Mang thai ở lứa tuổi vị thành niên: Bài toán cần giải của người làm truyền thông
(Sóng trẻ) - Theo số liệu thống kê, tình trạng mang thai trước hôn nhân ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Đây là một vấn đề chung của toàn của toàn xã hội, là bài toán cấp thiết cần phải giải. Tuy nhiên, đối với vai trò của người làm truyền thông trong vấn đề mang tính thời sự này, “người tiên phong” là cụm từ sử dụng thích hợp hơn cả.
Thực trạng là hồi chuông báo động
Theo báo cáo “Làm mẹ khi chưa trưởng thành. Thách thức khi mang thai ở tuổi vị thành niên” cho thấy, hàng năm trên thế giới có khoảng 7 triệu em gái ở các quốc gia nghèo sinh con trước 18 tuổi, trong đó có khoảng 2 triệu ca là của các bà mẹ dưới 14 tuổi. Các bà mẹ quá trẻ, chưa đến tuổi trưởng thành này sẽ phải gánh chịu những ảnh hưởng, hậu quả lâu dài và nghiêm trọng về cả sức khỏe lẫn tinh thần.
Bà mẹ trẻ gánh trên vai những trách nhiệm lớn (Ảnh: internet)
Ở Việt Nam, theo thống kế của Trung tâm Tư vấn SKSS-KHHGĐ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong 5 năm 2008-2012, mỗi năm có xấp xỉ 80-100 ca đẻ/nạo, phá thai ở độ tuổi vị thành niên. Tỷ lệ mang thai vị thành niên trong tổng số ca nạo phá thai ở Bệnh viện này chiếm 1-3%. Tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cũng trong giai đoạn này, tỉ lệ đẻ/phá thai ở độ tuổi vị thành niên cũng chiếm khoảng 2,2-3,4% tổng số ca đẻ/phá thai ở Bệnh viện. Tuy nhiên, trong 2 năm 2011-2012, tỉ lệ phá thai vị thành niên ở Bệnh viện Từ Dũ tăng cao đột biến lên 6,8%.
Những khảo sát, thông kế nói trên đã đưa ra những con số “giật mình”, những kết quả mang tính báo động ấy là thách thức của toàn xã hội.
Nguyên nhân dễ thấy
Nguyên nhân giải thích cho tình trạng mang thai ở lứa tuổi vị thành niên có thể kể đến như: sự cởi mở trong các quan niệm về tình dục, phong tục kết hôn sớm ở một số địa phương, khu vực,.. và quan trọng nhất là các nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu hụt về giáo dục tình dục ở nhiều quốc gia. Theo kết quả nghiên cứu của Qũy Dân số thế giới tại Việt Nam, có khoảng 34% thanh thiếu niên chưa được cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như chưa có điều kiện tiếp xúc với các phương pháp phòng tránh thai an toàn.
Truyền thông phải làm gì?
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, vì các rào cản về mặt văn hóa nên các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục bị hạn chế trên các loại hình thông tịn đại chúng ở nước ta. Điều đó vô hình chung tạo nên rào cản tiếp nhận các kiến thức quan trọng mang tính cấp thiết hàng đầu cho các em ở độ tuổi vị thành niên. Đồng thời, việc cung cấp các kiến thức cần thiết về sinh sản, tình dục ở trường học cũng không được quan tâm đúng mức. Những lí do này đủ để thấy rằng, truyền thông cần phải vào cuộc và có sự can thiếp mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tình trạng mang thai ở lứa tuổi vị thành niên.
Truyền thông cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của mình (Ảnh: internet)
Nhiệm vụ cụ thể cho người làm truyền thông là phải nhận thức đúng đắn những rào cản văn hóa cần phải phá vỡ để tào điều kiện cho công chúng được tiếp cận với các nguồn thông tin, kiến thức quan trọng. Đã đến lúc toàn xã hội phải nhận thức được rằng các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục không phải là những điểm lùi trong văn hóa, cũng không phải là câu chuyện phải giấu trẻ em, mà ngược lại, nói cho trẻ em biết, nói cho trẻ em hiểu mới là điểm tiến bộ trong giáo dục. Không có điều gì là xấu nếu nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đến đời sống tinh thần của con người cả. Đồng thời, người làm truyền thông phải mang thông tin về sức khỏe sinh sản, tình dục đến các vùng dân tộc – nơi mạng lưới truyền thông còn ít có điều kiện để tiếp xúc một cách sâu sát. Và quan trọng nhất, đó là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông ở trường học, nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về các phương pháp phòng tránh thai an toàn, các phương pháp hỗ trợ, tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cần thiết. Điều này cần được thực hiện thường xuyên, đinh kì và có các phương án khoa học, phù hợp.
Thủy Tiên
Cùng chuyên mục
Bình luận