Nên hay không nhân rộng sách giáo khoa điện tử ở Tiểu học?

(Sóng trẻ) - Sách giáo khoa điện tử bộc lộ nhiều thế mạnh trong những môi trường giáo dục cấp cao. Tuy nhiên, nếu áp dụng ở bậc tiểu học, vẫn còn nhiều tranh cãi quanh vấn đề này. 

Lợi ích từ sách giáo khoa điện tử

Năm 2007, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện Kế hoạch số hóa sách giáo khoa với mục tiêu biến “xứ sở Kim chi” trở thành một cường quốc về tri thức. Hơn 10 năm qua, các lớp học ở nước này sử dụng máy tính lưu trữ sách điện tử song song sách giáo khoa giấy truyền thống. Đến hiện tại, Hàn Quốc đã loại bỏ hoàn toàn sách giáo khoa giấy khỏi chương trình học và chính thức số hóa hoàn toàn sách giáo điện tử từ Tiểu học đến Đại học.

Việc triển khai sách điện tử giúp học sinh Hàn Quốc thuận tiện trong sử dụng, lưu trữ dữ liệu hoặc tra cứu thông tin liên quan tới bài học. Đồng thời, giáo viên cũng dễ dàng quản lý và kiểm tra quá trình học tập của học sinh.

Tại Việt Nam, các trường học cũng đã bắt đầu sử dụng sách điện tử song song với sách giấy. Đặc biệt là các trường Đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… Bên cạnh đó, một số trường cấp 2, cấp 3 cũng bắt đầu xây dựng và áp dụng mô hình sách điện tử, thư viện số vào giảng dạy. 

Tuy nhiên đối với cấp học Tiểu học, việc xây dựng số hóa tài liệu, sách giáo khoa vào học tập và giảng dạy vẫn còn là nỗi băn khoăn của các nhà nghiên cứu và phát triển sách điện tử. 

So với sách giáo khoa truyền thống, lợi thế của sách điện tử là sự gọn nhẹ, tiện lợi và dễ dàng sử dụng mọi lúc mọi nơi. Sách điện tử cung cấp được nhiều tài liệu, thông tin đa dạng hơn, học sinh cũng có thể tự tìm kiếm dữ liệu liên quan và mở rộng hơn về các bài học.

Bên cạnh đó, chi phí sử dụng sách điện tử được xem là tiết kiệm hơn sách giấy. Nếu một bộ sách giáo khoa truyền thống có giá từ 179.000 đồng đến 194.000 đồng, thì sách giáo khoa điện tử thường chỉ giao động trong khoảng vài chục nghìn đồng.

Chưa kể, tình trạng “khan hiếm” sách giáo khoa Tiểu học đã trở thành nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh vào đầu các năm học mới. Số lượng sách xuất bản ra thị trường ngày một ít khiến nhiều học sinh phải học sách photo, thậm chí không có sách để sử dụng. Lúc này, sách giáo khoa điện tử được xem là lựa chọn tối ưu nhất.

Mặt khác, nếu đưa sách điện tử vào sử dụng rộng rãi sẽ giảm thiểu được một lượng lớn giấy để sản xuất sách giáo khoa như hiện tại, góp một phần nhỏ bảo vệ môi trường.

p11-baker-apps-a-20140624-1408514655187jpg-bb-bab75h6k20150123214744-3709060.jpg
Sách giáo khoa điện tử (Classbook) khi áp dụng trong cá môi trường giáo dục tiểu học.

 

Người đồng tình – Kẻ lưỡng lự, phản đối

Cô Nguyễn Minh Huyền, giáo viên trường tiểu học I-sắc Niu-tơn, Hà Nội cho biết: “Nếu nói về thuận lợi và khó khăn thì thuận lợi chắc chắn sẽ nhiều hơn, thay vì quản lý sách vở, dùng sách điện tử sẽ nhẹ nhàng và tiện dụng hơn. Bên cạnh đó vì sách điện tử phần hình ảnh với âm thanh đa dạng hơn, học sinh tiểu học chắc chắn sẽ thích.”

Nhiều học sinh khá thích thú khi được đề cập về vấn đề sử dụng sách giáo khoa điện tử. Em Vũ Phúc Anh, học sinh lớp 4G trường Tiểu học An Tảo, thành phố Hưng Yên hào hứng: “Em thấy rất thích sách giáo khoa điện tử vì em sẽ không cần mang quá nhiều sách đến trường. Màu sắc và hình thức rất phong phú, có cả những video clip phục vụ cho học tập rất tốt.”

Với sự tiện dụng của sách giáo khoa điện tử cùng sự phổ biến quen thuộc của sách giáo khoa giấy, một số học sinh lại mong muốn được kết hợp cả hai mô hình này vào quá trình học tập. “Sách điện tử chứa nhiều video hữu ích, có thêm biểu đồ, số liệu, thống kê minh họa cho bài học. Đây cũng là kho dữ liệu giúp em học tập hiệu quả các môn Toán, Văn, Anh bằng nhiều cách lý thú. Tuy nhiên, với các bài khó, em vẫn thích được nghe cô giáo giảng dạy trực tiếp từ sách giáo khoa, điều này giúp em dễ tiếp thu bài vở hơn”. – Em Thiều Tuấn Anh, học sinh lớp 4, trường Tiểu học B Thị Trấn Văn Điển, Hà Nội cho biết. 

Không thể phủ nhận, sách giáo khoa điện tử có nhiều ưu điểm hỗ trợ học sinh và giáo viên trong quá trình học tập và giảng dạy. Song, sách điện tử vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế khiến mô hình này khó phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt với học sinh Tiểu học.

Để có thể sử dụng sách giáo khoa điện tử, mỗi học sinh cần trang bị máy tính hoặc máy tính bảng, điện thoại thông minh để truy cập vào các thư viện số. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để trang bị những thiết bị công nghệ khá đắt đỏ này. 

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, thu nhập thực tế của mỗi người chưa cao, chênh lệch thu nhập giữa người và người còn lớn. Cơ sở vật chất giữa các vùng miền chưa đồng đều, nhiều khu vực còn khó khăn trong tiếp cận, cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ. Do vậy, việc triển khai sách giáo khoa điện tử còn nhiều trở ngại.

Cô Đỗ Thị Phấn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hưng Yên cho rằng cấp tiểu học chưa thực sự phù hợp để ứng dụng phương án này: “Theo tôi, hiện tại chưa nên áp dụng sách điện tử cho cấp học Tiểu học bởi các em còn bé chưa thể sử dụng các thiết bị điện tử cho việc học tập. Đặc biệt ở các tỉnh thành chưa phát triển thì sách điện tử là một lựa chọn không phù hợp.

Không chỉ ở vấn đề kinh phí, nhiều người cho rằng các thiết bị công nghệ được dùng để đọc sách điện tử sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho thị lực của trẻ nhỏ. Ngoài ra, đây cũng có thể là tác nhân khiến học sinh tiểu học lạm dụng công nghệ vào mục đích khác học tập”.

95096828_1381046408756275_3547584390257180672_o.jpg
Cô Đỗ Thị Phấn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hưng Yên phản đối việc đưa sách điện tử vào môi trường tiểu học. Ảnh: NVCC.

Chị Trần Thị Huyền, phụ huynh học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội thể hiện quan điểm hoàn toàn không đồng ý với việc ứng dụng sách điện tử vào giảng dạy cho học sinh Tiểu học. Chị Huyền cho rằng sách điện tử chỉ phù hợp với đối tượng sinh viên tra cứu thêm tài liệu hoặc đọc sách có giá khá đắt đỏ.

“Học sách giáo khoa giấy đã vất vả giờ chuyển qua sách điện tử biết bao giờ con mới yên tâm học tập?” – chị Huyền than thở.

Đối với giáo viên, quá trình chuyển đổi từ sách truyền thống sang sách điện tử cũng tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt trong vấn đề nghiên cứu, thích nghi với chương trình mới. Thầy Lê Đình Hòa, giáo viên trường Tiểu học Đông Văn, Thanh Hóa chia sẻ: “Các giáo viên có tuổi sẽ mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu và thành thạo khi hướng dẫn giảng dạy. Theo tôi, học sinh Tiểu học chưa nên sử dụng sách điện tử mà nên giao lưu và tương tác với nhau nhiều hơn”.

Nhiều học sinh tiểu học thấy được lợi ích của sách điện tử, tuy nhiên không muốn thay thế hoàn toàn sách giấy bằng loại sách mới này. Em Lê Đỗ Thị Tố Uyên, học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Lê Hồ (Kim Bảng, Hà Nam) từng sử dụng sách điện tử như giải pháp thay thế sách giấy trong đợt dịch. Tuy nhiên, em cho biết thêm: “So sánh thì em vẫn thích sách giáo khoa truyền thống hơn bởi khi sử dụng sách giáo khoa điện tử, nhiều bạn sẽ bị lệ thuộc, bên cạnh tìm sách, có thể sẽ tìm thêm lời giải cho bài tập, như vậy việc học sẽ không hiệu quả”. Em Tố Uyên cũng cho rằng trong việc học thuộc, ghi nhớ bằng giấy, vở sẽ hiệu quả hơn gõ và đánh dấu trên máy tính.

Có thể thấy, sách giáo khoa điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng nhưng với học sinh ở độ 6 đến 10 tuổi, việc áp dụng mô hình này còn gây nên nhiều luồng ý kiến trái chiều và chưa đi đến thống nhất. BBT Sóng Trẻ kính mời độc giả cùng tham gia ý kiến về vấn đề “Nên hay không nhân rộng mô hình sách giáo khoa điện tử ở Tiểu học hiện nay”. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN