Nghề dạy trẻ tự kỷ: Giữ lửa nghề cháy mãi
(Sóng trẻ) - Cũng là nghề giáo nhưng không giống như những giáo viên hàng ngày lên lớp với phấn trắng, bảng đen. Những giáo viên chọn con đường dạy trẻ tự kỷ sẽ vất vả và khó khăn hơn gấp bội. Đôi khi, để đổi lấy một nụ cười của học trò là biết bao giọt mồ hôi rơi, biết bao thầy cô không gắng gượng được mà bỏ ngang giữa chừng.
Được tiếp lửa…
Khoa Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những cơ sở đi đầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực giáo viên dạy trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh của khoa là 40 sinh viên. Mỗi khóa chỉ có một lớp. Tuy nhiên sau khi học xong hai năm, sang năm thứ ba, sinh viên sẽ được phân chuyên ngành. Hiện khoa có các chuyên ngành: Giáo dục trẻ khiếm thị, giáo dục trẻ khiếm thính, giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ và giáo dục trẻ tự kỷ.
Hiện nay, nhu cầu của xã hội về giáo viên dạy trẻ tự kỷ là khá lớn cho nên khoa cũng tập trung đầu tư, phát triển từ cơ sở vật chất đến chất lượng giảng viên. Tuy nhiên, trong quá trình học tập cũng như sau khi ra trường làm việc, cũng đã có nhiều bạn sinh viên không chịu được vất vả, áp lực nên đành từ bỏ.
Ths Nguyễn Thị Hoa - giảng viên khoa Giáo dục Đặc biệt chia sẻ: “Công việc chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ thực sự rất vất vả, áp lực, đòi hỏi từ người giáo viên phải đáp ứng rất nhiều những yếu tố, kỹ năng đặc thù. Đối với những giáo viên bình thường, hàng ngày công việc chính của họ chỉ là lên lớp truyền đạt kiến thức, còn đối với các cô giáo dạy trẻ tự kỷ, họ phải cố gắng rất nhiều từ việc tiếp cận, gần gũi với trẻ, dạy trẻ những kỹ năng cơ bản nhất như nhai, cầm đũa, mở miệng ê a nói những từ đầu tiên… rồi từ đó mới nghĩ đến việc dạy đọc, dạy viết. Dạy trẻ tự kỷ là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao, ngoài ra áp lực cũng vô cùng lớn. Vì vậy, có rất nhiều bạn, vì không chịu được sự vất vả, khó khăn của nghề, hoặc là tìm được một nghề khác nhàn hạ hơn mà không theo nghề được đến cùng”.
Bạn Lê Thị Hương (sinh viên lớp K66A, khoa Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tâm sự: “Khi học trên lớp, những tình huống giả định mình cảm thấy có thể giải quyết rất dễ dàng, nhưng mà khi trực tiếp tiếp xúc với trẻ, mình mới thực sự bị sốc. Nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô trong khoa, mình đã vượt qua một cách dễ dàng hơn. Mặc dù trong lớp mình cũng từng có một số bạn bỏ ngang, nhưng với mình, có lẽ cái duyên với nghề đã rất sâu, vì vậy mình tin có thể sống mãi được với nghề”.
… và ngọn lửa lan xa
Trong buổi gặp gỡ với các sinh viên của mình, PGS TS Nguyễn Xuân Hải – Trưởng khoa Giáo dục Đặc biệt đã xúc động đặt câu hỏi: “Lý do nào mà các em lại chọn nghề này”. Câu hỏi của thầy dù ngắn nhưng nó chất chứa rất nhiều niềm tin, niềm hy vọng vào các thế hệ các thầy, cô giáo “đặc biệt” tương lai đang ngồi trong hội trường.
Bạn Xuân Hoa (K67, Khoa Giáo dục Đặc biệt) đã đứng lên kể lại câu chuyện bản thân đã từng phải lung lay giữa muôn vàn ngã rẽ như thế nào. Bạn cũng chia sẻ thêm gia đình mình cũng đã từng chật vật đến thế nào để chăm sóc một đứa cháu tự kỷ. Đã có những lúc bạn nảy sinh ý nghĩ bỏ cuộc, nhưng chính là gia đình là động lực to lớn nhất để bạn tiếp tục theo đuổi.
“Chọn nghề Sư phạm là một lần chuyển mình, chọn Giáo dục Đặc biệt là lột xác đến lần thứ hai. Đối với mình, chọn khoa Giáo dục Đặc biệt là sự lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời” – Đó là chia sẻ của Đỗ Thị Nhị, cựu sinh viên khoa Giáo dục Đặc biệt, hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Chuyên biệt Bình Minh
Sẽ còn nhiều băn khoăn đối với nghề dạy trẻ tự kỷ nhưng ở khoa Giáo dục Đặc biệt - cái nôi đào tạo đội ngũ giáo viên dạy trẻ tự kỷ hàng đầu cả nước, những băn khoăn ấy đều hóa thành những tâm huyết, những tấm lòng yêu nghề sâu sắc. Có được những điều đó đều nhờ vào công sức rất lớn của đội ngũ giảng viên kỳ cựu, nhiệt tình trong khoa.
Bạn Đinh Thị Mai (Lớp K66A, khoa Giáo dục Đặc biệt) chia sẻ: “Động lực to lớn nhất để mình có thể theo đuổi nghề đến tận ngày hôm nay và cả trong tương lai nữa chắc có lẽ là do một cô giảng viên của khoa mình. Cô ấy thực sự rất tâm huyết với trẻ tự kỷ. Lúc nào cô ấy cũng làm việc chuyên tâm với trẻ tự kỷ từ sáng đến tối. Sự nhiệt tình và lòng yêu nghề sâu sắc của cô ấy đã tác động rất lớn đến bản thân mình và rất nhiều những bạn khác nữa thêm vững vàng trên con đường mà chúng mình đang đi”.
Về các bạn sinh viên của mình, Ths Nguyễn Thị Hoa nhận định: “Đúng là nghề gian nan lắm. Nhưng tôi có một niềm tin rất lớn vào các bạn ấy. Tôi tin các bạn ấy sẽ làm được”.
Nghề dạy trẻ tự kỷ đã là một nghề nhiều khó khăn vất vả. Nhưng để truyền được lửa nghề đến các thế hệ tương lai cũng là một nhiệm vụ gian nan không kém. Trước bao băn khoăn, sóng gió, ngọn lửa nghề cũng bao lần chập chờn như sắp lụi. Để ngọn lửa nghề cháy mãi là cả một sự cố gắng rất lớn của các thầy cô giảng viên trong khoa. Cô Hoa bày tỏ: “Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng đưa ra thật nhiều ví dụ về các cô giáo tâm huyết với trẻ tự kỷ, ngoài ra các câu chuyện về gia đình trẻ có được thành công khi can thiệp cho con, các trường hợp cựu sinh viên thành công với nghề cũng được tôi lồng ghép thật khéo vào buổi học để làm sao các bạn thêm yêu nghề hơn, thêm tự tin hơn khi bước chân vào nghề”.
Những cố gắng rất lớn trong việc truyền lửa và giữ lửa nghề của thầy, trò trong khoa Giáo dục Đặc biệt khiến cho chúng ta có thể tin vào một tương lai tươi sáng khi mà các thầy, cô giáo “đặc biệt” sẽ làm thay đổi cuộc đời của những đối tượng học trò “đặc biệt”.