Một số sai sót trên báo chí khi viết về tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua
(Sóng trẻ) - Trong những ngày đầu năm khi nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cao hơn những ngày khác trong năm thì báo chí với trách nhiệm phục vụ công chúng cũng đưa tin về các nghi thức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với mật độ cao hơn. Sức ép về thông tin vô hình trung cũng dẫn đến những sai sót không đáng có trong hoạt động nghiệp vụ nếu những người làm báo không có những kiến thức nền tảng về lĩnh vực này.
Cho rằng “không nên ngắm tượng Phật như một tác phẩm nghệ thuật”
Xuất phát từ một thông điệp tốt là nhằm giúp người dân có những kiến thức nhất định để không thực hiện các hành vi phản tín ngưỡng, tâm linh và văn hóa nên nhiều báo đăng tải bài viết liên quan đến “Những điều cấm kỵ mà bạn nên biết khi đi lễ chùa”. Tuy nhiên người viết tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau nên trong bài chứa nhiều thông tin không thực sự chính xác như “không nên ngắm tượng Phật như một tác phẩm nghệ thuật”.
Người quan tâm và tìm hiểu về đạo Phật sẽ không quá khó khăn để biết thông tin này sai ở đâu. Xuất phát điểm của đạo Phật là đạo Giáo dục, nhiều người gọi là đạo Giác ngộ với thông điệp đưa con người trong thế giới Sa bà vượt qua bể khổ để đến bờ ai vui. Do đó Đức Phật là một nhà giáo dục theo đúng nghĩa chứ không phải là một đấng siêu nhiên với quyền năng vô song như nhiều người nhầm tưởng. Người đời sau thờ Phật, tạc tượng Phật, vẽ tranh Phật vì muốn ngắm nhìn tượng Đức Phật với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp để sửa mình, để lánh ác, hành thiện, giúp ích cho đời.
Không nên vào chùa với tâm lý sợ sệt (Ảnh: Quang Đức - Chùa Vĩnh Nghiêm - Sài Gòn)
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm trong một lần trả lời trên truyền hình cũng cho rằng, đại ý đừng nhắm mắt khấn vái sụt sùi mà hãy mở mắt ngắm nhìn tượng Phật, ngắm nhìn vô lượng tướng hảo của ngài. Tượng Phật là một tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa vì tượng Phật được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Không riêng gì tượng Phật mà tất cả mọi thứ từ gỗ đến đồng, đến đá mà được tạo bởi bàn tay của nghệ nhân đều xứng đáng để được ngắm nhìn như một tác phẩm nghệ thuật. Nói rằng tượng Phật không thể ngắm nhìn say sưa thì khác chi biến Đức Phật thành xa lạ, thành đấng siêu nhiên ta phải sợ hãi. Người cung cấp thông tin này là chưa hiểu đạo Phật và những lời dạy trong kinh Phật.
Cho rằng “không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chéo để khấn”
Một tờ báo mạng điện tử có uy tín đăng tải thông tin này và làm nhiều nhà nghiên cứu, người quan tâm đến tín ngưỡng, tôn giáo cảm thấy phải phì cười. Trong nội dung bài báo có đoạn “Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa, khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chéo sang một bên”. Khái niệm tùy tiện rất khó để định nghĩa nhưng quay phim, chụp ảnh hoàn toàn có thể được chấp nhận nếu người đó có mục đích là giới thiệu một nét đẹp văn hóa bao gồm địa danh, kiến trúc, lịch sử hoặc phục vụ cho mục đích nghiên cứu, báo chí, còn tất nhiên chụp tùy tiện theo kiểu giải trí cá nhân thì đúng là không thể chấp nhận. Còn chuyện không được đứng thẳng ban thờ để khấn vái thì đúng là hù dọa người dân.
Hoàn toàn có thể đứng trước tượng Phật, Bồ Tát để cầu nguyện (Ảnh: Đoàn Bổng - chùa Trấn Quốc - Hà Nội)
Không có bất cứ một tài liệu văn hóa, kinh điển Phật giáo chính thống nào cho rằng phải đứng chéo trước ban thờ để khấn lễ mới là đúng luật, chuẩn văn hóa. Người cung cấp thông tin này thực chất là không hiểu gì về văn hóa tín ngưỡng tôn giáo biến Đức Phật thành một đấng thần linh mà người dân phải sợ sệt vì chỉ có sợ sệt thì mới phải đứng chép chứ tôn kính, nghiêm trang thì người ta sẽ đàng hoàng mà đứng thẳng. Thế nên người dân không cần phải thực hiện theo thông tin trong một số bài báo kia, vững tâm đứng thẳng trước điện thờ, ban thờ với lòng thành kính nhất, tốt đẹp nhất để nguyện cầu cho quốc thái, dân ai, cho sức khỏe, trí tuệ và tình thương.
Nhầm lẫn giữa hình ảnh bồ tát Di Lặc và Thần Tài
Không chỉ nhiều người hoạt động báo chí mà nhiều người dân và nhà mỹ thuật cũng nhầm lẫn hình ảnh giữa bồ tát Di Lặc trong đạo Phật và Thần Tài trong Đạo giáo. Gần đây khi đưa tin về diễn viên đóng vai Bồ Tát Di Lặc trong Tây Du Kí qua đời một số tờ báo, trang tin đã lấy hình ảnh Thần tài để minh họa cho bài viết là hoàn toàn sai. Bên cạnh đó thì một số fanpage của Phật giáo trên facebook cũng nhầm lẫn như vậy giữa Bồ tát Di Lặc và Thần tài.
Thực ra hai vị này hoàn toàn có thể được phân biệt một cách không quá khó. Cả hai vị đều có thể được mô tả thông qua tranh vẽ là những vị có thân hình mập mạp hay cười nhưng Bồ Tát Di Lặc thì sẽ không cầm thỏi vàng trên tay. Xin nhớ nhà Phật đã đạt đến cảnh giới vượt qua tham, sân, si và dục vọng, lòng tham, sắc đẹp, tiền bạc không tồn tại trong thân thể và suy nghĩ của các các vị đã giác ngộ như Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật.
Tượng Bồ tát Di Lặc được tạc mô phỏng theo hình ảnh Bố Đại Hòa thượng, một vị hòa thượng của Trung Quốc xưa, người được tin là ứng thân của Bồ Tát Di Lặc – một vị Bồ Tát sẽ thành Phật sau hàng triệu năm nữa, một vị Phật của tương lai, hiện nay Bồ Tát Di Lặc được kinh điển Phật giáo ghi chép là đang giảng ở cõi trời Đâu Xuất.
Tượng Phía trước trong ảnh là tượng Phật Di Lặc (vị Phật vị lai) (ảnh Quang Đức - chùa Vĩnh Nghiêm - Sài Gòn)
Bố Đại hòa thượng thường được mô tả với hình ảnh một vị hòa thượng mập mạp, hay cười, cổ đeo tràng hạt, trên vai có một túi vải bao bố và hay có trẻ con vây quang. Tuyệt nhiên Bố Đại hòa thượng thì không cầm vàng ở tay. Thờ Bồ Tát Di Lặc mà thờ với tượng vàng trên tay tượng là không hiểu giáo lý, còn nhầm giữa Bồ Tát Bố Đại với Thần Tài là chưa hiểu cả hai đạo: Đạo Phật và Đạo Giáo.
Vị cầm trên tay thỏi vàng với ánh sáng rực rỡ đó là Thần Tài một trong những vị thần một vị thần trong tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và nhiều nước phương Đông. Vị thần nào hãy gọi đúng tên vị thần đó chứ không nên nhầm lẫn giữa vị thần này với thần kia, với Phật này với vị Phật kia. Tượng mỗi vị Phật, Bồ Tát, Thần đều có những mô tả riêng với những nét khắc họa riêng mà nếu để ý hoàn toàn có thể nhận ra.
Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận