Nữ nghệ nhân “thắp lửa” đèn ông sao truyền thống
(Sóng trẻ) - Với mong muốn kết nối Tết Trung thu cổ truyền với trẻ em ngày mới, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến luôn cố gắng “thắp lửa” ánh đèn ông sao và gìn giữ ý nghĩa của nó qua từng năm tháng.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) đã gắn bó với nghề làm đèn ông sao truyền thống suốt nhiều năm, trong đó, 23 năm là nghệ nhân trưng bày gian hàng đồ chơi Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Niềm say mê bất tận với nghề thủ công cùng mong muốn “thắp sáng” mỗi dịp Trung thu của trẻ thơ là lý do giữ bà ở lại với công việc.
Một lòng tâm huyết với nghề
Đèn ông sao không những thể hiện khát vọng hòa bình, thịnh vượng của dân tộc mà còn là nguồn ánh sáng rực rỡ, soi sáng tuổi thơ con trẻ. Với ý nghĩa ấy, nữ nghệ nhân luôn trau chuốt, tỉ mẩn từng công đoạn để cho ra thành phẩm hoàn chỉnh nhất, đem đúng thông điệp ấy đến với mọi người: “Những chiếc đèn ông sao mà chính tay tôi làm đặc biệt khác hẳn so với những chiếc đèn khác được làm và bán ở ngoài thị trường bởi chiếc đèn được tôi làm vô cùng tỉ mỉ, chắc chắn từng công đoạn”.
Trong suốt nhiều năm gắn bó với nghề làm đèn ông sao, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã không ngừng truyền lửa đam mê vào từng chiếc đèn thủ công truyền thống. Với bà, làm đèn ông sao không chỉ là nghề mà còn là sứ mệnh phải giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Từ đôi tay khéo léo, mỗi chiếc đèn được làm vô cùng công phu, những thanh tre được chọn lựa kỹ càng, giấy bóng kính và dây thép phải được uốn nắn mềm mại.
Dù quá trình làm đèn đòi hỏi phải tỉ mỉ đến từng chi tiết, từ khâu chẻ tre, uốn khung đèn đến dán giấy, bà Tuyến vẫn luôn chăm chút, cẩn thận làm ra sản phẩm với tất cả tình yêu nghề và sự kiên nhẫn. Mỗi chiếc đèn là một tác phẩm nghệ thuật truyền thống mang đậm sắc màu ngày Tết đoàn viên.
Giữ lấy văn hóa dân gian
Không phải sản phẩm có thể bán quanh năm, vì vậy nghề làm đèn ông sao không phải là nghề tạo ra thu nhập chính của bà và gia đình. Với giá khoảng 40.000 đến 50.000 một chiếc với lượng người mua chủ yếu chỉ tập trung vào dịp lễ Trung thu, bà Tuyến xúc động trải lòng: “Khi chúng tôi làm ra những chiếc đèn thì mất khá nhiều thời gian, phải cẩn thận ở từng công đoạn, dù vậy lợi nhuận lại chẳng đáng là bao. Cũng vì lý do đó mà nhiều người không còn theo nghề”.
Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình sáng tạo ra những món đồ chơi hợp thời, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn kiên trì, không ngừng làm mới mẫu mã sản phẩm của mình mỗi năm. Bà luôn mong muốn làm ra được những chiếc đèn phong phú, mới mẻ để tạo sự thu hút, mang đến niềm vui và sự hứng thú cho trẻ.
Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập ngày nay, khi thị trường tràn ngập các loại đồ chơi nhập ngoại hiện đại và bắt mắt, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn miệt mài làm ra những chiếc đèn ông sao truyền thống. Với sự sáng tạo và tâm huyết, bà không ngừng sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên hồn cốt của nét văn hóa dân tộc. Đối với bà, việc làm đèn ông sao là một cách để thể hiện mong muốn nghề truyền thống sẽ luôn trường tồn theo thời gian. Người nghệ nhân ấy không chỉ mong muốn giữ lửa văn hóa truyền thống, mà còn hy vọng rằng những giá trị này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, văn hóa dân gian sẽ không bị mai một giữa làn sóng hội nhập và hiện đại hóa.