Nghề gác chắn: những đêm không ngủ
(Sóng trẻ) - Nhìn qua công việc của những người gác chắn, mấy ai hiểu được rằng, họ đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, thậm chí cả sinh mệnh của mình... Bất kể mưa giông gió rét những người làm công việc gác chắn tàu vẫn ngày đêm lặng lẽ miệt mài bên những thanh gác chắn đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu tới trạm kế tiếp bình an.
22 giờ 40 phút, trời lất phất mưa, trạm chắn: Thái Học (km 0+534), tàu sắp qua. Một người đàn ông và một người phụ nữ đang kéo barie chắn ngang con đường và đứng làm hiệu để các phương tiện dừng lại. Một lát sau họ trở lại trạm, nhiệt độ mùa đông về đêm của Hà Nội cùng với mưa, nhìn họ có vẻ khá lạnh.
Nhân viên trạm chắn Thái Học (Hà Nội) đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: Trình Hiên)
Trong trạm gác nhỏ chỉ có hai chiếc ghế, một chiếc bàn để khay trà nước và giấy tờ liên quan. Chú Hoàng Quốc Nam (sinh năm 1978, quê Vĩnh Phúc) phụ trách gác trạm chắn Thái Học người đã có hơn 10 năm trong nghề chia sẻ: “Cái nghề này tưởng đơn giản nhưng thực sự lại rất vất vả, là đàn ông còn đỡ, chỉ thương mấy chị em phụ nữ phải thức trắng đêm”. Nhân viên trạm gác sẽ được bố trí luân phiên làm ca ngày và ca đêm, một ca thường kéo dài 12 tiếng, sẽ có khoảng 20 chuyến tàu qua. Hơn một nửa số chuyến vận tải có thời gian chạy không cố định, lại chủ yếu vào ban đêm nên khi mọi người đang an giấc các chú lại phải tập trung cao độ. Ngay cả khi không có tàu, nhân viên trạm gác cũng phải túc trực để đảm bảo an toàn đường ngang. Lúc nào họ cũng phải trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Chú Nam chia sẻ nghề gác chắn đường tàu lắm nỗi nhọc nhằn. (Ảnh: Trình Hiên)
Theo lời chú Nam, phải thực sự yêu nghề mới theo được đến hàng chục năm như thế. Chú yêu nghề bởi đây cũng là nghề của cha chú, bởi dẫu không phải nghề gì lớn lao nhưng lại không ít lần cứu sống mạng người khi mà vẫn có những người cố tình vượt sang đường khi tàu đã cận kề. Vì sự an toàn của người khác, vậy mà một số người không hiểu còn cãi lại, có người thiếu lịch sự văng tục, chửi bới thậm chí còn hành hung khiến chú cùng các đồng nghiệp rất buồn.
Gác tàu vào những ngày cận Tết thế này, chú Nam trải lòng:“ Hơn nửa thời gian theo nghề tôi không được về đón Tết cùng gia đình, những này lễ Tết như thế thường là những ngày bận rộn và căng thẳng nhất. Đêm giao thừa gác tàu lúc vợ con gọi điện mà chỉ biết nghẹn lại, cố giấu không cho nước mắt rơi. Nhưng vì yêu nghề đành phải gạt cái thiệt thòi ấy qua một bên” .
Những người gác chắn tàu gần như không có ngày nghỉ lễ, Tết. Những ngày ấy, họ vẫn phải làm việc đều đặn ... (Ảnh: Trình Hiên)
Công việc của chú Nam cũng như hàng ngàn nhân viên làm nghề chắn tàu trên đất nước ta thầm lặng, vất vả, hiểm nguy nhưng thật đáng trân trọng. Cuộc sống của họ cũng bình dị và giản đơn như chính công việc của họ vậy. Nhưng bằng tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm, đêm cũng như ngày, nắng cũng như mưa, họ vẫn lặng lẽ đẩy những thanh chắn đường ngang để cho những chuyến tàu qua thật bình yên.
Trình Hiên
Cùng chuyên mục
Bình luận