Nghề giáo và gánh nặng "trăm sự nhờ cô"
(Sóng trẻ) - “Trăm sự nhờ cô” - mỗi đầu năm học mới, đây là câu mà tôi nghe được nhiều nhất!” - cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, giáo viên trường PTDT bán trú TH số 1 Văn Lăng, chia sẻ.
“Trăm sự nhờ cô” - trách nhiệm trĩu nặng trên đôi vai nhà giáo
Hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Thắm nghe được nhiều nhất không phải là lời cảm ơn vì đã miệt mài cống hiến trên bục giảng mà thay vào đó, lời nhờ vả của các bậc cha mẹ học sinh, sự gửi gắm con em họ cho cô dạy dỗ còn nhiều hơn hết thảy. Một năm, chúng ta chỉ có một ngày Nhà giáo để tri ân, nhưng những người như cô Thắm lại có tới hơn 200 ngày được các bậc cha mẹ học sinh trông cậy, nhờ vả. “Đơn giản nhất thì mỗi lần bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh đều hỏi tôi những câu hỏi như: nên mua vở viết loại gì cho cháu hay là con nhà em nên dùng bút loại nào để chữ được đẹp hơn, vở sạch sẽ hơn... Có nhà còn nhờ tôi mua giúp cho các em đồ dùng học tập, dẫu là nhà họ ở trung tâm thành phố hay vùng sâu vùng xa, thì họ vẫn cứ nhờ tôi như vậy.”, cô Thắm dí dỏm chia sẻ. “Nếu như tôi có giao bài tập về nhà cho các em, thì ngay tối hôm đó, chắc chắn phụ huynh sẽ nhắn tin hoặc gọi điện cho tôi hỏi cách giải bài. Thậm chí có nhà chỉ cần nghe con nhắc tới mấy chữ “bài tập về nhà” là đã điện cho tôi để xin đáp án cho con mình rồi”.
Cô Thắm là một người giáo viên cũng đã công tác qua nhiều trường ở nhiều nơi khác nhau, từ trước là ở thành phố tới những vùng sâu, vùng xa như hiện giờ. Theo chia sẻ của cô, phần lớn phụ huynh ở những nơi này đều có chung một đặc điểm là rất phụ thuộc vào giáo viên. “Con ở lớp phải viết bản kiểm điểm, họ sẽ gọi điện nhờ tôi chỉ bảo thêm cho cháu chứ không phải là họ sẽ dạy dỗ cháu ở nhà. Hay thậm chí, khi ở nhà các em không nghe lời, chúng tôi lại nhận được các cuộc điện thoại trách móc rằng cô không dạy các cháu phải nghe lời cha mẹ, hay các cháu chỉ biết mỗi nghe lời cô,... Còn nữa, có phụ huynh từng nói với tôi, họ trả tiền học cho các em là tiền phí để chúng tôi thay họ dạy dỗ mấy đứa nhỏ, họ bận trăm công nghìn việc, không có thời gian chỉ dạy cháu ở nhà.” - Cô nói. Có vẻ như đối với cô Thắm, vấn đề này khá nhẹ nhàng, có lẽ câu chuyện này đã xảy ra quá nhiều lần khiến cô không còn để tâm tới những lời nhờ vả, trách móc đó nữa. “Trách nhiệm của chúng tôi không chỉ nằm ở việc truyền dạy con chữ, dạy các em biết đọc, biết viết ở trường lớp mà dường như còn phải chịu trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ các em ở nhà, làm thay công việc của một số bậc phụ huynh. Gánh nặng trên vai những người nhà giáo chúng tôi như đã bị nhân lên làm đôi.”
Và quả đúng là “trăm sự” thật, cha mẹ đã hiển nhiên cho rằng những việc lo cho con cái không phải là việc của mình, mà là việc có thể nhờ vả hoàn toàn vào nhà trường, thầy cô. Anh Nguyễn Văn Kiên là một phụ huynh có 2 con nhỏ sinh sống tại Thái Nguyên, giống với số đông phụ huynh, anh Kiên cũng trông cậy vào cô giáo trong việc dạy dỗ con cái của mình: "Là bộ đội nên thời gian tôi ở nhà không nhiều, vợ thì cũng vừa đi làm thuê vừa lo cho 2 con nhỏ cực quá nên tôi hay nhờ cô chủ nhiệm của hai cháu để ý giúp chúng tôi. Dù sao thì các cô cũng tiện trông các con ở trên lớp, nhờ cô tôi cũng yên tâm, các con cũng nghe lời cô hơn là nghe bố mẹ." - Anh Kiên chia sẻ.
Giáo viên cũng là phụ huynh
Đối với cô Thắm hay tất cả các cô giáo khác, trở thành giáo viên là ước mơ, còn trở thành một người mẹ người vợ lại là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Cùng lúc phải gồng gánh trên đôi vai cả hai trách nhiệm quan trọng, có những khi cô không tránh khỏi sự mệt mỏi. "Đôi lúc tôi cũng cảm thấy rất áp lực! Việc trên trường chưa xong, lại việc nhà mình, rồi lại còn việc các phụ huynh nhờ vả. Tôi đã từng nghĩ hay là mình bỏ bớt một thứ cho nhẹ người, thế nhưng tôi lại nghĩ mình bỏ rồi ai sẽ làm. Việc trên trường tôi vẫn phải lo, con tôi tôi vẫn phải quan tâm và học sinh của tôi, tôi vẫn dạy dỗ, chỉ bảo."
Những người nhà giáo không chỉ mang trên mình trách nhiệm của một người truyền dạy con chữ, người rèn luyện cho các em học sinh đức tính làm người mà còn không thể buông bỏ được trách nhiệm gia đình. Gánh nặng này tưởng như ngành nghề nào cũng vậy, tưởng như người nào cũng vậy, ấy thế mà đối với những người làm giáo thì gánh nặng này lại đặc biệt hơn rất nhiều.
"Chúng tôi có trách nhiệm dạy dỗ thế nhưng cũng nhiều lần bị gia đình nói rằng dạy được con người mà không dạy được con mình. Không phải bởi con của tôi hư hay xấu, mà chỉ bởi dù cố gắng đến mấy cũng sẽ có lúc tôi không dành ra được thời gian cho những đứa con của mình." Cô Thắm tâm sự. "Được cái này lại mất cái kia. Giáo viên chúng tôi cũng có nhiều nỗi khó xử mà nói ra thì lại sợ không ai hiểu mình…"
Trong thời gian gần đây, cô lại cảm thấy việc duy trì thăng bằng của cán cân trách nhiệm đó còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ những thay đổi trong hình thức dạy và học khiến giáo viên lâu năm như cô có nhiều bỡ ngỡ, hay nói cách khác là bỡ ngỡ với cả cô lẫn trò.
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo”
Những ngày tháng bùng dịch ròng rã, cô trò không được đến trường học trực tiếp, nơi làm việc của cô Thắm bây giờ là chiếc bàn học bên cửa sổ cùng với màn hình máy tính. Việc giao tiếp giữa cô trò bây giờ khó khăn hơn bao giờ hết. Nhất là khi học sinh của cô Thắm chỉ là những em nhỏ ở cấp tiểu học, có những em vừa mới chập chững đến với cánh cổng trường thì đã phải ở nhà học trực tuyến. Với bối cảnh như hiện tại, nỗi lo về câu nói “trăm sự nhờ cô” của cô Thắm lại lớn hơn bao giờ hết.
“Mỗi ngày tôi phải lên lớp với các em học sinh qua máy tính, sự sát sao đối với các em trong thời điểm hiện tại là gần như không thể. Việc học online đòi hỏi các em phải tự giác tập trung nghe giảng và đề cao việc tự học. Thế nhưng ở độ tuổi này các em còn quá nhỏ, việc đòi hỏi các em ngồi một chỗ trước màn hình máy tính thời gian dài để học là rất khó khăn. Lúc này, bản thân tôi rất cần sự trợ giúp từ cha mẹ các em, nhưng không phải cha mẹ nào cũng có thể làm được điều đó.” - Cô Thắm chia sẻ
Hàng ngày, cô Thắm và các giáo viên khác của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng phải đến từng nhà để hỗ trợ hướng dẫn các em trong việc học tập trực tuyến. Những buổi học online ở nhà, có khi lớp học của cô Thắm chỉ có khoảng 10 em vì không phải em nào cũng biết lên zoom để học. Với số lượng ít ỏi đó nhưng thế mà việc tắt mic hay mở mic cũng còn khó khăn. Phải chăng là cha mẹ các em đã quá thờ ơ trong việc trợ giúp con cái? “Có em thì cha mẹ không biết sử dụng nhưng lại không dành thời gian tìm hiểu, có em thì cha mẹ không có thời gian để tâm, tôi phải đến tận nhà để hướng dẫn chỉ bảo cho phụ huynh và học sinh cách học qua zoom. Vậy mà có phụ huynh vẫn trách rằng nhà trường bày ra việc học online làm cho con em mình không học được.” - Cô Thắm nói.
Qua chia sẻ của cô giáo, chúng tôi có thể cảm nhận được kỹ năng giáo dục con cái tại nhà của một số bậc phụ huynh là vấn đề đáng lo lắng. Sự trợ giúp của cha mẹ cùng với giáo viên trong việc học tập của con cái là điều vô cùng cần thiết, nhất là trong đời điểm dịch bệnh như hiện nay thì đó là phương pháp tốt nhất đảm bảo kết quả học tập của các em. Ấy vậy mà không phải phụ huynh nào cũng có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, với những chia sẻ từ cô Thắm, vấn đề này không phải vấn đề tồn tại duy nhất. “Có khi học sinh không học bài tôi chấm không đạt điểm trung bình, ngay sau đó phụ huynh gọi điện hỏi tôi tại sao con lại điểm kém như vậy. Cũng có khi trách cô chấm gắt, không nương tay cho các cháu. Có cả những phụ huynh họ nhờ vả cô giáo, con tôi chỉ còn thiếu chút nữa là học sinh giỏi nhờ cô nâng đỡ cháu. Những điều này khi học online lại càng nhiều hơn nữa, vì chúng tôi không thể đảm bảo hiệu quả học tập của các em.” - Cô Thắm tâm sự.
Một phần, cha mẹ các em đã không thể chấp nhận năng lực thực tế của con mình. Và phần khác, họ đã lựa chọn việc nhờ cậy cô giáo chứ không phải giáo dục cho con mình tốt hơn. Rõ ràng, các cha mẹ cần phải có một cái nhìn khác đối với trách nhiệm của mình trong giáo dục con cái, cần có sự đồng hành và sát sao hơn với con, chứ không phải chỉ phó thác tất cả cho nhà trường, cô giáo.
Là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cho tất cả các em học sinh, cô Nguyễn Thị Nguyên - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng đã có những chia sẻ: “Về vấn đề tư tưởng của phụ huynh luôn giao phó cho thầy cô là đã có từ xưa rồi. Nhà trường chúng tôi cũng tuyên truyền và giáo dục đến cả phụ huynh lẫn các em học sinh rằng “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo”. Và các cha mẹ cũng cần tự hỏi xem mình đã thực sự là thầy cô của con mình chưa? Thầy cô hiện nay còn có bao nhiêu bộn bề về nghiên cứu chương trình, bài giảng, sổ sách, và cả việc ăn ở cho học sinh bán trú. Ngoài ra, thầy cô cũng phải chu đáo với gia đình của mình. Vậy phụ huynh nào cũng “trăm sự nhờ cô”, 1 lớp 30 em như vậy thì áp lực lên vai thầy cô là quá lớn, không hiệu quả. Vấn đề giáo dục trẻ em không thể phó mặc cho nhà trường và thầy cô, nếu cha mẹ chỉ cần dành chút ít thời gian trong ngày để quan tâm tới việc học hành của con thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Các con học hành tốt hơn, thầy cô bớt áp lực hơn.”
Sứ mệnh cao cả của nhà giáo
Những tâm sự từ đáy lòng của cô giáo cũng đã được nói lên thành lời. Có thể thấy, cô Thắm từ lâu cũng đã nhận thấy vấn đề một số bậc phụ huynh quá “ỷ lại” vào nhà trường, chỉ là chưa có cơ hội được nói ra. Thế nhưng, đối với người giáo viên này, “trăm sự nhờ cô” không hoàn toàn là một gánh nặng.
“Nghĩ theo một khía cạnh khác, tôi lại thấy phụ huynh nhờ vả mình như thế này cũng hay. Tôi cũng cảm ơn cha mẹ các em đã luôn nhắc nhở để tôi không quên sứ mệnh của mình. Cuộc đời mỗi người đều có sứ mệnh khác nhau, sứ mệnh của tôi là chèo lái học sinh của mình tới bến của dòng sông kiến thức. Mình làm giáo viên mà, được cha mẹ các em tin tưởng gửi gắm thì mình phải làm tròn trách nhiệm chứ, có “trăm sự” hay “nghìn sự” tôi cũng đương đầu được hết. Công việc gì mà chẳng có áp lực, quan trọng là mình nhìn nhận nó thế nào. Riêng đối với tôi, tôi lại coi đấy là động lực để cố gắng hết sức gìn giữ nhiệt huyết của một người giáo viên, ngày ngày dìu dắt học sinh của mình”. - Cô Thắm bày tỏ.
Thật bất ngờ khi nghe cô trải lòng về việc vượt qua áp lực “trăm sự nhờ cô” một cách tích cực như thế. Quả thực, để gánh vác hai chữ “giáo viên” vô cùng thiêng liêng và đáng quý trên vai, cô Thắm và rất nhiều những người nhà giáo khác cũng phải gánh vác trăm nghìn nỗi lo và trăn trở mà không phải ai cũng hiểu được. Cô chỉ có thể lấy đó làm động lực để tự tiếp sức cho chính mình. “Theo tôi thì, nghề giáo ấy mà, không yêu nghề thì không làm được. Cũng nhờ có những áp lực như thế mà tôi lại thấy thêm trân quý và yêu nghề hơn. Dẫu sao tôi vẫn mong phụ huynh có thể hiểu được thời gian các con ở bên cha mẹ nhiều hơn cô giáo, nhất là trong thời điểm này, vậy nên giáo dục con trẻ không phải việc của riêng nhà trường, sự quan tâm hỗ trợ từ cha mẹ là vô cùng cần thiết”.
Vốn vẫn biết, nghề giáo chưa bao giờ là dễ dàng, dạy dỗ những lứa mầm non tương lai của đất nước là trách nhiệm cao cả. Thế nhưng những giáo viên như cô Thắm cũng cần sự sát cánh, đồng hành, hợp tác và quan tâm của các bậc phụ huynh. Con trẻ được phụ huynh gửi gắm tới trường, mong nhận được sự chỉ bảo tận tâm cùng tình yêu thương từ thầy cô giáo. Còn đối với thầy cô giáo, họ cũng cần sự trợ giúp từ cha mẹ các em. Giáo dục không chỉ là việc của riêng nhà trường, xin đừng “trăm sự nhờ cô” như thế!