Màu áo xanh giữ yên biên cương Tổ quốc
(Sóng Trẻ) - Đường lên Đồn biên phòng Y Tý (Lào Cai) là những con đường khúc khuỷu, quanh co, quanh năm giá rét và mây mù bao phủ. Điều kiện khó khăn, thời tiết khắc nghiệt như vậy nhưng các anh bộ đội biên phòng ở đây vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Chúng tôi có dịp ghé thăm Đồn biên phòng Y Tý – Lào Cai trong cuộc hành trình lên Tây Bắc. Đồn biên phòng Y Tý thuộc xã Y Tý, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai. Nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, Đồn biên phòng có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 25km đường biên giới, 5 cột mốc cùng với 3 xã Y Tý, Ngải Thầu, A Lù với 30 thôn bản. Chúng tôi đến đó khi trời đã tối hẳn, may thay ở đồn vẫn còn hai phòng trống nên chúng tôi nghỉ lại ở đó một đêm. Các anh bộ đội biên phòng đã rất chu đáo, từ việc dọn phòng ngủ cho chúng tôi đến việc ăn uống và vệ sinh cá nhân.
Một góc Đồn biên phòng Y Tý trong sương sớm
Sáng sớm hôm sau, tôi đi vòng quanh đơn vị thì thấy ở đây có vườn rau, có vườn thuốc nam, có trang trại chăn nuôi gà, lợn; có bếp nấu ăn… chẳng khác gì một trang trại giữa vùng cao. Không khí ở đây rất trong lành, dù tiết trời luôn se lạnh nhưng vẫn cảm thấy rất ấm lòng và bình yên.
Các anh bộ đội trò chuyện cùng nhau
Đơn vị của các anh chia làm nhiều tổ công tác: Tổ trinh sát, tổ ma túy, vũ trang, kiểm soát hành chính và tổ chuyên môn. Ba tổ công tác địa bàn: tổ trinh sát, ma túy và tổ vũ trang được phân công đến ở cùng dân và cắm chốt tại đó. Kể từ đầu năm đến giờ đã bốn lần các chiến sĩ ở Đồn biên phòng Y Tý lập chiến công trong phong trào phòng chống tội phạm bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong lĩnh vực phòng chống ma túy.
Thiếu úy Vi Văn Kim chia sẻ: “Cuộc sống của những chiến sĩ Biên phòng chủ yếu là gắn bó với vùng đất này, thỉnh thoảng mới được nghỉ phép để về quê. Đơn vị có 60 chiến sĩ, chủ yếu là các anh bộ đội còn trẻ tuổi đến từ các tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Hưng Yên, Nam Định, Phú Thọ. Cuộc sống ở đây gặp nhiều khó khăn về đường xá và vật chất nhưng vì yêu nghề, yêu đất nước nên các chiến sĩ đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Tuổi trẻ của các anh gắn liền với vùng đất này, ngày đêm canh giữ biên giới Tổ quốc. Tôi không khỏi xúc động khi được nghe kể lại chuyện anh chiến sĩ mải cứu dân mà quên mất cứu vợ mình. Đó là đợt lũ quét, lại đúng dịp vợ của một anh chiến sỹ lên thăm. Anh cùng vợ và người dân đang đi qua suối thì nước trên đầu nguồn bỗng đổ về chảy siết. Nghe thấy có tiếng la kêu cứu, anh chạy tới cứu người dân trước. Sau đó anh mới nhớ tới vợ mình, lúc quay lại thì không thấy vợ mình đâu nữa. Rất may, vợ anh đã được một người dân đưa qua dòng suối đang chảy siết đó.
Khi lũ quét về, toàn dân di cư lên đồn biên phòng ở tạm. Hết lũ cũng là lúc hết thực phẩm, một số đồng bào bị ốm, các anh đến từng nhà chia từng gói mì tôm. Đồng bào ở đây chủ yếu là dân tộc Hà Nhì, Dao và Dáy, cuộc sống còn nhiều khổ cực và thiếu thốn. Chiến sĩ ở đây vui cùng dân và khổ cùng dân.
Bất giác tôi nghĩ đến câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình,… Xin hát về bạn bè tôi những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất trời, rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân…”.
Chia tay các anh để tiếp tục cuộc hành trình của mình mà ai trong đoàn cũng bịn rịn, vấn vương. Mây mù chưa tan, cái lạnh còn thấu da thịt nhưng trong mỗi người đều có hơi ấm đang lan tỏa …
Triệu Trang
Phát thanh K31
Cùng chuyên mục
Bình luận