Phóng sự: Phú Thượng - Nơi còn in hằn dấu chân Bác

(Sóng trẻ) - Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An thuộc thôn Phú Gia, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội hiện nay vẫn được ông Công Ngọc Dũng gìn giữ và tuyên truyền những giá trị tốt đẹp về Bác Hồ.

Cuối tháng 8 năm 1945, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội để hoàn thiện bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Ít ai biết rằng nơi đặt chân đầu tiên của Bác khi về đến Hà Nội là một căn nhà nhỏ ven sông Hồng thuộc thôn Phú Gia, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội hiện nay vẫn được ông Công Ngọc Dũng gìn giữ và tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của lịch sử nước nhà.

Ông Công Ngọc Dũng - người gìn giữ di tích lưu niệm Bác Hồ ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội
Ông Công Ngọc Dũng - người gìn giữ di tích lưu niệm Bác Hồ ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội

Suốt 20 năm qua, ngôi nhà nhỏ tại Phú Gia luôn được ông Công Ngọc Dũng cần mẫn trông coi và chăm sóc. Với ông, căn nhà không chỉ là nơi ông sinh ra và lớn lên cùng những truyền thống lịch sử của gia đình mà còn là nơi để những truyền thống thiêng liêng ấy được tiếp nối cho những thế hệ sau của gia đình. Có người nói: Ông Dũng là người hồi sinh di tích này.

Niềm tự hào của gia đình

Những ngày giữa tháng 5, cả nước hướng về lễ kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm về ngôi nhà ven sông Hồ của cụ Nguyễn Thị An để lắng nghe những câu chuyện về Bác Hồ trong thời gian Bác từ Việt Bắc trở về Hà Nội. Nơi đây không chỉ chứa đựng những kỷ vật, tài liệu quý giá năm xưa mà vẫn còn những câu chuyện “sống” về Bác Hồ qua lời kể chân thật của ông Công Ngọc Dũng (chắt nội cụ Nguyễn Thị An).

Vào năm 1945, ngôi nhà từng là nơi trú ẩn, liên lạc, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các cán bộ hoạt động cách mạng. Trong suốt khoảng thời gian đó, ngôi nhà không để lộ bí mật, không làm mất tài liệu và chu cấp đầy đủ theo khả năng cho các đoàn cán bộ. Chính bởi vị trí kín đáo, nằm trong vùng an toàn nên đồng chí Hoàng Tùng – cán bộ cách mạng hoạt động ở xã Phú Thương bấy giờ - đã chọn làm điểm dừng chân của Bác Hồ trong ba ngày người từ chiến khu Việt Bắc về thủ đô Hà Nội.

Qua thời gian, những câu chuyện về Bác Hồ được bà nội và cha kể cho nghe, ông Công Ngọc Dũng vẫn khắc ghi từng chi tiết như đã được thấm vào tim, vào máu. Ông chia sẻ: “Chiều 28/8/1945, một đoàn cán bộ khoảng 10 từ chiến khu Việt Bắc về, gia đình không được báo trước, chỉ biết như các đoàn cán bộ khác từng đến đây ở. Tuy nhiên hôm đó, ông Kha thấy đoàn này trang nghiêm, đi lặng lẽ hơn, trong đó có một ông cụ khác mọi người, thân hình gầy, yếu như mới qua một trận ốm sốt rét. Theo như lời bố tôi (tức ông Công Ngọc Kha) kể lại, cụ làm việc chăm chỉ, không ăn được cơm, chỉ ăn cháo, đánh máy rất khuya, sáng dậy sớm tập thể dục sau đó lại vào ngồi đánh máy. Tuy bận rộn như vậy nhưng ông cụ vẫn dành thời gian dạy chị tôi tập hát, tập đếm và rèn luyện sức khỏe".

Ngôi nhà được tu sửa và gìn giữ nguyên vẹn, hệt như lúc Bác nghỉ chân tại đây
Ngôi nhà được tu sửa và gìn giữ nguyên vẹn, hệt như lúc Bác nghỉ chân tại đây

Ông Dũng nói tiếp, chiều 25/8 trước khi ra về ông cụ có chào tạm biệt những người trong gia đình cụ Nguyễn Thị An. Ông cụ nói cảm ơn gia đình vì đã chăm lo, giúp đỡ đoàn cán bộ và hẹn một ngày nào đó trở lại. Tới 2/9/1945, mọi người khi đi Mít tinh thấy ông cụ trên khán đài ngờ ngợ như từng ở nhà mình. Sau này, khi trở về, đồng chí Hoàng Tùng mới thông báo cho gia đình biết ông cụ đó chính là Bác Hồ. Lúc đó mọi người mới vỡ òa, niềm vui, niềm hân hoan của ngày Độc lập được nhân lên gấp bội.

Những kỷ vật trong ngôi nhà đều được chứng kiến các dấu mốc lịch sử quan trọng. Trong đó, sự kiện lần thứ hai Bác Hồ trở về thăm nhà cụ An vào sáng ngày 24/22/1946 theo đúng lời hứa trước đây được thực hiện. Lúc này, bộ trường kỷ (bộ bàn ghế dài) là nơi Bác và đoàn cán bộ nói chuyện với gia đình ông Kha. Khi thấy cụ Trường chuẩn bị hành lễ thì Bác Hồ đi rất nhanh ra nói rằng: “Không không, bây giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em cả, không còn như chế độ thực dân trước đây nữa.”

Bộ trường kỷ nơi Bác Hồ và đoàn cán bộ ngồi làm việc
Bộ trường kỷ nơi Bác Hồ và đoàn cán bộ ngồi làm việc

Buổi chiều Chủ tịch Hồ Chí cho mời các đồng chí cán bộ xã Phú thượng về gặp mặt, trao đổi các vấn đề cách mạng. Bác cùng cụ Trường vào nhà trò chuyện, Bác hỏi:
- Giặc Pháp chuẩn bị đánh ta, các cụ thấy thế nào?
- Thằng Pháp có tàu bay, xe sắt to lắm! Cụ Trường đáp.
- Giặc Pháp có tàu bay, xe thiết giáp, ta cũng không sợ mà ta chỉ cần có lòng dân, quyết tâm đánh giặc. Bác nói.

Tấm lòng cống hiến cao cả

Hơn hai mươi năm qua, ông Công Ngọc Dũng (Phường Phú Thượng, quận Từ Liêm, Hà Nội) đã dốc sức trông coi ngôi nhà, đây cũng là nơi lưu giữ truyền thống cách mạng gia đình cũng như chứng kiến dấu mốc quan trọng về sự kiện Bác Hồ chuẩn bị cho ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập. Tại ngôi nhà này, ngoài việc gìn giữ, sưu tầm các kỷ vật, ông Dũng còn trực tiếp hướng dẫn, giới thiệu lịch sử ngôi nhà gần 100 năm cho các đoàn khách đến tham quan.

Năm 1990, ông Công Ngọc Dũng được tiếp quản ngôi nhà, đây cũng là thời điểm đất nước có nhiều đổi thay, giá đất tăng cao, nhiều gia đình từ làm nông nghiệp đã trở thành triệu phú nhờ bán đất. Ngôi nhà này giữ lại được như bây giờ đã làm đổ vỡ đi rất nhiều tình cảm ruột thịt. Cá nhân ông Dũng cũng bị suy sụp cả về thể lực lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, bằng mọi giá, ông đã kiên quyết đất tranh giữ ngôi nhà và sẵn sàng hiến tặng cho nhà nước để làm di tích lịch sử về Bác Hồ. Ông nói: “Có chật thì ở chật, rộng thì ở rộng, riêng ngôi nhà này phải để làm chỗ thờ Bác.”

Ông Dũng trực tiếp chia sẻ về câu chuyện lịch sử cho khách tham quan
Ông Dũng trực tiếp chia sẻ về câu chuyện lịch sử cho khách tham quan

Trước đây khi ngôi nhà chưa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, ông Dũng vẫn tìm mọi cách để giữ gìn các kỉ vật, liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để xem xét giữ ngôi nhà. Thậm chí, có những khi mối ăn hỏng hết gian nhà nhưng gia đình vẫn tự nguyện bỏ cả trăm triệu đồng để cải tạo gian trưng bày. Ông Dũng nhấn mạnh có ba điều mà ông không thể dứt ra được, ăn sâu vào trong tim, trong máu: Thứ nhất, giữ gìn tài sản cha ông để lại, không bị thất lạc, không bị mất đi. Thứ hai, giữ lại một nơi giáo dục truyền thống Cách Mạng cho thế hệ mai sau. Thứ ba, đây là nơi lưu niệm sự kiện trọng đại mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại, ngày là đất nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh.

Cho đến khi ngôi nhà được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, thời gian đầu, ông Công Ngọc Dũng chỉ được trông nom, quét ngôi nhà, việc giới thiệu di tích do người của Sở Văn hóa-Thông tin TP Hà Nội (trước đây) đảm trách. Tuy nhiên, hướng dẫn viên về đây nhưng chưa thực sự am hiểu, không hiểu hết về cốt truyện của ngôi nhà này mà chỉ nói theo sách vở ở đâu đó không chính xác. Do đó, Sở Văn hóa-Thông tin TP Hà Nội quyết định giao lại cho gia đình ông Công Ngọc Dũng trông nom, quét dọn và tiếp khách, giới thiệu về ngôi nhà. Gần 20 năm (từ 1997 đến 2015), ông Dũng làm việc này mà không có hỗ trợ gì. Đến năm 2015, kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tuyên dương vì đã có công bảo tồn, phát huy di tích cách mạng tại Phú Thượng.

Mọi hiện vật trong ngôi nhà đều được ông Dũng gìn giữ, nâng niu
Mọi hiện vật trong ngôi nhà đều được ông Dũng gìn giữ, nâng niu

Về việc gìn giữ di tích lịch sử, ông Dũng không chỉ đứng ra chuẩn bị, chăm nom, quản lý ngôi nhà mà còn kêu gọi cả gia đình, vợ con cùng tay góp sức. Mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày Bác về thăm hay di tích tổ chức sự kiện lớn, cả đại gia đình, từ các bác, cô, chú, anh, chị, em trong nhà ông Dũng đều xắn tay vào làm việc. Điều cảm động là trong cả quá trình đi tặng nhà, vợ ông Dũng luôn sát cánh, ủng hộ chồng.

Về sau này, ông Dũng mong muốn rằng các con, các cháu mình ngoài việc làm ăn ra thì cũng dành một khoảng thời gian, một góc trong đầu về di tích này. Hằng ngày, các con giúp ông Dũng quét dọn, sắp xếp, giữ gìn, tiếp đón khách. Hiện nay, tuy vẫn còn chút ngượng nghịu nhưng cả hai con trai của ông Dũng đều có thể hướng dẫn cho du khách và đảm đương hầu hết các công việc tại di tích. Cả hai người đều có tâm huyết với di tích, việc tuyên truyền cứ nối tiếp từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN