Mỳ gạo Hùng Lô: Hành trình đi lên từ nghề truyền thống
(Sóng trẻ) – Mỳ gạo Hùng Lô, từ một nghề truyền thống bấp bênh, có nguy cơ bị mai một tại xã Hùng Lô, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nay đã trở thành một thương hiệu mỳ gạo có tiếng nhờ sự ra đời của HTX, góp phần xây dựng đời sống ổn định cho người dân
Cách trung tâm TP. Việt Trì khoảng 5km là làng cổ Hùng Lô, một mảnh đất hơn 300 năm tuổi gìn giữ nhiều di tích, di sản quý báu của vùng Đất Tổ. Trong đó, xã Hùng Lô nổi tiếng với nghề truyền thống làm mì, miến gạo và làm bún.
Theo những người dân trong xã kể lại, nghề làm mì đã xuất hiện từ rất lâu trong làng. Nhờ phù sa màu mỡ do dòng sông Lô bồi đắp, một năm, người nông dân cày cấy hai vụ lúa tốt tươi, thu hoạch những hạt thóc căng tròn, ngọt bùi. Vì lẽ đó, “duyên phận” giữa làng với hạt gạo bắt đầu.
Mỳ gạo tại xã Hùng Lô có tiếng là ngon bởi bí quyết gia truyền của người dân đã tạo nên những sợi mỳ nhỏ, trắng, sạch, dai, nấu không bị nát…. Nhờ đó, thương hiệu mì gạo vang xa. Năm 2004, làng làm mì Hùng Lô được công nhận là làng nghề truyền thống.
Năm 2016, HTX mì gạo Hùng Lô được thành lập. Ban đầu có 9 thành viên, đến nay nâng lên 27 thành viên. Từ đây, công việc sản xuất mì được đầu tư bài bản hơn, có thêm sự tham gia của máy móc hiện đại.
Tất cả các công đoạn đều được thực hiện theo quy trình khép kín, không sử dụng chất tẩy rửa, chất phụ gia và chất bảo quản.... “Ngoài các máy móc để làm mì hay đóng gói, HTX chúng tôi còn chú trọng đầu tư vào hệ thống phòng sấy để đảm bảo chất lượng, hương vị mì tốt nhất, có thể sản xuất quanh năm, năng cao năng suất lao động”, chị Nguyễn Thị Thúy, kế toán tại HTX cho biết
Năm 2017, sau nhiều cố gắng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu “"Mì gạo sạch sinh ra từ làng Hùng Lô" chính thức được công nhận, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Từ những sản phẩm mì gạo chỉ tiêu thụ chủ yếu tại các chợ truyền thống của địa phương, giá thành thấp, trải qua thời gian, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã có ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, trở nên nổi tiếng khắp các tỉnh thành trên cả nước, xuất hiện trong nhiều chuối siêu thị lớn như Vinmart, Big C...
Đặc biệt, cuối năm 2022, mì gạo sạch Hùng Lô đã được xuất khẩu sang thị trường “khó tính” Nhật Bản và sắp tới HTX đặt kì vọng có thể xuất khẩu sang Nga và nhiều nước khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, sự thay đổi từ sản xuất theo văn hóa sang sản xuất công nghiệp cũng giúp cải thiện đời sống các thành viên, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế làng, xã. Theo chia sẻ từ chị Nguyễn Thị Thúy, kế toán tại đây, thu nhập của các thành viên sẽ dao động từ 50 – 100 triệu một năm.
Tuy nhiên, hiện nay không còn nhiều người trẻ đam mê theo cái nghề truyền thống của cha ông nữa vì vất vả. “Phần lớn công nhân trong HTX là các bác, các cô từ trung tuổi trở nên. Người trẻ thì hầu hết họ lựa chọn đi thành phố lập nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động. Rất ít bạn quyết định ở quê làm mì” chị Nguyễn Thị Thúy, kế toán tại HTX mì gạo Hùng Lô chia sẻ
Vì vậy, HTX đang khuyến khích tuyển dụng những nhân sự trẻ song song với việc động viên các hộ gia đình sản xuất mì tham gia HTX, cùng đầu tư máy móc và đào tạo họ theo quy trình sản xuất chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần níu giữ và phát triển một nghề truyền thống đang có nguy cơ bị thất truyền.