Workshop “Hán ngữ” hay “Nán ngữ”: Không kỳ lạ mà kỳ diệu
(Sóng trẻ) - Chiều 15/10 tại trường Đại học Hà Nội diễn ra workshop “Hán ngữ” hay “Nán ngữ” do câu lạc bộ tiếng Trung của trường tổ chức. Buổi tọa đàm mang đến cho các bạn sinh viên rất nhiều những kiến thức bổ ích liên quan đến Hán ngữ.
Với mục đích giúp các bạn sinh viên chinh phục Hán ngữ, workshop là sự kiện thường niên của câu lạc bộ. Chính vì vậy, tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên.
Các bạn sinh viên có mặt “check in” từ rất sớm
Các bạn sinh viên sẵn sàng dành thời gian quý báu của mình để ngồi lắng nghe tọa đàm
Mở đầu buổi workshop, ban tổ chức chiếu một đoạn clip ngắn, video tổng hợp những khó khăn của hầu hết các bạn sinh viên khi mới bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung. Qua tìm hiểu, hầu hết các bạn đều gặp trở ngại với phần viết chữ Hán. Bởi các bạn cho rằng chữ Hán là chữ tượng hình, khác rất nhiều so với chữ Latinh của tiếng Việt.
Điểm đặc biệt của workshop lần này đó là có sự tham dự của cô Nguyễn Thị Thúy Hạnh - trưởng Bộ môn Văn hóa Văn Minh, giảng viên khoa tiếng Trung Quốc, trường Đại học Hà Nội. Với tư cách khách mời, cô giúp các bạn sinh viên giải đáp những thắc mắc và đưa ra giải pháp hiệu quả nhất cho việc học Hán ngữ.
Cô Thúy Hạnh giao lưu cùng các bạn sinh viên
Từng là sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Trung và hiện đang là giảng viên khoa tiếng Trung, đứng trên bục giảng cùng hàng bao thế hệ học trò, hơn ai hết, cô Thúy Hạnh là người có kinh nghiệm trong việc chỉ dẫn, đưa ra các mẹo học tiếng Trung, đặc biệt là chữ Hán dành cho người mới bắt đầu. Cô chia sẻ: “Thực tế tiếng Trung không hề khó. Đối với người Việt, tiếng Trung là ngôn ngữ dễ học nhất, vì trong tiếng Việt đã có từ Hán Việt”. Theo cô, tiếng Trung và tiếng Việt luôn có sự đồng điệu, ngôn ngữ nào cũng kỳ lạ. Tiếng Việt cũng vậy, nhưng tiếng Trung không chỉ kỳ lạ mà còn kỳ diệu.
Tham gia buổi workshop, các bạn sinh viên được trực tiếp đặt câu hỏi cho khách mời. Bạn Minh Anh (khoa ngôn ngữ Trung) bày tỏ những khó khăn trong việc học nại ngữ: “Cá nhân em cảm thấy chữ Hán rất khó nhớ, phải mất rất lâu để em có thể ghi nhớ một từ”. Giải đáp thắc mắc này, cô Nguyễn Thị Thúy Hạnh khuyên các bạn không nên học thuộc từ mới một cách máy móc, gượng ép, có thể học qua việc xem các chương trình truyền hình, phim ảnh, đọc lời bài hát, đặt câu để ghi nhớ từ… Quan điểm của cô đó là “Học mà chơi, chơi mà học”, giảm nhẹ áp lực của học tập sẽ nâng cao hiệu quả đạt được.
Đối với bạn Phương, khó khăn lại nằm ở phần nghe nói: “Một câu em phải nghe đi nghe lại rất nhiều lần mới hiểu hết nghĩa”. Để có thể giúp đỡ bạn Phương cải thiện khó khăn, cô Thúy Hạnh đưa ra giải pháp nên kết bạn với người Trung Quốc, tải phần mềm lồng tiếng để tự nghe chính mình nói… Cô luôn khuyến khích các bạn tập trung nghe nói và từ vựng bởi nếu chỉ có ngữ pháp không thôi thì giống như có gạch nhưng không thể xây nhà.
Các bạn sinh viên tích cực đưa ra câu hỏi
Cô nhấn mạnh mỗi người có một cách học khác nhau, nhưng nguyên tắc chung là phải nhớ bộ thủ, ý nghĩa bộ thủ, nài ra còn có 7 quy tắc cơ bản cần lưu ý khi viết. Việc đầu tiên để học nại ngữ là ôn tập kĩ bài cũ, có sự chuẩn bị bài mới khi đến lớp. Một điều quan trọng nếu muốn học nại ngữ giỏi, chính là không được rụt rè, tự bản thân mỗi người phải tìm ra cách để vượt qua sự rụt rè ấy. Bên cạnh đó, cô cũng chỉ ra những sai lầm mà các bạn trẻ thường mắc phải trong quá trình học ngôn ngữ, đó là lạm dụng điện thoại, máy tính, không thường xuyên luyện viết.
Cô Thúy Hạnh cẩn thận, ân cần hướng dẫn các bạn cách viết chữ đúng
Cô động viên các bạn nên kiên trì và học liên tục, vì đặc thù của ngôn ngữ nếu không luyện tập sẽ rất nhanh quên. Qua quá trình tự mình đúc rút kinh nghiệm học tập, cô có sự thấu hiểu đối với các sinh viên năm nhất: “Mới đầu học sẽ thấy rất khó, nhưng đến một ngưỡng nhất định, các em sẽ học rất nhanh và rất vào”.
Thông qua buổi tọa đàm, cô Thúy Hạnh không chỉ chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra giải pháp, mà còn truyền động lực học ngôn ngữ tới các bạn sinh viên. Cô có một châm ngôn học tập: “Đừng bao giờ sợ thất bại, hãy sống có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình”. Với cô, làm bất cứ một việc gì cũng cần đam mê, học tiếng Trung cũng vậy. Hãy bắt đầu tình yêu từ việc học cách yêu văn hóa lịch sử, phong tục tập quán, đất nước và con người Trung Quốc.
Các bạn sinh viên chụp ảnh cùng với khách mời
Workshop "Hán ngữ" hay "Nán ngữ" không chỉ là cơ hội để các bạn sinh viên được gặp gỡ giao lưu với khách mời, mà còn là dịp để các bạn cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, nhờ vậy mà các bạn có thêm động lực để kiên trì với sự lựa chọn của mình. Trong thời đại hội nhập như hiện nay, việc biết thêm một ngôn ngữ là có thêm một cơ hội thành công, nhưng ngôn ngữ không chỉ là công cụ mà còn đem đến cho người học nhiều đam mê bởi bắt đầu một ngôn ngữ mới là bắt đầu một tâm hồn mới.
Hà Giang