Phẩm chất nghề nghiệp báo chí truyền thông trong kỷ nguyên số
(Sóng trẻ) - Đây là vấn đề được quan tâm đối với những ai đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, bởi làm báo là tiên phong, đi đầu trong công tác tư tưởng, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, văn minh tới toàn xã hội. Vậy người làm báo cần có phẩm chất nghề nghiệp như thế nào khi kỷ nguyên số đang bùng nổ?
Nhằm giải đáp vấn đề trên, sáng ngày 29/10 Viện Báo Chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tổ chức hội thảo khoa học sinh viên với chủ đề: "Phẩm chất nghề nghiệp báo chí truyền thông trong kỷ nguyên số".
Với sự góp mặt của PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng (Viện trưởng Viện Báo chí), Nhà báo Phan Đăng (Báo Công an nhân dân), Nhà báo Bùi Lan Anh (Truyền hình kỹ thuật số VTC),... buổi hội thảo mang đến cho các bạn sinh viên kiến thức cơ bản xoay quanh các vấn đề về phẩm chất, năng lực một nhà báo, nhà truyền thông cần có.
Nhà báo Phan Đăng (nài cùng bên trái), PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí (thứ hai từ trái sang), Nhà báo Bùi Lan Anh (nài cùng bên phải). Nguồn: CLB Báo chí Truyền thông.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng: “Đối với nhà báo, nhà truyền thông chuyên nghiệp thì phẩm chất và năng lực là hai yếu tố quan trọng. Hai yếu tố này có mối liên hệ mật thiết với nhau, phẩm chất có tốt đến mấy mà năng lực kém cũng không thể là một nhà báo chân chính và ngược lại, nhất là trong kỷ nguyên số”.
Kỷ nguyên số là cách nói ngắn gọn của thuật ngữ “Kỷ nguyên kỹ thuật số”. Nó biểu hiện giai đoạn đột phá trong lịch sử phát triển của nhân loại, sự chuyển đổi từ nền công nghiệp truyền thống sang nền công nghiệp dựa vào tin học hóa, số hóa trên nền tảng Internet, công nghệ 4.0.
Kỷ nguyên số với những thành tựu cách mạng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin được tác động đa chiều, mạnh mẽ tới hoạt động truyền thông nói chung, hoạt động báo chí nói riêng bởi những khía cạnh: Nó là sự phát triển vượt bậc về công nghệ truyền thông, làm thay đổi diện mạo của các loại hình báo chí truyền thống. Những loại hình báo chí truyền thông mới mẻ như: “Phát thanh – Truyền hình kỹ thuật số”, “Báo chí đa nền tảng”,... đã mang đến cho các cơ quan báo chí, các nhà báo, công chúng những cái nhìn đa chiều, tính thời sự nhanh chóng.
Trong kỷ nguyên số, Internet hỗ trợ kết nối vạn vật với số lượng lớn, giúp các cơ quan báo chí có cơ hội thu thập dữ liệu, xử lý thông tin 24/7. Công nghệ truyền thông hiện đại không chỉ góp phần thay đổi nội dung truyền thông mà còn định nghĩa lại nhà báo là ai.
Bước sang thời đại mới, trở thành nhà báo đa kỹ năng là tất yếu. Với sự hiện diện nhiều bản sắc của báo chí tự động, nhà báo phải biết tạo ra những bài báo đa phương tiện và tạo lập được những siêu văn bản. Nền tảng phân phối tin tức đang ngày càng mở rộng: Phát thanh, truyền hình, báo in,... đang trong cuộc đua mở rộng thiết bị đầu cuối. Điện thoại thông minh, máy tính bảng,...đều trở thành những thiết bị sản xuất, thu nhận thông tin.
Chính vì vậy nhà báo cần nâng cao kỹ năng tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, nhanh chóng thích nghi với các loại hình báo chí để mang nguồn thông tin đến công chúng một cách linh hoạt và chính xác.
Với những sự biến đổi mới mẻ này, sinh viên chuyên ngành báo chí truyền thông hiện nay đang đứng trước nhiều cơ hội, bên cạnh đó cũng không ít thách thức để hòa nhập và thích ứng.
Nhà báo Phan Đăng giao lưu cùng các bạn sinh viên trong buổi hội thảo
Nguồn: CLB Báo chí Truyền thông.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, Nhà báo Phan Đăng cho rằng: “Đối với các bạn sinh viên chuyên ngành báo chí, việc học cách đưa tin, làm đề tài phóng sự là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên vấn đề mang tính chất nền tảng chính là phông nền về văn hóa, năng lực tư duy logic mà những môn khoa học nền tảng như triết học mang lại. Sau này khi tham gia tác nghiệp, chúng ta sẽ nhìn ra tính cốt lõi của vấn đề để truyền đạt lại cho công chúng”.
Nói về nguồn tin và tương tác với nguồn tin trong kỷ nguyên truyền thông số, Nhà báo Bùi Lan Anh nhấn mạnh: “Phải xây dựng mối quan hệ, liên tục kết nối vì xây dựng mối quan hệ là gia tài của người làm báo”. Bên cạnh đó, nhà báo còn khuyên các bạn sinh viên cần phải tăng cường kiến thức xã hội và kiến thức nền để phân biệt tin giả và tin thật khi làm báo.
Nhà báo Bùi Lan Anh chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm báo
Sinh viên Nguyễn Nam Anh, lớp Báo in K36A2 chia sẻ đối với sinh viên ngành báo chí truyền thông, đạo đức nghề nghiệp báo chí là vô cùng cần thiết và quan trọng. Đạo đức báo chí được thể hiện trong việc tuân thủ tiêu chuẩn và những nguyên tắc nghề nghiệp, những phạm trù, nhận thức, lập trường, tư tưởng, thế giới quan được xem như những yếu tố có tính nguyên tắc. Nghĩa vụ, trách nhiệm, lương tâm, danh dự, lòng tự trọng, tính trung thực, khách quan được xem là tiêu chuẩn đạo đức trong tác nghiệp của nghề làm báo.
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền có câu hỏi giao lưu với các khách mời
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, khách mời, sinh viên cũng đưa ra những câu hỏi tranh luận về những thắc mắc đối với phẩm chất của người làm báo. Thông qua hội thảo, hai vị khách mời đã chia sẻ những kinh nghiệm, câu chuyện của mình trong nghề để giúp đỡ các bạn sinh viên trong quá trình học tập và theo đuổi nghề nghiệp báo chí truyền thông trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay.
Lan Vy
Cùng chuyên mục
Bình luận