Phạm Nguyệt Nga (Co – Founder GLVN): “Với tôi, mọi thứ đều phải đánh đổi”

(Sóng Trẻ) - Mỗi người đều có những đam mê, những ước mơ của riêng mình và đối với Phạm Nguyệt Nga (Co – Founder của Green Lady Việt Nam), cô gái này có niềm đam mê đặc biệt với các hoạt động xã hội về môi trường, mang trong mình những hoài bão, ước muốn về một môi trường  “sống xanh”

Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ vào một ngày se lạnh cuối tháng 11 của mùa đông Hà Nội, trong một quán trà yên bình nằm trên con phố đông đúc, tấp nập. Vừa giới thiệu chiếc cốc giấy và ống hút làm từ cỏ bàng của quán trà, chị Phạm Nguyệt Nga vừa đùa rằng: “Tôi đã từng đi xem bói chỉ vì quá yêu các hoạt động xã hội”. Câu nói đùa vui ấy như lời mở đầu cho câu chuyện về chị. 

Green Lady Việt Nam 

“Mỗi sản phẩm băng vệ sinh vải đều gắn liền với người phụ nữ. Chúng tôi mong muốn, hy vọng mỗi người phụ nữ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng sản phẩm này”. Chị Phạm Nguyệt Nga đã có những chia sẻ đầu tiên về ý nghĩa của cái tên “Green Lady Việt Nam” sau khi được hỏi về lý do khiến dự án của chị quyết định đặt tên như vậy. 

Tiếp đó, chị bắt đầu kể về câu chuyện tạo ra những chiếc băng vệ sinh bằng vải. Chị kể về giai đoạn đầu, dự án của chị nhập khẩu sản phẩm từ Ấn Độ về Việt Nam vì băng vệ sinh vải bên ấy đã được kiểm chứng về nguyên liệu, đặc biệt là khi mua một băng vệ sinh vải thì đồng nghĩa sẽ có một em gái Ấn Độ nhận được một băng vệ sinh vải tương tự. Chị tâm sự: “Tôi thấy thông điệp đó thật tuyệt vời. Nhưng sau một thời gian, chúng tôi nghĩ về việc mình cần làm ra một sản phẩm băng vệ sinh vải của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi quyết định chuyển sang tự sản xuất thay vì nhập khẩu để bán cho các khách hàng có nhu cầu mua nó”. 

18578e0d8_phan_giu_cho_van_ban.png
Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn vốn dĩ thường cách xa nhau nên mọi thứ đều không hề dễ dàng. Chị Nguyệt Nga chia sẻ rằng: “Chúng tôi thử nghiệm trên nhiều loại để tìm kiếm ra một chất liệu phù hợp nhất với người phụ nữ. Nhưng cho đến giờ nó vẫn là bài toán chưa hoàn thiện vì chúng tôi chưa thực sự hài lòng tuyệt đối với chất liệu hiện tại”. Cứ ngỡ đây đã là công đoạn vất vả nhất nhưng không phải vậy, bên cạnh sự khó khăn về tìm nguyên liệu, đó còn là việc tìm kiếm bên may băng vệ sinh vải. “Việc may băng vệ sinh vải cũng rất khó vì giá thành thấp mà phải tỉ mỉ, cẩn thận. Vì chỉ cần đường may không chuẩn có thể dẫn tới lúc giặt bị bung chỉ. Thế nên, tìm được một hàng đồng ý may đã khó, song may tỉ mỉ còn khó hơn rất nhiều”. 

Qua lời chia sẻ của chị Phạm Nguyệt Nga, có lẽ nếu khó khăn trong quá trình sản xuất là một thì khó khăn mà cả dự án phải đối mặt lớn hơn gấp nhiều lần. “Lúc ban đầu, chúng tôi rơi vào tình trạng thiếu nhân sự và không biết phải làm gì? Phải bắt đầu từ đâu? Liệu những sản phẩm ấy có mang lại kết quả nào đó hay không?”. Chị cũng nói thêm rằng: “Còn ở giai đoạn sau, khi tự sản xuất, ấy lại là nỗi lo lắng về việc sản phẩm của mình có khiến khách hàng hài lòng không? Những sản phẩm mình làm đã đủ tốt để người mua bỏ tiền ra cảm thấy xứng đáng hay chưa?”. Câu chuyện kể về chặng đường nhiều khó khăn mà “đứa con tinh thần” do cô gái Phạm Nguyệt Nga cùng người khác sáng lập trải qua, đã được khép lại bằng chia sẻ chứa đựng niềm vui, cùng những hy vọng của người con gái này: “Đến bây giờ chúng tôi đã định hình được hướng đi cho Green Lady Việt Nam. Dự định sắp tới của chúng tôi sẽ là tiếp tục hoàn thiện sản phẩm băng vệ sinh vải với chất lượng tốt nhất có thể và sau đó  hướng tới tự sản xuất các sản phẩm khác như: bỉm giấy của trẻ em, quần mặc trong của người phụ nữ với chất liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc rõ ràng”  

71b0af600_chi_nga_1_.png
Với những gì mà cô gái 9x Phạm Nguyệt Nga cùng mọi người trong dự án đã cố gắng trong 2 năm qua kể từ khi Green Lady Việt Nam thành lập, thì “trái ngọt” ấy chính là Green Lady Việt Nam đã tạo ra được sản phẩm băng vệ sinh vải của Việt Nam, không chỉ dành cho những người phụ nữ muốn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường mà đó còn là những người bị dị ứng với băng vệ sinh thông thường. Green Lady Việt Nam đã làm được, đã thành công và đã nhận được sự tin tưởng nhất định từ khách hàng. Nhìn lại hành trình của mình cùng dự án, chị Phạm Nguyệt Nga tự hào nói rằng: “Bản thân tôi cảm thấy thực sự tự hào vì chúng tôi tạo ra được một sản phẩm phù hợp nhất cho người phụ nữ với sự cải tiến hơn sản phẩm của Ấn Độ khi một khe ở cánh băng có thể rút lõi. Bên cạnh đó, tôi cũng tự hào vì dù dự án dù thường hay gặp tình trạng thiếu người nhưng những ai đã đến với dự án, đã ở lại với Green Lady Việt Nam, đều là các bạn luôn muốn hoàn thiện bản thân, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nên chúng tôi giống như một gia đình lớn vậy” (cười) 

“Với tôi, mọi thứ đều phải đánh đổi” 

Như để khẳng định niềm tin cùng ước mơ của bản thân về một môi trường “sống xanh”, chị tâm sự: “Tôi nghĩ “sống xanh” sẽ là một lối sống bền vững chứ không chỉ mang tính xu hướng nhất thời vì mọi người đã gặp quá nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ. Do đó các sản phẩm sống xanh sẽ ngày càng phổ biến hơn với giá trị thiết thực, lâu dài nó mang lại”. Ánh mắt đầy hy vọng cùng cách chị nói đủ khiến người khác cảm nhận được rằng, những lời cô gái này chia sẻ, chắc chắn cô ấy sẽ cố gắng làm, và sẽ làm được, bắt đầu từ sản phẩm băng vệ sinh vải dành cho người phụ nữ Việt Nam. 

Tuổi trẻ, thanh xuân, mỗi người sẽ có những sự lựa chọn, hoài bão của riêng mình. Có người dành tâm huyết để học tập, có người lại dành thời gian để làm việc, để đi du lịch. Nhưng đối với cô nàng Phạm Nguyệt Nga, người con gái này lại dành phần lớn thanh xuân, thời gian khi mình đang còn trẻ để làm các hoạt động xã hội, để sống cho cộng đồng. Trước khi trở thành Co – Founder của Green Lady Việt Nam, cô đã là thành viên ban điều hành của dự án Green. Ngay từ những năm tháng đại học cho đến tận bây giờ, cô nàng vẫn luôn “cố gắng cân bằng” giữa vừa tham gia hoạt động xã hội, vừa đi làm và dành thời gian cho cuộc sống riêng của mình. “Nếu lựa chọn giữa một công việc có mức thu nhập ổn định với một công việc về hoạt động xã hội không có thu nhập nhưng lại giúp ích được cho cộng đồng, tôi sẽ chọn cả hai và tôi đã đang chọn cả hai. Công việc bên nài sẽ giúp mình trau dồi thêm nhiều kĩ năng, kiến thức cho các hoạt động xã hội mà mình tham gia”, chị Phạm Nguyệt Nga chia sẻ. 

Chị cũng nói: “Cuộc đời sẽ thật nhàm chán nếu không hoạt động xã hội. Nhưng nếu mình luôn bất an về vấn đề tài chính thì mình sẽ không có tâm trí để dành cho việc hoạt động xã hội nên cách duy nhất là học cách cân bằng cả hai” 

18578e0d8_youre_invited_to_an_1_copy.png

Ấy thế nhưng, để cân bằng được cả hai, cô gái ấy đôi khi phải chấp nhận đánh đổi cuộc sống cá nhân và những giây phút ở bên cạnh người thân yêu. “Có nhiều lúc, cả tuần không về nhà ăn cơm cùng ba mẹ, đi từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Hết giờ làm ở công ty thì cũng là khoảng thời gian tôi dành cho các hoạt động xã hội nên thường một ngày sẽ kết thúc vào buổi tối”. Dù bận rộn là thế, dù phải đánh đổi là vậy, nhưng chị vẫn vui vẻ khẳng định: “Tất cả mọi thứ đều phải đánh đổi. Nếu đó là việc mình muốn làm thì chắc chắn mình sẽ tìm ra cách để cân bằng” 

Khi được hỏi về việc chị thấy sao khi nhiều bạn trẻ hiện đại có thể sẵn sàng bỏ tiền ra mua những chiếc áo hàng hiệu hay chiếc iphone X với số tiền hàng chục triệu đồng song lại ngại ngần bỏ tiền mua một cuốn sách hay, một món đồ thân thiện với môi trường, chị chia sẻ rằng, đó là lựa chọn của mỗi người nên mình cần tôn trọng sự khác biệt. Tuy nhiên, nhìn theo một khía cạnh khác, đây cũng là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội. “Đến một thời điểm nào đấy, khi nhận được những tác động tích cực bởi người xung quanh cùng sự nhận thức của bản thân, đó sẽ là lúc các bạn tự giác cân nhắc và chuyển đổi lối sống” 

Nếu có những bạn trẻ hiện đại với tư tưởng “hưởng thụ”, sẵn sàng nhận nhưng ngại cho đi, thì cũng có cả những người trẻ dành trọn vẹn quãng thời gian tuổi trẻ để cống hiến cho cộng đồng với ước mơ, hy vọng không chỉ dành riêng cho bản thân, như cách mà cô gái Phạm Nguyệt Nga (Co – Founder Green Lady Việt Nam), đã sống những tháng ngày tuổi trẻ, thanh xuân của cuộc đời mình. 

18578e0d8_our_yearly_spring_sale_copy.png


 Hà Linh 
Green Lady Việt Nam được thành lập vào năm 2016 sau khi chị Bùi Minh Ngọc tham dự một cuộc tập huấn bên Thái Lan. 
Đó là lần đầu tiên chị tiếp xúc với băng vệ sinh vải. 
Với mục đích muốn chia sẻ tới người phụ nữ Việt Nam, chị Bùi Minh Ngọc đã kết hợp cùng chị Phạm Nguyệt Nga để sáng lập ra dự án Green Lady Việt Nam. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN