"Nở rộ" dịch vụ học hộ, thi hộ
(Sóng trẻ) - "Học hộ, thi hộ” là những cụm từ khá phổ biến trong các trường đại học hiện nay. Học hộ đã trở thành một dịch vụ kinh doanh thu hút lượng lớn sinh viên tham gia. Dịch vụ này còn trở nên “nóng” hơn bao giờ hết với lượng tăng chóng mặt cả bên “cung” lẫn “cầu” bất chấp hậu quả.
“Nở rộ” dịch vụ học hộ, thi hộ
Giảng đường rộng lớn với hàng chục, thậm chí hàng trăm sinh viên, cộng thêm việc học tập chủ yếu dựa vào sự tự giác đã tạo điều kiện cho nhiều sinh viên lách luật.
Qua khảo sát, nhiều sinh viên đến từ các trường khác nhau đều tỏ ra không mấy xa lạ với dịch vụ “học hộ, thi hộ” đang ngày một “phát tướng”. Một số sinh viên đăng ký đi học hộ, thi hộ cho biết đây là cơ hội để các bạn kiếm thêm chút tiền trang trải cho cuộc sống.
Có cung tất có cầu. Hoạt động học hộ, thi hộ vốn dĩ là hành vi tiêu cực, cần ngăn chặn thì nay lại diễn ra công khai trên mạng xã hội.
Các quảng cáo học hộ thi hộ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội
Những dòng tìm kiếm người học hộ, thi hộ được cập nhật liên tục trong nhóm
Lý do cho việc “kẻ thuê”, “người làm” cũng nhiều không kể xiết. H.Long tâm sự: “Vì có việc đột xuất mà lại hết lượng “phép” nghỉ học rồi, nếu nghỉ thêm sẽ không đủ điều hiện thi nên đành phải tìm người đi học hộ”. Còn H.Sơn thì “kể khổ”: “Đợt về thăm nhà bị ốm, gấp gáp quá nên bất đắc dĩ mới phải nhờ người học hộ vậy”. Trong khi các “chuyên gia” đi học hộ thì hầu hết đều tự giới thiệu là sinh viên rảnh rỗi, muốn tìm “công việc” làm thêm.
Bất chấp hậu quả
Minh - sinh viên trường Học viện Tài Chính – hiện đang bị đình chỉ một năm về lỗi nhờ người đi thi hộ môn tiếng Anh chia sẻ: “Cũng do mọi khi hay thuê người đi học hộ nên đến lúc thi cũng thuê luôn cho tiện, nhưng hôm đấy giáo viên lại kiểm tra đột xuất kiểm tra thẻ sinh viên thì phát hiện đó là ảnh dán.” Minh bị nhà trường đình chỉ một năm và phải rời khỏi kí túc xá nhà trường, hiện giờ Minh đang phải đi làm thêm cho một quán ăn để kiếm tiền trang trải cuộc sống do cậu giấu không dám cho bố mẹ biết là mình bị đình chỉ.
Được biết, tại các trường đại học, khi sinh viên bị phát hiện có hành vi học hộ, thi hộ thì có thể bị đình chỉ môn học. Nếu tái diễn nhiều lần có thể phải "đối diện" với những hình thức kỉ luật cao hơn.
Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 15-8-2007, tại Khoản 2, Điều 29 quy định rõ: "Sinh viên đi thi hộ hoặc nhờ người khác thi hộ, đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai".
Việc sinh viên công khai việc học hộ, thi hộ trên mạng xã hội là một hiện trạng phản cảm. Sự gian dối trong học tập nếu trót lọt sẽ mang đến cho xã hội những tấm bằng vô giá trị, có được từ... học hộ, thi hộ.
Nguyễn Việt Anh B
Báo mạng điện tử K32