Nhà thiết kế Yến Nhi: “Sự yêu thích áo dài của công chúng hiện nay không hề suy giảm”
(Sóng trẻ) - Với vẻ ngoài trẻ trung, năng động, nhà thiết kế gen Z Yến Nhi có thể khiến nhiều người bất ngờ khi biết rằng cô dành trọn tâm huyết sự nghiệp cho trang phục áo dài truyền thống.
Trong cuộc trò chuyện cùng PV Sóng Trẻ, Yến Nhi đã chia sẻ về hành trình đặc biệt của mình, không chỉ là lưu giữ mà còn lan tỏa vẻ đẹp áo dài qua các thiết kế, để mỗi tà áo bay lên đều mang theo niềm tự hào về di sản văn hóa Việt.
Nàng thơ xứ Huế với tình yêu áo dài truyền thống
- Cơ duyên nào đã đưa Yến Nhi đến với ngành thiết kế thời trang, và điều gì khiến bạn lựa chọn áo dài làm nguồn cảm hứng chính trong sự nghiệp của mình?
Tôi đến với thời trang không phải vốn dĩ vì năng khiếu như nhiều người vẫn gắn mác cho các nhà thiết kế. Nó xuất phát từ sự tự ti về chiều cao quá khổ của mình. Trước khi được học thiết kế bài bản, vì khó mua quần áo phù hợp, tôi đã lựa chọn tự tìm tòi học may các bộ trang phục phù hợp với dáng người.
Còn với áo dài, chỉ đơn giản là mẹ tôi rất thích ngắm nhìn con gái trong tà áo truyền thống nên tôi cũng thử sức tìm hiểu về loại trang phục này. Cảm hứng thời trang và tình yêu áo dài đến với tôi chỉ tình cờ như thế. Được biết Yến Nhi từng theo học về thời trang tại một trường quốc tế.
- Vậy sau khi học hỏi và thực hành đa dạng các phong cách thời trang trên thế giới, điều gì đã thôi thúc bạn quay trở lại với áo dài truyền thống?
Mặc dù tôi theo học thời trang tại một trường quốc tế, nhưng bật mí với độc giả Sóng Trẻ, tôi còn là một người con xứ Huế. Tôi từng có thời gian theo học ngành Du lịch ở mảnh đất giàu di sản văn hóa, điều ấy giúp tôi có thêm hiểu biết về kiến thức áo dài để truyền bá cho khách du lịch tới nơi đây. Bên cạnh đó, tôi cũng có cơ duyên tiếp xúc với nhiều nhà thiết kế áo dài trong và ngoài nước với vai trò người mẫu tại các festival (lễ hội - PV) lớn ở Huế.
Có lẽ mảnh đất này đã làm tình yêu văn hóa dân tộc nói chung và tình yêu áo dài nói riêng thấm nhuần con người tôi. Sau này rẽ hướng sang thời trang, tôi tự hỏi: “Quê hương mình nổi tiếng với tà áo dài dịu dàng, thướt tha như thế, tại sao mình không kế thừa và phát huy vẻ đẹp ấy?”
- Liệu Yến Nhi có thể chia sẻ về cách mà những kiến thức từ thời trang quốc tế đã giúp bạn làm mới và tiếp cận áo dài truyền thống như thế nào không?
Những kiến thức thời trang quốc tế mang lại cho tôi cái nhìn đa chiều về phong cách và kỹ thuật thiết kế. Ví dụ, tôi học hỏi cách phối màu từ các bộ sưu tập quốc tế để tạo nên những họa tiết mang nét độc đáo hơn, hay áp dụng kỹ thuật cắt may tân tiến nhằm tối ưu hóa phom dáng, giúp chiếc áo dài vừa mang nét đẹp truyền thống vừa đáp ứng thẩm mỹ đương đại.
- Có bao giờ bạn cảm thấy hoài nghi về quyết định gắn bó với áo dài, khi nhiều người cho rằng sức hút của trang phục này đang dần phai nhạt trong lòng công chúng?
Dưới góc nhìn của mình, tôi khẳng định sự yêu thích áo dài của công chúng không hề suy giảm mà trái lại, còn đang phát triển rất mạnh mẽ. Trước đây, áo dài chỉ gắn liền với hình ảnh trang phục của phụ nữ Việt Nam. Nhưng hiện nay, tà áo dài còn tiếp cận rộng hơn đến cả “cánh mày râu”, người nước ngoài, hay trở thành trang phục đặc trưng được mặc trong các buổi ngoại giao trong nước và quốc tế. Dù công chúng có những lựa chọn phong cách, kiểu dáng khác nhau nhưng sự yêu thích áo dài của họ là như nhau.
Bằng chứng là những năm gần đây, mặc dù kinh tế có phầ suy giảm, nhưng các thương hiệu thời trang vẫn thu về doanh thu đáng mong đợi từ áo dài.
Lan tỏa áo dài Việt trong thời đại mới
- Theo Yến Nhi, áo dài Việt Nam có vai trò thế nào trong bối cảnh xu hướng quốc tế hóa thời trang hiện nay?
Giữa xu hướng thời trang ngày càng đa dạng, áo dài vẫn giữ một vị thế đặc biệt không thể thay thế. Tôi thấy Việt Nam làm truyền thông về áo dài rất đặc sắc, ví dụ như qua các tư liệu, festival (lễ hội - PV) lớn gắn với nhiều danh lam thắng cảnh. Giờ đây, áo dài không chỉ đơn thuần là trang phục truyền thống mà còn là biểu tượng văn hóa, là đại sứ du lịch quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
- Nhiều người vẫn tranh luận về việc cách tân áo dài truyền thống: Nên hay không? Quan điểm của bạn về vấn đề này ra sao?
Mỗi thời có một chuẩn mực về cái đẹp khác nhau, đặt ra yêu cầu cho các nhà thiết kế phải cập nhật và làm mới những “đứa con tinh thần” của mình. Tôi thấy việc cách tân áo dài - đan xen giữa truyền thống và hiện đại là vô cùng cần thiết, không chỉ đơn thuần để phù hợp với thị hiếu khách hàng, mà còn thể hiện tà áo truyền thống nước ta mang hơi hơi thở thời gian, là nhân chứng gắn liền với mọi giai đoạn của đất nước.
- Bạn hoàn toàn ủng hộ việc cách tân áo dài, vậy bạn nghĩ sao về một số bộ áo dài cách tân trở nên phản cảm hay pha tạp trang phục của nước khác?
Về vấn đề một số mẫu áo dài cách tân quá đà trở nên phản cảm, tôi nghĩ nguyên nhân chính là bộ phận thiểu số nhà thiết kế chỉ quan tâm đến lợi ích, đuổi theo xu hướng mà quên đi rằng tà áo dài còn là tượng trưng cho nét đẹp văn hóa dân tộc, là bộ mặt của Việt Nam. Điều đó để lại cho tôi và các đồng nghiệp một bài học quan trọng rằng phải luôn tôn trọng và hướng đến sự chuẩn mực không chỉ của áo dài mà còn của các trang phục nói chung.
- Giữa muôn vàn mẫu mã đa dạng hiện nay, bạn gặp những thách thức gì trong quá trình thiết kế để vừa giữ gìn bản sắc truyền thống, vừa tạo nét hiện đại cho áo dài?
Phát triển những yếu tố hiện đại trên trang phục truyền thống là thử thách cho tôi và các nhà nhà thiết kế phải tìm hiểu rõ nguồn gốc ý nghĩa và các đặc trưng của áo dài Việt Nam.
Với nền tảng kiến thức và sự tôn trọng dành cho áo dài, tôi bắt đầu từ việc giữ nguyên những đường nét truyền thống để chiếc áo dài vẫn toát lên nét đẹp quen thuộc. Sau đó, tôi khéo léo thêm vào các yếu tố hiện đại, từ chất liệu cao cấp hơn, kiểu dáng phá cách nhưng tinh tế, đến những họa tiết cách tân vừa đủ. Đó là cả một quá trình cân nhắc kỹ lưỡng, để mỗi sản phẩm áo dài vừa làm hài lòng người mặc, vừa khẳng định được giá trị văn hóa Việt Nam.
- Trong quá trình làm nghề của mình, bạn có thể chia sẻ về BST áo dài mà bạn cảm thấy tự hào nhất? Điều gì đã làm cho bộ sưu tập đó trở nên đặc biệt?
Điểm qua một số sản phẩm mà tôi tâm đắc phải kể đến BST “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga” tại Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, BST Hương rừng Bến Tre tại tỉnh Bến Tre, BST Cội nguồn xứ Huế tại thành phố cùng tên, BST Áo dài du lịch cùng tôi được trình diễn tại festival Du lịch Hà Nội.
Chắc hẳn nghe qua thì độc giả cũng đã thấy nét đặc biệt bởi tà áo dài tôi thiết kế gắn liền với vùng đất ba miền. Tôi nhận ra mỗi người phụ nữ ba miền có vẻ đẹp độc đáo khác nhau, từ đó các mẫu áo dài cũng thiết kế sao cho thật phù hợp với người con gái mỗi vùng đất.
Bên cạnh đó, sự khác biệt còn đến từ họa tiết trên từng chiếc áo. Nhớ về bộ BST Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, tôi đã thành công với ý tưởng in lên áo những họa tiết được lấy cảm hứng từ câu truyện cùng tên, để kể ại xuyên suốt câu chuyện trên nền những chiếc áo dài lụa.
Nhìn lại hành trình đi qua, tôi có thể mỉm cười tự hào về sự tâm huyết của mình trong việc nghiên cứu, tìm tòi nét văn hóa, lịch sử để ứng dụng trên trang phục.
- Không chỉ còn là những hình ảnh trên sàn diễn mà hiện nay, chụp ảnh trên đường phố hay diện áo dài trong dịp Tết cũng đang trở thành xu hướng. Yến Nhi cảm nhận như thế nào về sự quan tâm của giới trẻ với áo dài ngày nay?
Tôi thấy vui và hạnh phúc khi những thế hệ sau này vẫn dành sự yêu mến cho tà áo truyền thống. Đó là động lực cho những nhà thiết kế ra mắt thêm nhiều bộ sưu tập sáng tạo, mới lạ để phục vụ công chúng trẻ. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải lao động nghề nghiệp thêm nghiêm túc vì mỗi chiếc áo được sản xuất ra cũng góp phần giáo dục cho các bạn về sự chuẩn mực và tình yêu trang phục truyền thống.
- Bạn có thể tiết lộ về những dự định phát triển thương hiệu áo dài của mình trong tương lai? Liệu bạn có ý định đưa các bộ sưu tập tham gia những sự kiện thời trang lớn không?
Giờ là lúc tôi đang gấp rút hoàn thiện bộ sưu tập áo dài Tết, rất mong chờ đến ngày được chia sẻ hình ảnh những thiết kế áo dài 2025 tới công chúng. Ngoài ra vẫn còn nhiều dự án thú vị đang được ấp ủ, tôi xin phép giữ bí mật vào lúc này và hứa hẹn sẽ ra mắt vào một dịp gần nhất.