Người con xa xứ trở về quê hương với ước mơ thay đổi ngành F&B
(Sóng trẻ) - Phan Trọng Nghĩa, tốt nghiệp tại RMIT University, từng có khoảng thời gian sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài. Trong suốt hành trình học tập và làm việc tại nhiều môi trường khác nhau từ khi còn rất trẻ, anh đã lựa chọn khởi nghiệp bằng việc thành lập một chuỗi cửa hàng cà phê Cần tăng dân số, sau đó sáng tạo nên Chất xám’s E-ComPOS - một giải pháp công nghệ để quản lý cửa hàng trong ngành F&B tại Việt Nam.
Trước khi bắt đầu dự án khởi nghiệp của mình, Nghĩa đã thử bắt đầu sự nghiệp bằng việc kinh doanh, buôn bán. Trong quá trình làm việc, anh phát hiện ngành F&B là một thị trường lớn, có tiềm năng phát triển cao tại Việt Nam, từ đó anh quyết tâm khởi nghiệp trong ngành nghề này.
Nghĩa chia sẻ về lý do anh bắt đầu theo đuổi đam mê khởi nghiệp trong ngành F&B và mục tiêu sắp tới của mình: “Tôi cảm thấy rất hứng thú với việc khởi nghiệp với ngành F&B. Tôi là người đầu tiên sản xuất và thương mại hóa chân trâu trắng của Việt Nam, giúp đất nước ta không phải phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài. Sau đó, tôi tiến hành mở chuỗi cà phê Cần tăng dân số với giá trị như một phố Tây thu nhỏ và may mắn là chúng tôi đã thành công vượt qua đại dịch Covid-19 khắc nghiệt. Dự định sắp tới của tôi là phát triển một giải pháp công nghệ giúp các ngành dịch vụ tối ưu hóa hiệu suất.”
Để đạt được những thành công trong việc khởi nghiệp như bây giờ, Nghĩa đã phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu thị trường trong ngành F&B tại Việt Nam. Trong một lần đi thăm các nhà máy, anh có cơ hội ghé thăm một xưởng sản xuất nhỏ lẻ nhưng lại có một sản phẩm rất đặc biệt - đó là trân châu trắng. Anh chia sẻ rằng: “Khi đó, câu hỏi trong đầu tôi là tại sao người Việt lại không dùng hàng Việt, thế nên tôi đã đi vay một khoản tiền lớn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng với mục đích tăng năng suất sản xuất cho xưởng. Tận dụng được cơ hội đó, tôi đã thành công trong việc thương mại hóa sản phẩm trân châu trắng từ Nam ra Bắc bởi giá cả phù hợp cho các hộ kinh doanh cà phê và trà sữa.”
Khi được hỏi về lý do tại sao lại chọn khởi nghiệp mà không làm việc ở các công ty, tập đoàn khác, Nghĩa cho biết lý do chính khiến anh đưa ra quyết định có phần táo bạo này chính là sự ham học hỏi và tinh thần dám trải nghiệm những điều không ai dám làm. Mặc dù đây là một quyết định khá liều lĩnh nhưng anh cảm thấy may mắn vì việc khởi nghiệp diễn ra thuận lợi và suôn sẻ. Công việc kinh doanh không những đã hoàn vốn mà còn sinh ra lời, giúp anh có thể tái đầu tư vào những giải pháp mới, những công nghệ mới của tương lai.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành công trong công việc khởi nghiệp, Nghĩa cho rằng công việc này cũng đem lại cho anh nhiều khó khăn. Anh tâm sự: “Khi bắt đầu từ con số 0 thì việc tìm nguồn vốn là một vấn đề khá đau đầu. Tuy nhiên đối với tôi, vấn đề khó nhất chính là sự cô độc trong cuộc sống vì không ai hiểu và thông cảm cho những gì mình đang làm. Đây đều là những khó khăn, thách thức mà tôi phải chấp nhận và vượt qua.”
Một câu châm ngôn mà Nghĩa luôn tâm đắc và coi nó như là kim chỉ nam để tiếp tục thực hiện công việc khởi nghiệp đó là: “Simple can be harder than complex: you have to work hard to get your thinking clean to make it simple. But it's worth it in the end because once you get there, you can move mountains.” - Steve Jobs (Nghĩa là sự đơn giản có thể khó hơn sự phức tạp, bạn cần phải làm việc chăm chỉ hơn để suy nghĩ thông suốt để làm ra những thứ đơn giản. Nhưng cuối cùng thì nó cũng xứng đáng vì một khi bạn thành công, bạn có thể di chuyển cả một ngọn núi). Bên cạnh đó, anh cũng đưa ra những lời khuyên rất hữu ích và sâu sắc dành cho các bạn trẻ muốn theo đuổi đam mê khởi nghiệp trong ngành F&B: “Các bạn nên dành thời gian để trau dồi kiến thức để giải quyết những vấn đề khó khăn. Đừng cảm thấy nản chí khi làm Start-up một mình, mà hãy tìm đến những cộng đồng có những người có chung chí hướng. Khi đã trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm từ những người đi trước, hãy kiên trì với tầm nhìn của mình.”
Hy vọng rằng, với những chia sẻ rất chân thành và những câu chuyện mà anh Nghĩa chia sẻ, sẽ ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ giữ vững niềm đam mê khởi nghiệp của mình và góp phần làm ngành F&B tại Việt Nam ngày càng phát triển và thành công hơn nữa trong tương lai.