Một ngày với người phụ xe bus

(Sóng trẻ) - 99% thời gian làm việc mỗi ngày là ở trên những chuyến xe, “công cụ lao động” chủ yếu là xấp vé và tập tiền lẻ, đó có lẽ là những phác họa cơ bản nhất về nghề phụ xe buýt – một nghề tưởng như “ngồi mát ăn bát vàng”. Thế nhưng, nếu được chứng kiến một ngày làm việc của họ, bạn sẽ nhận ra rằng: đồng tiền kiếm được, chẳng khi nào giản đơn.

Nghề “xê dịch”

Mỗi ngày làm việc của cô Nguyễn Thị H thường bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc khi đồng hồ đã chỉ 3 giờ chiều. Ra khỏi nhà khi trời chưa tỏ, cô đến bến nhận xe, quét dọn sạch sẽ để xe kịp khởi hành lúc 5 giờ.

“Ở trên xe suốt, ăn cũng trên xe luôn” – cô H cho biết. Gắn bó với nghề đã 12 năm, cô chẳng xa lạ với những chiếc bánh mì, gói xôi hay hộp cơm ăn vội theo nhịp lắc lư hết phanh lại chạy của những chuyến xe buýt nội đô. Và cũng vì đã quen, cô “khoe” mình có thể ăn hết một hộp cơm chỉ trong vài phút.

Đa phần, các xe có thời gian nghỉ giữa 2 chuyến là khoảng 10 đến 15 phút. Nhưng ít khi nào cô H và các đồng nghiệp được nghỉ đủ ngần ấy. Xe dừng, nếu sàn bẩn thì phụ xe phải quét dọn ngay. Rồi nhiều khi tắc đường, xe về muộn so với giờ quy định. Vậy là trả khách xong, vô lăng lại lập tức quay vòng đưa chiếc xe tiếp tục hành trình theo chiều ngược lại. Thời gian nghỉ ngơi của những người lao động như cô H bị “mất” theo cách… không thể đòi ai được!

e518fe00e_1776112_1236641729806701_5294439759538552832_n.jpg

Cũng vì quỹ thời gian eo hẹp, chuyện vệ sinh vốn tế nhị nhiều khi chẳng còn tế nhị nữa. Ở những bến xe không có nhà vệ sinh công cộng hay nhà vệ sinh ở xa nơi đón trả khách, lúc vội, cánh tài xế, phụ xe, trong đó có cả nữ giới, phải tất tả tìm cho mình một chỗ “giải quyết nhanh”. Cô H bảo: “Nghỉ mấy phút thì kịp làm gì đâu. Thậm chí nếu bọn cô mà đau bụng thì phải gọi lên phòng điều hành xin cho mình thêm mấy phút đi vệ sinh. Có nghề nào mà đi vệ sinh cũng phải xin phép không?”. 

Đang ở cái tuổi 30 đầy sức lực, thế nhưng 3 tháng bước vào nghề phụ xe buýt cũng khiến Nguyễn Anh T phải “choáng” nhẹ: “Từ lúc làm tôi sút gần 5 cân, ăn uống thất thường mà”. T làm ca chiều, bắt đầu từ lúc 13 giờ 45. Gọi là “chiều” nhưng khi chuyến xe cuối cùng về bến thì ngày mới cũng đã đến thật gần. 

Trong mỗi ca như thế, T đi khoảng 6 chuyến cả đi và về, tức 12 lượt xe. Lấy con số 12 ấy nhân với độ dài trung bình của 1 tuyến buýt là 25km, mới thấy đây đúng là nghề “xê dịch”: cả thảy mỗi ngày, T đã di chuyển cùng chiếc xe hơn 300 cây số. Đây cũng là độ dài tuyến quốc lộ 1A đoạn chạy từ Hà Nội đến hết đất Nghệ An.

Buồn vì ý thức người dân

Cứ bước lên xe buýt là mọi hành khách đều nghe thấy lời nhắc từ loa xe: “…nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai”. Tuy nhiên, không phải vị khách nào cũng thực hiện đúng yêu cầu có phần giản đơn ấy. Khi thấy người già lên xe, nhiều bạn trẻ giả vờ ngủ hoặc tỏ vẻ lơ đãng để không phải nhường ghế. “Họ chẳng tự giác đâu, tôi phải nhắc tận nơi” – T than phiền.

Còn với cô H, 12 năm làm phụ xe, cô “chán” nhất là những vị khách cố tình trả tiền mệnh giá cao. Cô bảo: “Phụ thuộc thái độ thôi. Có người cầm tiền to thì họ xin lỗi, bảo đi sáng sớm không có sẵn tiền lẻ. Trường hợp như thế thì tôi vui lòng trả cho họ. Còn có những người thì tiền lẻ không đưa, đưa tiền chẵn, ý là không muốn trả tiền. Mình bảo không đưa tiền lẻ thì mời xuống đổi. Người ta cố tình thì mình phải cương quyết như vậy”.

Nhưng tất cả những câu chuyện trên, dù có gây khó chịu với các phụ xe tới đâu cũng không bằng “hậu họa” của việc khách trốn vé mang đến. Trên chuyến xe cuối ngày về gara, T nửa đùa nửa thật nói: “Tháng này không có lương rồi, sót vé 2 lần, tôi còn sợ âm đến cả tháng sau”.

“Sót vé” hay “thoát vé” là cách dân trong nghề gọi lỗi hành khách trên xe không có đủ vé. Bị thanh tra giao thông phát hiện, mỗi phụ xe có thể bị phạt tới 1 triệu đồng/người. Với lương tháng chỉ 5 triệu như T, chỉ cần 2 – 3 lần mắc lỗi trong suốt 30 ngày là đã đủ để “tháng sau không biết lấy gì mà sống”.

11 giờ kém, đường phố vắng vẻ. Các chuyến xe thưa hẳn đi. T khẽ dựa lưng vào ghế. Trong 300 cây số đi mỗi ngày, chỉ có vài chuyến vào ngang chiều và đêm muộn, phụ xe mới được ngồi ghế đàng hoàng. Giở xấp vé và tập tiền đếm lại, T bảo rằng chẳng mong gì hơn là mỗi người ý thức hơn một chút, để những phụ xe như anh bớt đi nỗi lo về những bữa cơm của tháng sau.

Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN