Nghìn năm sử Việt tái hiện dưới những nét vẽ
(Sóng trẻ) - Khi các phương tiện truyền thông ngày một phát triển, việc học lịch sử thông qua sách giáo khoa không còn là cách duy nhất để hiểu về quá khứ. Bằng năng khiếu hội họa và tình yêu mãnh liệt với lịch sử nước nhà, cô gái trẻ Thanh Huyên đã tái hiện nghìn năm sử Việt qua từng bức tranh, với mong muốn đưa lịch sử dân tộc tới gần hơn với các bạn trẻ.
Thanh Huyên là tác giả của cuốn sách "Việt sử diễn họa" và sê-ri hoạt hình lịch sử “Hào khí ngàn năm” phát trên VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, cô nàng còn là đồng quản trị viên của “Đại Việt cổ phong” - một diễn đàn trên Facebook chuyên nghiên cứu về lịch sử. Nhờ việc kết hợp nghệ thuật vào những kiến thức lịch sử, Thanh Huyên đã mang tới cho độc giả, đặc biệt là giới trẻ một cách tiếp cận mới mẻ và đầy thú vị.
- Cơ duyên nào đưa bạn trở thành “sợi dây” kết nối giới trẻ về với quá khứ qua những cuốn sách về sử Việt?
Thanh Huyên: Từ khi tham gia dự án "Hào khí ngàn năm" - một bộ phim hoạt hình dài tập phát trên VTV1 vào năm 2015, mình đảm nhiệm vai trò là họa sĩ vẽ bối cảnh. Công việc đó yêu cầu phải tìm hiểu và nghiên cứu sâu về kiến trúc lịch sử, từ từng chi tiết nhỏ trong đời sống đến các công trình kiến trúc thời xưa.
Vì thế, mình bắt đầu đọc sách, sưu tầm tài liệu, và tìm kiếm hình ảnh để tái hiện chân thực nhất bối cảnh của từng thời kỳ. Chính quá trình này đã khơi dậy trong mình niềm say mê với những câu chuyện lịch sử của dân tộc.
- "Việt sử diễn họa” là đứa con tinh thần mang nhiều tâm tư tình cảm của bạn với lịch sử nước nhà. Vậy nguồn cảm hứng để bạn sáng tác tác phẩm là gì?
Thanh Huyên: Thú thật, hồi nhỏ mình không thực sự hứng thú với lịch sử, nhưng khi lớn lên suy nghĩ của mình đã thay đổi. Vì vậy theo cá nhân mình, lý do là bởi cách học lịch sử ở trường khá khó tiếp cận và chưa thực sự gần gũi, đặc biệt là với các bạn nhỏ ở cấp 1 và cấp 2.
Chính điều này đã trở thành nguồn cảm hứng để mình sáng tác “Việt sử diễn họa” – một tác phẩm lịch sử có thể hấp dẫn và cuốn hút các bạn nhỏ. Mình mong muốn nó trở thành cuốn truyện gối đầu giường, giúp các bạn dễ dàng hình dung lịch sử qua từng trang minh họa sinh động thay vì những kiến thức khô khan, khó nhớ. Qua đó những trang sử Việt Nam sẽ “thấm” vào các bạn một cách tự nhiên hơn, để các bạn không chỉ học mà còn yêu, cảm thấy tự hào về lịch sử nước nhà.
- "Việt sử diễn họa" là một cuốn sách về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử từ thuở sơ khai lập nước cho đến thời đại phong kiến sụp đổ, các nhân vật lẫn sự kiện quan trọng, được gói gọn với hơn 100 bức tranh, 208 trang sách. Bạn đã dành bao lâu để hoàn thiện tác phẩm này?
Thanh Huyên: Để hoàn thiện tác phẩm này, mình đã dành trọn một năm. Sáu tháng đầu là khoảng thời gian mình tìm đọc lại những cuốn sách như Việt Nam sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Ngàn năm áo mũ… để chọn lọc và tóm lược những kiến thức đồ sộ ấy thành 208 trang sách ngắn gọn. Dù cô đọng và cố gắng ít chữ nhất có thể nhưng mình vẫn phải đảm bảo tính chính xác và đầy đủ nội dung để các bạn nhỏ dễ tiếp cận. Sau đó, mình tiếp tục tìm kiếm tài liệu về trang phục, cổ vật, đi đến các bảo tàng nghiên cứu tranh và hiện vật để có cái nhìn chuẩn xác, làm tài liệu để chuẩn bị cho công đoạn vẽ.
Khi đã chuẩn bị xong tất cả tài liệu và biên tập nội dung, mình dành thêm sáu tháng nữa để bắt đầu vẽ từng chi tiết và thiết kế bìa sách. Có những ngày mình dành 16 tiếng liên tục chỉ để vẽ tranh.
- Cảm xúc của bạn khi thấy các tác phẩm của mình nhận được sự quan tâm từ cộng đồng và lan tỏa tình yêu lịch sử đến với khán giả?
Thanh Huyên: Mình thấy thật sự hạnh phúc. Thời điểm đó khi cuốn sách được ra mắt đã nhanh chóng nằm trong top 5 sách bán chạy của tháng. Buổi ra mắt sách cũng nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội với rất nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao từ độc giả.
Nhìn thấy những nỗ lực được công nhận, mình cảm thấy như được tiếp thêm nguồn động lực to lớn trong hành trình sáng tạo. Những sự ủng hộ, phản hồi tích cực từ độc giả khiến mình nghiêm túc và có trách nhiệm hơn trong việc truyền tải niềm đam mê và tình yêu dành cho lịch sử dân tộc tới công chúng.
- Trong quá trình sáng tạo tác phẩm chắc hẳn sẽ không tránh được những thử thách. Vậy công đoạn nào với bạn là khó khăn nhất, bạn có thể chia sẻ?
Thanh Huyên: Trong giai đoạn sáng tạo, khó khăn nhất với mình là việc tìm kiếm tài liệu về thời Ngô - Đinh - Tiền Lê. Đó là thời kỳ chiến tranh liên miên, khiến nhiều tài liệu lịch sử bị mất mát, thất lạc, đặc biệt là tư liệu về trang phục. Mình chỉ có thể đối chiếu với trang phục từ các thời kỳ bên cạnh, ví dụ như trang phục thời Tống hay thời Nam Hán của Trung Hoa. Mình sẽ dựa vào những mô tả quần áo của thời kỳ đó để tham khảo và phỏng dựng cho trang phục thời kỳ mà mình làm. Tuy nhiên, vì thiếu nguồn tư liệu trực tiếp, nên mọi thứ có thể chưa đạt đến độ chính xác hoàn toàn.
- Điều quan trọng nhất của một tác phẩm lịch sử là phải có độ chuẩn xác, nghiên cứu chuẩn chỉnh và phù hợp với độc giả trẻ. Việc tìm kiếm thông tin có gặp khó khăn gì không? Đã bao giờ đứng trước một thông tin hay nhưng bạn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài liệu?
Thanh Huyên: “Việt sử diễn họa” là một cuốn truyện cô đọng lại lịch sử Việt Nam dựa trên những kiến thức lịch sử chúng ta đã học từ sách giáo khoa. Tác phẩm không có những khái niệm hay kiến thức quá cao siêu, mà chú trọng vào việc giúp người đọc cảm nhận lịch sử một cách nhẹ nhàng, giải trí và gần gũi hơn.
Tuy nhiên, khi nói về độ chuẩn xác, điều khiến mình trăn trở nhất vẫn là phần trang phục như mình vừa chia sẻ. Vì không có đủ tài liệu trực tiếp để đối chiếu, mọi chi tiết phục dựng chỉ mang tính tương đối, phỏng đoán chứ chưa thể đảm bảo độ chính xác 100%. Mình luôn cố gắng tìm kiếm và so sánh tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng dù các chi tiết khớp nhau thì cũng chỉ coi là tạm chuẩn, chứ chưa hoàn toàn đạt đến độ xác thực tuyệt đối.
- Trong thời buổi hiện nay, việc kết hợp nghệ thuật với lịch sử có ý nghĩa gì trong việc giúp người trẻ yêu thích và hiểu hơn về quá khứ của dân tộc, theo bạn?
Thanh Huyên: Mỗi chúng ta ai cũng yêu thích cái đẹp, nhưng cái đẹp thiên biến vạn hóa, mỗi thời kỳ mỗi khác. Để kết nối với các bạn trẻ ngày nay, mình nghĩ rằng cần một ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, phù hợp với thế hệ mới.
Việc kết hợp các yếu tố lịch sử đan xen chất liệu hiện đại sẽ giúp cho câu chuyện lịch sử trở nên gần gũi hơn, thân thiện hơn trong mắt các bạn trẻ. Từ đó, có thể khơi gợi sự tò mò, hào hứng, để các bạn tìm hiểu và yêu mến lịch sử dân tộc nước nhà hơn.
- Việc thiếu vắng các phương pháp giảng dạy, truyền thông phong phú có lẽ là nguyên nhân khiến cho đề tài lịch sử luôn có một bộ mặt khô khan, kém hấp dẫn. Vậy bạn nghĩ lịch sử nên có những cách tiếp cận như thế nào để thu hút giới trẻ hơn?
Thanh Huyên: Theo mình, lịch sử nên được truyền tải một cách dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn, chứ không chỉ đơn thuần đưa ra các mốc thời gian hay sự kiện khô khan.
Thay vì chỉ nhớ một sự kiện xảy ra vào ngày nào, chúng ta có thể lồng ghép nó vào các câu chuyện thú vị để người đọc dễ hình dung. Hoặc liên kết sự kiện đó với một giai đoạn, sự kiện tương ứng ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc để kiến thức trở nên thú vị hơn. Chẳng hạn, khi nhắc đến khởi nghĩa Bà Triệu, nếu biết rằng lúc đó Trung Quốc đang là thời nhà Ngô, nằm trong bối cảnh Tam Quốc nổi tiếng, người đọc sẽ thấy dễ nhớ hơn nhiều.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ cũng sáng tạo các video clip ngắn gọn hay viết những bộ tiểu thuyết lấy cảm hứng từ lịch sử và những sự kiện có thật. Việc tiếp cận lịch sử qua hình thức kể chuyện sẽ giúp người xem cảm thấy dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Bên cạnh đó, những hình ảnh sinh động cũng đóng vai trò quan trọng, bởi hình ảnh chính là điểm thu hút và bắt mắt đầu tiên, giúp người xem tiếp cận lịch sử theo cách trực quan và thú vị hơn, thay vì chỉ có những con chữ khô khan.
- Là người lan tỏa tình yêu văn hóa, lịch sử của dân tộc với giới trẻ, đối với bạn đây có trở thành một áp lực?
Thanh Huyên: Đối với mình điều này chưa bao giờ là áp lực. Với những người có mong muốn lan tỏa, tôn tạo và tuyên truyền văn hóa lịch sử thì chứng tỏ họ có một tình yêu rất lớn với lịch sử văn hóa dân tộc. Điều này có nghĩa, với mình đây chính là một vinh dự lớn lao.
Từ khi tham gia vào Hội Lịch sử và bắt tay vào làm các tác phẩm về lịch sử, điều duy nhất mình thấy trăn trở là phải làm sao để tác phẩm càng sát với lịch sử, càng chỉn chu càng tốt, để khi ra mắt sẽ được công chúng đón nhận mà không gây nhiều tranh cãi hay đánh giá tiêu cực.
- Trong quá trình sáng tạo tác phẩm hay tìm kiếm thông tin về lịch sử, có lúc nào bạn cảm thấy tự hào hay xúc động không?
Thanh Huyên: Chắc chắn là có. Với mình, lịch sử Việt Nam rất phong phú và hấp dẫn, chỉ có điều là mình vẫn chưa thể truyền tải hết những điều tuyệt vời đó vào các sản phẩm của mình.
Những gian nan, xương máu của nhân dân ta trong giai đoạn đấu tranh chống quân xâm lược phương Bắc, hay những câu chuyện lịch sử thú vị về thời nhà Trần, nhà Lê, và sự hùng hồn của hào khí Tây Sơn... Tất cả những điều đó khiến mình thật sự tự hào, tự hào vì là được mang dòng máu Việt Nam - một đất nước không bao giờ chịu khuất phục.
Thế nhưng, các sản phẩm của mình vẫn chưa thể chuyển tải trọn vẹn những giá trị đó đến với độc giả. Mình hy vọng rằng trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ có thể làm được điều này, đem đến những tác phẩm chất lượng hơn để kể lại những trang sử vĩ đại của dân tộc.
- Thông qua tác phẩm của mình hay những dự án mà bạn đã tham gia, bạn mong muốn truyền tải thông điệp gì tới các bạn trẻ?
Thanh Huyên: Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, từ những nạn xâm lược liên miên suốt 1.000 năm Bắc Thuộc, nhân dân Việt Nam đã luôn đấu tranh kiên cường cho quyền độc lập và kiến tạo được cái đất nước tự chủ như ngày hôm nay.
Điều quan trọng là chúng ta cần giữ gìn và phát huy được nền văn hóa, những nét đặc sắc riêng của dân tộc. Đó chính là niềm tự tôn, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc trong bối cảnh có rất nhiều nền văn hóa khác du nhập vào Việt Nam.
Để khơi gợi niềm tự hào văn hóa ấy, mỗi chúng ta cần không ngừng tìm hiểu về lịch sử, từ đó khơi dậy tình yêu và đam mê với văn hóa dân tộc. Mình hy vọng rằng trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của lịch sử, tự hào về những nền văn hóa của đất nước mình. Chỉ khi chúng ta ý thức được những giá trị đó ta mới có thể góp phần gìn giữ và phát huy cho các thế hệ sau.
- Thanh Huyên có thể chia sẻ về những dự định sắp tới của mình?
Thanh Huyên: Mình cũng đang ấp ủ rất nhiều dự định. Hiện tại, chúng mình vừa hoàn thành một trò chơi điện tử lấy bối cảnh, tư liệu và chất liệu về thời kỳ nhà Nguyễn, với mong muốn đưa lịch sử gần gũi hơn với các bạn trẻ thông qua những trải nghiệm thú vị.
Ngoài ra, trong tương lai, mình còn có tham vọng xây dựng một nhân vật hoạt hình độc đáo xoay quanh thời kỳ tiền Đông Sơn, tộc Bách Việt. Mình hy vọng rằng những dự án này sẽ góp phần làm sống lại những trang sử hào hùng của đất nước và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.