Lão thợ săn ngày đêm “trả nợ” cho rừng núi

(Sóng trẻ) - Núi đá cheo leo, nhọn hoắt; nước non thiếu thốn; sóng điện thoại chập chờn… Đó chỉ là một trong rất nhiều những khó khăn mà ông Hiên phải đối diện mỗi ngày khi đi tuần rừng.

Năm 2017, dựa trên những bằng chứng khoa học đã ghi nhận được tại rừng Kim Bảng về việc xuất hiện loài động vật quý hiếm, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã phối hợp với tỉnh Hà Nam thực hiện Dự án bảo tồn Voọc mông trắng với nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là việc thành lập Tổ bảo tồn cộng đồng huyện Kim Bảng.

Tổ tuần rừng có 5 người bao gồm cả đội trưởng. Do áp lực công việc cũng như thu nhập nên các thành viên trong tổ liên tục thay người mới. Riêng chỉ có Đội trưởng Lê Văn Hiên là người gắn bó với công việc này từ khi thành lập Tổ bảo tổn đến nay.

PV: Chào ông, khi ngồi ở vách đá nghỉ chân đầu tiên, ông có chia sẻ rằng đó là chỗ mà người dân ở Kim Bảng vẫn thường nhớ đến với cái tên “lán ông Hiên” vì ông đã từng ở đó để săn bắt thú rừng trong nhiều năm. Trước khi làm “anh hùng bảo tồn” ông đã từng là tay thợ săn có tiếng ở vùng đất này?

h1.jpg
Vị trí “lán ông Hiên” – nơi nghỉ chân đầu tiên khi vào rừng Kim Bảng

 

Ông Lê Văn Hiên: Đúng thế, tôi đã từng làm thợ săn ở rừng Kim Bảng 17 năm. Đầu năm 1970, đất nước còn chiến tranh, nhà tôi khó khăn lắm, phải lo chạy vạy miếng cơm từng bữa. Trẻ em vùng này học hết lớp vỡ lòng là đều bỏ đi rừng cả. Cạnh nhà tôi là một thợ săn lão luyện, trong nhà lúc nào cũng treo đầy thịt thú.

Đầu tiên, tôi xin đi theo phụ nấu cơm, vác đồ. Chuyến đầu tiên suôn sẻ, săn được 10 con don (họ nhím), tôi được trả công một con. Bữa cơm độn có thịt khơi dậy quyết tâm học nghề săn và hy vọng cuộc sống đỡ vất vả hơn, tôi tập cách lần dấu vết, ẩn nấp, tiếp cận từng loài thú.

Đến năm 17 tuổi, tôi đã liều lĩnh đi vay nặng lãi mua cây súng kíp đầu tiên, từ lúc đó có lẽ tôi đã trở thành thợ săn. Gần hai mươi năm, tôi không nhớ sát hại bao nhiêu loài thú, chỉ nhớ mỗi đêm trở về, vai ướt đẫm máu, thú bày la liệt trong nhà. Hoẵng, tê tê, khỉ, sơn dương, nhím, cày,... đếm không xuể, lúc đó tôi chỉ nghĩ “miễn sao bán được tiền”.

PV: Săn bắt nhiều như vậy, kinh tế của gia đình cũng cải thiện. Lúc đó, ông có nghĩ mình sẽ gắn bó và kiếm sống với nghề này lâu dài không?

Ông Lê Văn Hiên: Kiếm được tiền vào là ham lắm. Hồi đó còn trẻ, nghĩ gì nhiều đâu. Cứ hết ngày xách đủ các con về lái buôn đến tận nhà thu mua, lại còn được giá. Hôm nào họ không vào thu mua thì tự mang ra chợ bán, có đồng ra đồng vào cuộc sống khấm khá hơn ngày trước nhiều.

Rừng là nơi trú ẩn của muông thú, tôi thấy như nhà của mình. Tôi đi nhiều thành quen nên chẳng sợ gì cả, kể cả không có đèn pin. Mỗi chuyến đi săn tôi đều đặt mục tiêu phải có thú mang về nhà. Nếu không có, vợ con tôi đói.

Mà tiền thì ai cũng cần, tôi coi luôn cái nghề thợ săn là cái để kiếm sống. So với các công việc công việc cùng thời đó, nghề này kiếm được hơn hẳn. Cứ thế rồi cũng làm thợ săn đến gần hai chục năm, cũng là cái khao khát chinh phục núi rừng không thể bỏ, có rồi lại muốn có nhiều hơn…

PV: Gắn bó với nghề ngỡ là sẽ cả đời nhưng tại sao bỗng dưng ông “buông tay súng”?

Ông Lê Văn Hiên: Năm 1994, tôi nhận lời dẫn đường cho chuyên gia Lê Văn Dũng đi điều tra về loài voọc mông trắng ở Kim Bảng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi vào rừng mà không cầm súng. Một tuần ngắm bầy voọc qua ống nhòm, góc xa, tôi nhìn chúng quấn quýt kiểm ăn, dạy nhau những tập tính riêng của loài. Chúng đùa giỡn hệt lũ trẻ. Tôi thấy lòng khấp khởi vui mừng, lạ lắm!

Chuyên gia đi cùng cũng khuyên nhủ tôi về sự gắn bó của những động vật đó như một gia đình, nếu voọc mẹ chết, con cũng sẽ chết. Tôi chỉ lặng thinh suy nghĩ về những gì Dũng vừa nói, về lời khuyên hãy buông súng, bỏ nghề.

Sau chuyến đi cùng nhà nghiên cứu linh trưởng là những đêm dài tôi ngủ, tôi cứ nhìn lên trần nhà rồi nhìn hai đứa con nhỏ. Trong đầu lại hiện lên hình ảnh đàn Voọc chơi đùa, đu cây. Tôi lại không ngừng suy nghĩ.

Cuối cùng, tôi đem chuyện kể với vợ. Bà nhà tôi lúc đó cũng cùng suy nghĩ, vì thấy tôi sát sinh nhiều quá, lòng dạ cũng không yên. Được vợ ủng hộ, tôi quyết định từ bỏ nghề thợ săn. Chật vật với cuộc sống lao động chân tay vất vả, đi làm thêm mỏ đá cũng không ít lần suýt mất mạng. Nhưng tôi không cho phép mình được quay về nghề cũ.

PV: Vậy sau đó ông đã bén duyên với nghề bảo tồn rừng này như thế nào?

Ông Lê Văn Hiên: Năm tôi 32 tuổi, ông Tilo Nadler -  nay là Giám đốc Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) tìm đến đặt vấn đề với tôi về việc tham gia bảo vệ rừng và loài động vật hoang dã tại rừng Kim Bảng. Tôi nhận lời ngay. Lúc đó, tôi chợt nghĩ mình sẽ trả nợ cho núi rằng, trước tôi là tay thợ săn, là giờ là người giữ rừng, nghĩ cũng lạ (ông Hiên bật cười).

Tôi thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 6 thành viên. Hàng tháng chúng tôi được trả hơn 3 triệu đồng/1 người. Riêng đội trưởng thì sẽ được trả cao hơn nhưng điều này tôi thực sự không nghĩ nhiều…

Công việc chính của tổ tuần tra là gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí, môi trường sống của voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt thú, tổ sẽ thông báo để kiểm lâm xử lý.

PV: Rừng Kim Bảng chủ yếu là núi đá, tai núi nhọn hoắt, cao chênh vênh, trong quá trình đi tuần tra ông gặp phải những khó khăn và nguy hiểm gì?

Ông Lê Văn Hiên: Diện tích của rừng Kim Bảng rộng hơn 3.000 ha, chủ yếu là rừng núi đá phòng hộ đầu nguồn. Đường đi cheo leo, cao vút, chỉ một chút sơ suất là sảy chân rơi xuống các vách đá, có thể nằm trước lưỡi hái của tử thần.

Trong Tổ tuần tra có người đã trượt chân ngã trong ngày đầu tiên đi tuần rừng, thương tật đến hơn 10%. Người thì sưng chân, người thì sưng tay, có khi to như quả trứng, mấy chú cháu có làm sao thì cũng chỉ dán miếng salonpas tạm bợ.

Còn tôi, chắc vì món nợ quá lớn phải trả cho núi rừng, nên trời để cho sức khỏe, năm nay hơn 60 nhưng vẫn leo rừng thoăn thoắt, có khi còn đeo cả ba lô nặng 10kg trên vai bao gồm lương thực và đồ đạc đi tuần, ngày nắng cũng như ngày mưa.

h2.jpg
Ông Hiên – đội trưởng Tổ bảo vệ cộng đồng ghi chép tỉ mỉ trong sổ các mốc tọa độ ngồi theo dõi đàn Voọc

 

PV: Không chỉ bị đe dọa tính mạng từ thiên nhiên khắc nghiệt, những năm gần đây không ít người dân huyện Kim Bảng cũng xôn xao về việc Tổ bảo vệ rừng bị đe dọa từ những người nặc danh, chuyện này có thật không, thưa ông?

Ông Lê Văn Hiên: Trước đây, khi mới hoạt động, mỗi ngày Tổ bảo tồn gỡ đến vài chục bẫy lớn nhỏ trong rừng. Dần dần, số lượng bẫy cũng giảm đáng kể, hầu như không còn. Nhưng chính vì thế mà đã không ít lần chúng tôi phải nghe những cuộc điện thoại đe dọa từ nhiều số lạ với nội dung như “mày đã cướp miếng ăn của tao”…

Không chỉ dừng lại ở việc đe dọa, các téc nước tại lán cố định của Tổ còn bị chọc thủng lởm chởm, anh em trong đội phải khắc phục bằng chiếc bể tạm bợ, quây bạt hứng nước mưa. Tổ chức FFI cũng bỏ ra chi phí 300.000 mỗi ngày để mua nước sạch từ dưới thuê người mang lên núi cho Tổ sinh hoạt khi đi tuần.

Núi rừng rộng lớn, thợ săn vẫn thường xuyên rình rập, những người có “thù” với Tổ bảo vệ cộng đồng là không ít. Bình thường, số lượng thành viên của tổ vốn đã không nhiều nay còn thường xuyên bị đe dọa, thậm chí chúng tôi còn nhận được những lời cảnh báo đến tính mạng của cả vợ con. Không rõ kẻ đứng sau là ai, nhưng một số người trong Tổ không chịu được áp lực đã chủ động nghỉ việc.

Công việc vất vả, nguy hiểm luôn kề cận nhưng đồng lương ít ỏi chẳng đáng là bao. Những thanh niên sức dài vai rộng, ngày ngày cũng phải băng qua núi rừng hiểm trở, đồng lương cuối tháng lại chỉ thu về hơn 3 triệu đồng, nhiều lúc nghĩ tôi cũng thấy tội cho mấy đứa nó lắm. Nó theo mình, mình coi như con, nhìn các con vậy tôi cũng xót.

h3.jpg
Mỗi buổi sáng ông Hiên đều dậy từ sớm, dặn dò các thành viên, nay ai đi thung nào, làm gì. Mọi người trong đội thường gọi ông là “bố” xưng “con”, hỗ trợ nhau như trong gia đình.

 

PV: Công việc của Tổ là ghi lại những hình ảnh của Voọc mông trắng và lưu trữ cho Tổ chức bảo tồn FFI, từ một người thợ săn chỉ quen vác súng bản thân ông đã phải làm những gì để tiếp cận với các thiết bị hiện đại trong quá trình tuần tra?

Ông Lê Văn Hiên: Tôi thì cũng có tuổi rồi, hiểu biết công nghệ cũng có phần hạn chế nhưng công việc như vậy, thì bắt buộc mình phải tự học mà làm thôi, Tôi tự học cách dùng máy ảnh siêu zoom, quay video ở mọi địa hình hiểm trở. Ngày nào đi tuần tôi cũng mang theo chân máy và máy ảnh.

h4.jpg
Lão thợ săn ngày nào giờ như một tay quay phim chuyên nghiệp, cũng chân máy, máy ảnh siêu zoom, ghi lại nhiều thước phim đắt giá

 

Đến hiện tại tôi tự tin cầm máy trên tay mình và sẵn sàng ghi lại những hình ảnh về loài Voọc quý hiếm mà có khi chuyên gia ăn ngủ cả tháng trong rừng cũng chưa thể làm được. Hầu hết các tư liệu về loài linh trưởng quý hiếm trong rừng Kim Bảng đều do tôi ghi lại. 

PV: Được biết, mới đây, ông vừa được Quỹ bảo tồn Disney (Mỹ) phong tặng danh hiệu "Anh hùng bảo tồn" vì những đóng góp xuất sắc trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, đây có thể sẽ là động lực rất lớn cho những cống hiến của mình. Nhưng bản thân cũng là người đã có tuổi, ông có dự định gì trong công tác bảo tồn sắp tới không?

Niềm vui và ước mơ của tôi giờ nằm cả trong khu rừng Kim Bảng này. Mỗi ngày đi rừng, tôi chỉ cần nhìn thấy đàn Voọc hồn nhiên nô đùa, ăn uống vậy là đủ. Ngày nào ông Hiên này còn đủ sức leo rừng thì ngày đấy tôi vẫn sẽ làm người bảo tồn, là người ghi lại những hình ảnh của loài linh trưởng mà bao người vẫn đang cố gắng bảo vệ. Tôi mong rằng những thế hệ sau cũng vẫn sẽ được tận mắt chứng kiến loài Voọc mông trắng nô đùa và sinh trưởng và không chỉ dừng lại ở riêng khu rừng Kim Bảng này…

Voọc mông trắng (hay còn gọi là voọc quần đùi trắng) là loài linh trưởng nằm trong danh sách 25 loài động vật nguy cấp nhất thế giới. Đây là một trong năm loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu.

Tại Việt Nam, voọc mông trắng là loài đặc hữu quý hiếm, có tên trong "Sách Đỏ" của Việt Nam và thế giới; cần được bảo vệ. Voọc mông trắng phân bố ở rừng già, rừng nguyên sinh trên núi đá nhiều hang động. 

Theo kết quả điều tra của Hội Bảo vệ Động vật Frankfurk (Đức) tại Việt Nam, voọc quần đùi trắng chỉ còn ở Việt Nam với hơn 200 cá thể, được phân bố tại 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa

 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN