Ngổn ngang mối lo mùa COVID-19

(Sóng trẻ) - Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến cho rất nhiều người mất việc làm, kinh tế khó khăn. Việc nới lỏng giãn cách, cho phép một số hoạt động được trở lại cũng chỉ mang tính chất tạm thời. Nỗi lo “cơm áo gạo tiền” vẫn luôn hiện hữu trên đôi vai của mỗi người lao động.

Người lao động lao đao vì dịch COVID-19

Trong các dịch vụ được mở lại, xe ôm, xe ôm công nghệ (giao hàng, thực phẩm) có lẽ là đội ngũ đông đảo và dễ bắt gặp nhất. Ngay phía dưới chân các tuyến đường cao tốc hay các tòa nhà lớn, không khó để nhìn thấy những tài xế xe ôm đã dần quay trở lại công việc của mình. Tuy nhiên cho đến nay, Thành phố Hà Nội vẫn chưa cho phép dịch vụ vận chuyển hành khách bằng môtô được hoạt động trở lại khiến nhiều tài xế lo lắng.

Tôi bắt gặp Bác Nguyễn Văn Loan (Phúc Thọ, Hà Nội) - một người đàn ông gầy gò đang ngả lưng trên chiếc Dream tàu cũ kỹ trên tuyến đường nối giữa Phạm Văn Đồng và Đỗ Nhuận. Khi được hỏi về tình hình thu nhập ngày hôm nay thì chỉ nhận được cái lắc đầu ngao ngán. Khách hàng của người tài xế này đa phần là sinh viên đại học, khi sinh viên về quê hết số lượng khách giảm đi rất nhiều. 

Trước kia, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát mạnh, mỗi ngày bác Loan chạy xe ôm được khoảng 400 nghìn đồng. Đến nay, dịch bệnh căng thẳng, số tiền chạy xe mỗi ngày chỉ còn vỏn vẹn 100-200 nghìn đồng. Bác chia sẻ: “Bình thường sinh viên ở Hà Nội đông đúc, ngày mấy chục chuyến đi thích lắm. Bây giờ người ta về hết, người dân đa phần đều có xe di chuyển, nên đã túng càng túng hơn”.

a9a3012af7943cca6585.jpg
Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của các tài xế xe ôm

Bác Loan chạy xe đến nay đã được 10 năm. Trước đây, mỗi ngày chạy xe phải cạnh tranh với các hãng xe ôm công nghệ khác đã đủ vất vả, nay còn gặp dịch bệnh, nên cuộc sống của bác khó khăn hơn bao giờ hết. Bác tâm sự: “Dịch COVID-19 phức tạp nên giờ khách vắng, giảm nhiều lắm, Hà Nội vẫn chưa cho tài xế hoạt động trở lại nên tôi chỉ kiếm khách ở dọc đường, bến xe. Có hôm thì có khách, có hôm thì chẳng có ai”. 

Cuộc sống vốn đã không dễ dàng, nỗi khó nhọc về kinh tế tiền bạc vẫn luôn là trăn trở của nhiều người lao động khốn khó.

Vài năm làm thuê với mức lương ít ỏi, chị Bùi Thị Thơm (Thanh Hoá) quyết tâm xa quê tìm kiếm cơ hội làm ăn. Năm 2017, chị góp vốn với bạn bè và mở một đại lý sữa chua thương hiệu Long Thành tại TP. Hồ Chí Minh. Công việc làm ăn thuận lợi được ba năm, lợi nhuận kiếm được không chỉ giúp chị trang trải cuộc sống mà còn có thể gửi về cho gia đình. 

Thế nhưng đại dịch COVID-19 ập đến khiến chị trở tay không kịp. Đại lý của chị sử dụng hình thức bán hàng “bán tiếp thị” là chính. Nhân viên của đại lý có trách nghiệm giao sữa chua và đi tiếp thị tại các khu dân cư. Dịch bệnh đến, hình thức buôn bán này phải tạm dừng hoàn toàn do nguy cơ lây lan cao.

Sữa không thể bán nhưng tiền thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên vẫn phải trả. Ban đầu còn dựa vào tiền tích cóp được để duy trì hoạt động, nhưng dịch kéo dài hơn so với dự tính, khiến chị khó có thể xoay sở. “Nhân viên cũng khổ nên chị không thể không trả lương cho họ được. Nhưng buôn bán còn không bù được vốn nói gì là tiền lời để chi trả chi phí kinh doanh. Nhiều khoản phải nợ, thời điểm này vay mượn cũng không ai có mà giúp mình”, chị cho biết.

c92170a786194d471408.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chuỗi ngày giãn cách dài đằng đẵng khiến chị kiệt quệ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Cuối cùng, chị chỉ có thể hoàn trả mặt bằng, giao trả thương hiệu và thu dọn hành lí về quê. Chị Thơm tâm sự: “Vốn liếng của tôi hầu như đổ vào đại lý hết, gia đình tôi cũng không khá giả gì, cũng không nỡ nhưng chẳng còn cách nào khác. Dịch bệnh cũng đến Thanh Hoá rồi, giờ đi đâu cũng khó khăn như nhau, thôi thì về với gia đình cho an tâm hơn chút”.

Chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh COVID-19, không chỉ người lao động bị giảm sút thu nhập mà các trường, trung tâm ngoại ngữ ở địa bàn Hà Nội cũng đành phải tạm ngưng hoạt động cho đến khi tình hình được kiểm soát. Việc cho toàn bộ học sinh nghỉ học để phòng dịch khiến các trung tâm dạy tiếng Anh không có nguồn thu, trong khi vẫn phải trả các chi phí vận hành như tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên,... Vì vậy, cắt giảm thù lao đối với giáo viên hợp đồng là điều khó tránh khỏi.

Anh Trần Trung Đạt, giáo viên Trung tâm Anh ngữ ETODO (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) chỉ vừa bắt đầu công việc “lái đò” của mình từ cuối năm 2020 sau khi anh quyết định nghỉ việc ở công ty cũ. Anh được giao nhiệm vụ điều hành hai lớp dành cho học viên đi lên từ mất gốc. Không may, dịch bệnh lại một lần nữa diễn biến phức tạp, trung tâm cũng đành đình chỉ hoạt động giảng dạy. Anh cho biết, hầu hết các trung tâm tiếng Anh đều áp dụng hình thức trả thù lao cho nhân viên theo giờ dạy, do đó việc trung tâm đóng cửa cũng đồng nghĩa gây cho anh không ít khó khăn về kinh tế.

c704b58d4333886dd122.jpg
Anh Đạt trong một buổi dạy trực tuyến tại trung tâm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trên địa bàn Hà Nội, đa số các trung tâm Anh ngữ đều đã chuyển sang mô hình dạy trực tuyến để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hình thức này có lẽ chỉ là giải pháp tạm thời, và số lượng công việc cũng không đủ để duy trì việc làm cho giáo viên. “Học online khiến cả giáo viên và học viên đều thiếu hào hứng, buổi học dễ dẫn đến nhàm chán. Điều này vừa làm giảm chất lượng giảng dạy của giáo viên vừa khiến học viên không tiếp thu được kiến thức triệt để. Việc được học trên lớp sẽ giúp các bạn giao lưu và luyện tập một cách nghiêm túc hơn”, anh Đạt chia sẻ.

Giải pháp vượt qua khó khăn

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động, việc làm, trong quý III năm 2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều người lao động buộc phải rời khỏi thị trường, dẫn đến tỷ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý III năm 2021 cao nhất trong 10 năm trở lại đây, làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm mạnh so với trước đại dịch. 

Hiện nay, nhiều địa phương thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh nhưng một số nơi khác lại đang gia tăng áp lực về giải quyết việc làm cho lực lượng lớn lao động trở về địa phương tránh dịch bệnh.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch”, Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết: “Những chính sách hỗ trợ được ban hành trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. Các đối tượng hỗ trợ bao gồm cả người dân, người lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động, những đối tượng yếu thế, phụ nữ mang thai, trẻ em mồ côi cha, mẹ vì đại dịch... và lao động, doanh nghiệp trong những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch như vận tải, hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch…”

Dịch COVID-19 lần này được nhận định là lần tái bùng phát nguy hiểm và là thách thức lớn nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, Nhà nước đang cố gắng hoàn thành chỉ tiêu tiêm 100% vắc xin cho toàn bộ người dân, đưa đất nước về trạng thái “bình thường mới”, thực hiện và khôi phục các kế hoạch phát triển sản xuất.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN