làng nghề.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN