(Sóng trẻ) - Ngày 31/12/2022, “Phiên chợ vùng cao ngày Tết” khai mạc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) với đa dạng hoạt động trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật thu hút khách du lịch.
Từ 8h sáng, nhiều người đã có mặt tại Làng Văn hóa để tham dự phiên chợ Tết. (Ảnh: Ngọc Anh).Người dân được trải nghiệm những trò chơi truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số như: ném pao, đi cà kheo, múa sạp, đánh đu, cầu bập bênh,... Đây là những hoạt động diễn ra trong ngày Tết hoặc dịp lễ hội, vừa để giải tỏa áp lực trong cuộc sống, vừa là sợi dây gắn kết cộng đồng. (Ảnh: Ngọc Anh).Du khách đang chiêm ngưỡng nghệ thuật múa khèn của người Mông - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận năm 2015. Nghệ nhân múa khèn với những bước nhún, bước đảo, bước xoay hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên mặt đất tạo thành vũ đạo đẹp mắt. Với người Mông, thổi khèn không chỉ để trổ tài trong ngày hội Xuân mà còn thay lời tâm tình, thủ thỉ cùng người yêu. (Ảnh: Ngọc Anh).Nhắc đến chợ phiên không thể không kể đến ẩm thực. Chợ phiên ngày Tết bày bán nhiều đặc sản của các dân tộc miền núi phía Bắc (Tày, Nùng, Dao, Mông, Thái,...) với những món ăn hiếm thấy ở thủ đô như bánh chưng gù, bánh ngải, thắng cố, mèn mén, rượu ngô, xôi ngũ sắc, cơm lam,.... (Ảnh: Ngọc Anh).Cô Nguyễn Chiến (dân tộc Tày, sinh sống tại Làng Văn hóa) chia sẻ: “Vào chiều tối, mọi người thường tụ họp gói bánh ngải, bánh chưng gù để hôm sau có sẵn bánh mới đãi thực khách”. (Ảnh: Ngọc Anh).Bạn Hoàng Vân Khánh (sinh viên ngành Du lịch, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ sự vui vẻ khi được hòa mình vào không khí mùa xuân tại chợ phiên. Khánh tâm sự thêm: “Bản thân mình là người Tày nên khi đến với những gian hàng của dân tộc Tày, mình cảm thấy như được trở về nhà vậy”. (Ảnh: Ngọc Anh).Bên cạnh những hoạt động trong phiên chợ, khách tham quan còn có cơ hội thưởng thức các tiết mục đặc sắc trong chương trình “Chào Xuân 2023” của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Chương trình mở màn với nhiều trò chơi hoạt náo đem lại tiếng cười cho người xem. (Ảnh: Ngọc Anh).
Tại đây, các nghệ sĩ đem đến phần trình diễn “Lung linh khổng tước” - tiết mục giành nhiều giải quán quân ở các cuộc thi múa rối trong và ngoài nước, để thay lời chúc may mắn đầu năm gửi tới khán giả (xuất phát từ niềm tin dân gian hễ ai thấy chim công xòe đuôi thì người ấy sẽ gặp nhiều may mắn). (Ảnh: Ngọc Anh).
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi bảo tồn, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em và hiện có 12 dân tộc đang sinh hoạt cố định hằng ngày như Tày, Nùng, Dao, Thái, Khmer, Ê đê,... “Phiên chợ vùng cao ngày Tết” nằm trong chuỗi hoạt động chào xuân của Làng, được tổ chức từ ngày 31/12/2022 đến hết ngày 2/1/2023, hứa hẹn trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách dịp đầu năm mới.
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.