Mua sắm trực tuyến phát triển, cơ hội nào cho tiểu thương chợ truyền thống
(Sóng trẻ) - Cuộc chiến giữa “mua sắm trực tuyến” và “mua hàng tại các chợ truyền thống” đang từng ngày trở nên khốc liệt khi nhu cầu mua sắm của người dân đang “nóng” dần lên những ngày cuối năm.
Cụm từ “mua sắm trực tuyến” đã không còn quá xa lạ với người dân cùng với sự “lên ngôi” của các sàn thương mại điện tử. Việc này đã và đang gây ra tình trạng ế ẩm, vắng khách, ảnh hưởng không ít đến nhiều tiểu thương tại các khu chợ truyền thống. Vậy vấn đề nằm ở đâu và liệu rằng trong tương lai, mô hình kinh doanh truyền thống sẽ dần bị biến mất?
Ngày nay, mua sắm trực tuyến đã dần trở thành một xu hướng phổ biến và phát triển mạnh mẽ. Đối với nhiều người dân, việc mua sắm qua Internet mang lại sự tiện lợi và hài lòng hơn so với việc họ đến các cửa hàng truyền thống.
Thực tế, thay vì ra chợ mua một chiếc áo, chỉ cần một cú nhấp chuột, người giao hàng sẽ giao đến tận cửa nhà mà họ không cần phải di chuyển đâu xa. Điều này đặc biệt thuận tiện đối với những người có lịch trình bận rộn, người có công việc xa nhà, người già và người khuyết tật.
Đồng thời, việc “nhấp chuột” để mua sắm trên điện thoại thông minh giúp người dùng truy cập vào hàng triệu cửa hàng và sản phẩm khác nhau, mang đến sự đa dạng về sản phẩm và dịch vụ. Qua đó giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận nhanh chóng, so sánh giá cả và lựa chọn một cách khôn ngoan mà không gặp bất kỳ áp lực nào từ người bán. Điều này mang lại sự tự do và giúp khách hàng có thể đưa ra lựa chọn tốt hơn cho chính mình.
Trên các sàn thương mại điện tử hiện nay như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, nhiều bạn trẻ đã sử dụng hình thức “Livestream” để quảng cáo những mặt hàng mà cá nhân đang kinh doanh. Hình thức này thu hút nhiều lượt xem, tương tác trên mọi nền tảng. Điển hình, KOL Phạm Thoại hiện đang là một trong những bạn trẻ áp dụng thành công việc mua sắm trực tuyến khi 1 buổi bán hàng trên Tiktok của anh có thể kiếm được hơn 1 tỷ đồng.
Từ việc nhiều người tham gia vào mô hình bán hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử cũng đã kết hợp tung ra nhiều mã giảm giá, miễn phí vận chuyển giúp người mua hàng dễ dàng hơn trong bước thanh toán mà không lo ngại đến kinh tế của gia đình.
Các phương thức thanh toán như: chuyển khoản ngân hàng, shopeepay, quét thẻ tín dụng… cho phép người dùng mua sắm một cách dễ dàng và an tâm mà không cần sử dụng tiền mặt. Việc giao hàng tận nơi và chính sách đổi trả linh hoạt cũng giúp người dùng cảm thấy yên tâm khi mua sắm trực tuyến.
Không chỉ thế, việc mua sắm từ xa còn đóng góp tích cực vào việc giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Thay vì di chuyển bằng xe đến các cửa hàng truyền thống, người mua có thể tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải carbon bằng việc ở nhà “click” chuột trên máy tính hay điện thoại thông minh để mua hàng.
Chính vì sự tiện lợi của việc mua sắm trực tuyến nên đã gây ra sự cạnh tranh gay gắt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiểu thương trong các chợ truyền thống. Từ đó đặt ra không ít những thách thức và cơ hội để thích nghi và tiến bộ trong môi trường kinh doanh mới cho chính các tiểu thương.
Việc dễ dàng so sánh giá cả, tìm kiếm ưu đãi tốt nhất mà không bị ràng buộc trên các sàn thương mại điện tử cũng đã vô tình tạo ra sức ép giảm giá vô cùng lớn cho các tiểu thương trong chợ truyền thống. Ngoài ra, chính vì khách hàng chọn mua sắm trực tuyến nên khả năng tiếp cận khách hàng cũng là một thách thức lớn mà người bán hàng tại chợ phải đối mặt. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các tiểu thương.
Tuy nhiên, mua hàng “trực tuyến” không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng như mua “trực tiếp”. Bởi người tiêu dùng chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng – thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật. Còn khi mua trực tiếp, người tiêu dùng có thể nhìn, cầm, đánh giá trực tiếp sản phẩm. Tiểu thương tại chợ có thể tận dụng các lợi thế vốn có của mình để thu hút khách hàng.
Việc thích nghi với thời đại bằng cách tận dụng công nghệ cũng là cách gia tăng sự hiện diện trực tuyến và tương tác với khách hàng. Việc tạo ra các trang web thương mại điện tử, sử dụng các nền tảng mạng xã hội và cung cấp dịch vụ giao hàng trực tuyến có thể giúp tiểu thương thu hút khách hàng mới và tạo ra trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng hiện có.
Việc mua sắm trực tuyến cũng đòi hỏi tiểu thương nâng cao năng lực kinh doanh và sáng tạo. Các tiểu thương có thể tìm kiếm những sản phẩm độc đáo, tạo ra các chương trình khuyến mãi đặc biệt và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Đồng thời, việc tận dụng các công nghệ và phân tích dữ liệu cũng giúp tiểu thương hiểu rõ hơn về nhu cầu và sở thích của khách hàng, từ đó cải thiện chiến lược kinh doanh doanh của mình.
Mặc dù kinh doanh trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ và có nhiều lợi ích, nhưng không đồng nghĩa là chợ truyền thống sẽ hoàn toàn biến mất. Việc duy trì và phát triển các khu chợ truyền thống vẫn có giá trị văn hóa và kinh tế. Chính vì vậy, sự đa dạng và sự kết hợp giữa kinh doanh trực tuyến và truyền thống có thể tạo ra một môi trường kinh doanh phong phú và sáng tạo.
Trong tương lai, để tồn tại và phát triển, các tiểu thương truyền thống cần tạo một mô hình kinh doanh đa kênh, kết hợp giữa cửa hàng truyền thống tại chợ và cửa hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, việc tăng cường trải nghiệm mua sắm trực tiếp và tạo ra những điểm đặc biệt để thu hút khách hàng cũng là một cách để tiểu thương cạnh tranh trong thị trường số hóa ngày nay.