Những điều sinh viên cần chú ý khi đi thực tế
(Sóng trẻ) - Là sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối, việc đi thực tế tại các cơ quan là điều bắt buộc. Việc đi thực tế sẽ giúp sinh viên làm quen với môi trường thực tiễn, tiếp xúc để hiểu hơn những công việc mà sau này chính mình sẽ là người đảm nhận. Vậy để lần đầu đi thực tế được suôn sẻ và đạt hiệu quả cao, sinh viên cần chú ý những gì?
Chú ý trang phục
Trong một cuộc phỏng vấn, trang phục mang lại những dấu ấn nhất định với người đối diện. Vậy nên, khi đến một cơ quan - nơi bạn sẽ tìm hiểu để phục vụ cho công việc học tập, bạn nên lựa chọn những bộ đồ phù hợp với tính chất công việc mà bạn đang theo đuổi ( trang phục công sở, trang phục trẻ trung, năng động, trang phục mang cá tính riêng… ). Thông qua trang phục, lãnh đạo và những người trong cơ quan sẽ có những ấn tượng ban đầu về bạn. Một bộ trang phục thoải mái, vừa vặn, phù hợp với tính chất công việc cũng sẽ giúp bạn thêm tự tin để hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra trong chuyến đi thực tế.
Nếu trang phục bạn mặc không phù hợp với tính chất công việc ( ví dụ: bạn là một người thích ăn mặc phong cách, trẻ trung, hiện đại nhưng công việc sắp tới của bạn là công việc tại một cơ quan hành chính Nhà nước) thì bạn nên thay đổi và làm quen với những bộ trang phục mới. Không nên để cá tính của mình ảnh hưởng tới công việc sau này!
Chú ý thái độ
Khi đến thực tế tại cơ quan, lúc ấy bạn chưa phải là nhân viên của họ, bạn vẫn đang là sinh viên, nên giữ thái độ khiêm tốn, cầu thị, hòa nhã và nhiệt tình để thu được nhiều kiến thức.
Thái độ cầu thị, hòa nhã nơi thực tập
Có thể những người trong cơ quan không yêu cầu bạn làm gì cả, quan trọng là tinh thần tự giác! Trong quá trình thực tế, nài việc thu nhận kiến thức, bạn cũng nên hỗ trợ người bên cạnh. Khi bạn không biết, hãy đặt câu hỏi và lắng nghe, ghi nhớ thật kĩ câu trả lời, hãy lật đi lật lại vấn đề nếu bạn cảm thấy không hiểu, điều đó cho thấy bạn là một người thân thiện, cẩn thận, biết quan tâm và lắng nghe. Nên nhớ, sự nhiệt tình và thái độ hòa nhã, ham học hỏi trong những ngày đầu đi thực tế sẽ là chiếc chìa khóa giúp các lãnh đạo và nhân viên trong cơ quan để ý đến bạn.
Cách đặt câu hỏi
Đừng ngại đặt câu hỏi. Đó là một cách tốt để cho thấy mức độ chuyên tâm với công việc và khả năng kết nối vấn đề. Nó cũng sẽ giúp bạn có được một cái nhìn tổng quan đầy đủ và thực tế hơn về công việc tương lai và “sếp” tương lai. Thế nhưng đặt câu hỏi như thế nào cho hiệu quả và thu nhận được nhiều thông tin thì không phải điều dễ dàng. Nếu bạn đặt câu hỏi quá ngây ngô hoặc hỏi những kiến thức quá đại trà, những người trong cơ quan sẽ nghĩ: không biết bạn học gì từ trường học mà kiến thức này cũng không biết. Tất nhiên, họ vẫn sẽ trả lời câu hỏi nhưng họ sẽ có những đánh giá không tốt về bạn. Vậy nên, để đặt câu hỏi một cách khéo léo không phải điều dễ dàng.
Nghiêm túc trong những chuyến đi thực tế sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên
Có hai loại câu hỏi chúng ta thường sử dụng: câu hỏi xác định lại thông tin, có tính lựa chọn – gọi là câu hỏi đóng và câu hỏi mở – người được hỏi trả lời về những thông tin chưa được nêu ra. Câu hỏi đóng dùng trong trường hợp bạn nói chuyện với người lạ, quá trình giao tiếp còn bị cản trở nhiều bởi sự ngại ngùng của hai người. Khi này, câu hỏi đóng thường là câu mở đầu cho một đề tài nào đó. Câu hỏi mở chính là những câu hỏi đào sâu thêm thông tin, khơi gợi người được hỏi nói về những điều bạn chưa biết hay còn mơ hồ. Câu hỏi mở thường có dạng: vì sao, như thế nào, ở đâu, ý kiến của bạn về vấn đề đó… Chúng ta nên linh hoạt giữa 2 loại câu hỏi này. Tuy nhiên, ta nên tránh hỏi câu hỏi đóng liên tục, dồn dập trong quá trình thu nhận thông tin, câu hỏi mở sẽ giúp thông tin bạn nhận được trở nên đa dạng, phong phú và cụ thể hơn.
Đặt câu hỏi hợp lý không những khiến câu chuyện trở nên suôn sẻ, hòa hợp mà còn thể hiện bạn là một người tâm lý, thú vị, độc đáo…
Viết thu hoạch
Sau mỗi chuyến đi thực tế, viết bài thu hoạch dường như là công việc bắt buộc. Đây là công việc cuối cùng giúp giảng viên đánh giá xem chuyến đi của bạn có thành công hay không? Vì vậy, bản thu hoạch không chỉ là một bài tập mà còn là tâm huyết của bạn gửi gắm sau chuyến đi.
Trong quá trình làm thu hoạch, ban nên tổng hợp thật kỹ những thông tin mà bạn thu nhận được kèm theo những tài liệu bên nài, từ đó sắp xếp, chắt lọc những ý sẽ đưa vào bản thu hoạch. Nên nhớ, không phải tất cả những thông tin gì bạn nhận được từ cơ quan, trong tài liệu bạn cũng đưa vào. Làm như vậy thông tin sẽ rất dàn trải, người đọc khó nắm bắt. Khi đi thực tế, bạn có thể đi theo nhóm; nhưng khi làm thu hoạch, thì đó lại là sản phẩm của cá nhân bạn. Vì vậy trong bản thu hoạch cần có cái nhìn, đánh giá, quan điểm riêng của bạn về những thông tin chung mà tất cả các bạn nhận được. Từ đó, giảng viên sẽ đánh giá khả năng thu nhận thông tin và cách thức làm việc của bạn có khoa học không.
Trong bản thu hoạch cần có những đề mục rõ ràng, thông tin cụ thể về cơ quan mà bạn đã tìm hiểu, cảm nhận của bạn sau chuyến đi, thậm chí bạn có thể nộp cả sản phẩm công việc mà bạn đã tạo ra trong quá trình đi thực tế ( nếu có thể).
Bản thu hoạch cá nhân cũng chính là đứa con tinh thần của bạn. Vì vậy, hãy dành thật nhiều tâm huyết vào trong đó, rất có thể, sự thành công trong công việc của bạn sau này sẽ bắt đầu từ những chuyến đi và những bản thu hoạch đầu tiên.
Cao Huyền Trang
Truyền hình K.31A1
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Cùng chuyên mục
Bình luận