Những người trẻ với hành trình tìm lại giá trị bản sắc người Mông

(Sóng trẻ) - Không ai bảo ai, cũng không hướng đến một lợi ích vật chất nào, 7 thanh niên người Mông trong nhóm Action for Hmong Development (AHD) đang từng ngày nỗ lực nhằm thay đổi diễn ngôn chưa đúng về người dân tộc thiểu số và giới thiệu văn hóa người Mông đến với cộng đồng.

Sự đồng hành của những con người cùng chí hướng

Cuộc gặp gỡ của những thanh niên trong nhóm AHD hoàn toàn tình cờ. Năm 2015, trong một dịp làm tình nguyện viên trong một dự án của iSEE ở Mèo Vạc, họ đã gặp nhau và cùng nhau thành lập một nhóm: “Chúng mình đã gặp nhau, cùng là người Mông nên rất dễ nói chuyện. Chúng mình dần dần hình dung được thế giới của nhau, tuổi thơ của nhau, cuộc sống của nhau. Và rồi chúng mình nhận ra mọi người đều rất quan tâm đến chuyện cổ tích, chúng mình phát hiện ra chuyện cổ tích của người Mông đang có rất nhiều vấn đề, không được lưu giữ và không có môi trường thực hành” – Khang A Tủa, trưởng nhóm AHD chia sẻ. 

efe4b897a_khang_a_tua.jpg

Khang A Tủa – Nhóm trưởng nhóm AHD trong buổi giao lưu với ban biên soạn “Chuyện bên bếp lửa”

Đó là thế giới của những thanh niên người Mông đang sinh sống và học tập tại Hà Nội. Mọi hoạt động của nhóm đều hướng đến vì sự phát triển của người Mông. Họ không nhận được lợi nhuận hay sự hỗ trợ nào từ bên nài trong những hoạt động đầu tiên. Mọi câu chuyện được thực hiện một cách tự nhiên, theo cách mà những người trẻ ấy nghĩ là đúng và nên làm.
 
Họ đã gắn bó với nhau từ năm 2015. Có những buổi đi chơi xuyên đêm cùng nhau, ngồi bên bờ hồ chỉ để kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc đời và tuổi thơ của mỗi người. Đó là cách để AHD tồn tại và phát triển bền chặt. Sự đồng hành chỉ có được khi có sự thấu hiểu lẫn nhau.

“Bọn mình không phải là một nhóm làm việc với nhau, mà là một nhóm bạn chơi với nhau. Trước một ý tưởng mọi người sẽ cùng nhau đóng góp và chia công việc ra để làm. Mỗi công việc theo sở thích cá nhân của mỗi người, và bọn mình dành toàn tâm cho nó. Bọn mình không bắt ép ai phải làm việc này, việc kia, chơi với nhau cực kì sòng phẳng” - Khang A Tủa chia sẻ.

Hành trình tìm tòi và nỗ lực không ngừng nghỉ

Tâm huyết với sự phát triển và nỗ lực vì bản sắc người Mông có sẵn trước khi họ gặp được nhau. Và sau khi thành lập nhóm AHD, họ đã làm việc không ngừng nghỉ. Trung bình hai tháng, AHD lại có một Talkshow nói về văn hóa của người Mông về nhiều chủ đề khác nhau, như: “Văn hóa Mông và những điều bạn chưa biết”; “Giải mã thang bậc giá trị phụ nữ Mông”; “Kẹo ngọt cho ai”,…

Hàng năm, nhóm AHD ổ chức chương trình “Tết Mông xuống phố” cho người Mông ở Hà Nội. Đến tháng 4/2017, nhóm bắt đầu bắt tay vào đi điền dã để tìm tư liệu cho việc viết nên Tuyển tập truyện cổ tích người Mông “Chuyện kể bên bếp lửa”. Song hành với việc tìm kiếm tư liệu, nhóm cũng tổ chức những buổi kể chuyện cổ tích, giới thiệu chuyện cổ tích người Mông đến với đông đảo công chúng. Đó là một hành trình dài hơi và vẫn đang trên đường hoàn thiện. Để thực hiện được dự án này, nhóm đã gặp không ít khó khăn, nhưng sau mỗi chuyến đi, các thành viên trong nhóm lại có thêm cho mình nhiều bài học, nhiều trải nghiệm thú vị. 

efe4b897a_tet_mong_xuong_pho.jpg

Chương trình “Tết Mông xuống phố 2018 – kéo không méo”

efe4b897a_i_3784.jpg

Chuyện trò với ban biên soạn Tuyển tập truyện cổ tích Mông

efe4b897a_sach.jpg

Bìa cuốn tuyển tập truyện cổ tích Mông “Chuyện bên bếp lửa”

Để có được những câu chuyện cổ tích đậm đà bản sắc dân tộc Mông, các thành viên của AHD đã lặn lội đi đến rất nhiều nơi có người Mông sinh sống. Mỗi con người, mỗi cuộc đời chính là một câu chuyện. Cuộc gặp gỡ giữa với những con người đó cho các thành viên trong nhóm AHD những góc nhìn mới mẻ hơn về chính dân tộc mình. 

Nói về những kỉ niệm trong hành trình tìm kiếm chuyện cổ tích người Mông, Hạng A Súa – một thành viên của AHD chia sẻ: “Có một lần bọn mình nói chuyện với một người phụ nữ người Mông bán hàng ở Sapa, bà có nói là: ‘Nếu các con đến đây sớm hơn khoảng 3 tháng thì các con sẽ có cả một kho tàng chuyện dân gian. Nhưng rất tiếc là chồng bà đã ra đi mất rồi, bà thì không còn nhớ nhiều nữa’. Đó là điều khiến bọn mình vô cùng đau đớn và thôi thúc bọn mình phải thực hiện dự án này ngay và luôn”. 

Đó cũng chính là lý do mà các thành viên trong nhóm AHD không ngừng tìm kiếm, không ngừng hoạt động để có được sự lan tỏa rộng khắp nhất, đúng đắn nhất về văn hóa và bản sắc người Mông.

Sẵn sàng đương đầu với mọi vấn đề

Một trong những tiêu chí hoạt động của nhóm AHD, đó là không bao giờ vạch ra một kế hoạch nào đấy quá rõ ràng. Họ sẵn sàng đương đầu với bất cứ vấn đề gì họ cho là cần thiết và họ cho là nên làm. Bắt đầu hoạt động từ khi là những thanh niên 19, 20 tuổi, các thành viên của AHD chưa bao giờ nghĩ rằng họ sẽ tổ chức một sự kiện có tới cả nghìn người tham dự như “Tết Mông xuống phố”, họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ đối thoại trực tiếp với các kênh truyền thông quốc gia về các vấn đề bảo vệ quyền lợi và giá trị bản sắc người Mông. Chính từ việc không vạch ra một kế hoạch gì quá rõ ràng, họ lại chuẩn bị được cho mình một tâm thế sẵn sàng đón nhận bất cứ vấn đề bức thiết nào sẽ đến. 

Nói về động lực đã thôi thúc những người Mông này dấn thân vào hành trình tìm lại bản sắc dân tộc mình, Khang A Tủa cho biết: “Có một câu nói nổi tiếng là ‘Khi con cá sống trong nước, nó sẽ không quan tâm đến màu nước. Tuy nhiên, khi nó bị vứt lên cạn, chắc chắn sẽ có vấn đề’. Mình không bao giờ để ý đến văn hóa người Mông khi mình sống một cuộc sống bình yên ở Mù Cang Chải. Nhưng khi mình đến Thái Nguyên, đến Hà Nội để học, mình bắt đầu quay lại nhìn nhận về vấn đề văn hóa của mình. Mình phát hiện ra rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm về chính dân tộc mình”.

Hành trình vì sự phát triển của người Mông không chỉ gắn với lễ Tết hay chuyện cổ tích, đó là tất cả những vấn đề đang diễn ra, những biến đổi và tác động đến giá trị và văn hóa của dân tộc Mông mỗi ngày. Đó là câu chuyện về vai trò và giá trị của người phụ nữ Mông trong cuộc sống và văn hóa, là chuyện về du lịch đại trà đã tác động đến văn hóa, là câu chuyện về chữ viết của người Mông nên do chính quyền quyết định hay sự lựa chọn của chính người Mông,… 

Tuyển tập truyện cổ tích Mông “Chuyện bên bếp lửa” vẫn đang trên hành trình hoàn thiện, “Tết Mông xuống phố” vẫn đang được tổ chức hằng năm, và những sự kiện về văn hóa người Mông vẫn đều đặn được thực hiện bởi những người trẻ có nhiệt huyết và nặng lòng với văn hóa dân tộc. Rất nhiều khó khăn và thử thách vẫn đang chờ họ phía trước, nhưng AHD sẽ tiếp tục phát triển, làm việc không ngừng nghỉ với những dự án vì sự phát triển của người Mông mà họ hằng ấp ủ. 

Hằng Nguyễn

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN