Sai sót trong "Điều ước thứ bảy" - câu chuyện về "trái tim nóng" và "cái đầu lạnh"
(Sóng trẻ) - Mọi việc đã qua, biên tập viên Diệp Chi và những người đồng hành chắc hẳn sẽ vẫn tiếp tục trên hành trình đi tìm những ước mơ, xây dựng niềm tin, lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Bài học về nghề không bài học nào giống bài học nào và tất cả đều quý giá.
40 triệu đồng là hình phạt mới nhất mà Đài Truyền hình Việt Nam phải nhận khi đưa thông tin sai sự thật trong chương trình "Điều ước thứ 7" với nội dung về cặp vợ chồng hát rong Nguyễn Như Đào – Nguyễn Nhật Thanh, gây “bão” dư luận. Trước đó, chương trình và ê kíp thực hiện cũng đã phải chịu một hình thức kỷ luật mà với nhiều người trong nghề đó là quá nặng: Chương trình, tổng đạo diễn và biên tập viên phụ trách chính đều bị đình chỉ.
Vấp ngã chứ không phải scandal
Trên mạng xã hội, nhiều người không tiếc lời chỉ trích hàng loạt sai phạm của Đài truyền hình Việt Nam trong thời gian gần đây mà mới nhất là "Điều ước thứ 7" là “nghệ thuật” tạo dựng scandal nhằm gây sự chú ý trước truyền thông và công chúng. Nhiều ý kiến còn nhận định, nó là thủ thuật “câu khách” cũng giống như một số trang tin, báo mạng điện tử giật tít, “câu view”, nhằm tăng lượng truy cập. Tuy nhiên việc nhận định sai sót trong "Điều ước thứ 7" phát sóng 10/1/2015 nhằm mục đích tạo scandal là một nhận định thiếu căn cứ, không đủ cơ sở và không phản ánh đúng tình hình thực tế khách quan.
Sai sót trong Điểu ước thứ 7 là điều không ai mong muốn (Nguổn ảnh: Internet)
"Điều ước thứ 7" là một chương trình nhân văn nhằm tìm kiếm và thực hiện một phần những ước mơ bình dị mà khó thực hiện của nhiều số phận bất hạnh hoặc thiếu may mắn. Đối với nhân vật, đó là hành trình nuôi dưỡng ước mơ, còn với khán giả đó là hành trình khơi dậy tình yêu thương và lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Chương trình trở thành “món ăn tinh thần”, là nguồn cảm hứng của biết bao người trong cuộc sống. Biết bao cảm giác xúc động, biết bao giọt nước mắt đã chảy vì một tình thương, một tình yêu mang tên “tình người”.
Biết bao ánh nhìn đang đổ dồn về Đài truyền hình Việt Nam và ê kíp thực hiện chương trình "Điều ước thứ 7" nhưng mấy ai đã hiểu thấu nỗi lòng của những người làm báo qua câu nói của BTV Diệp Chi, cựu sinh viên chuyên ngành báo mạng điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền “chúng tôi đã đến với câu chuyện này bằng một cái tâm hoàn toàn trong sáng”.
"Điều ước thứ 7" đã đến với công chúng một cách tự nhiên và cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực của mọi đối tượng khán giả. Chương trình đã tồn tại bằng tình yêu của chính khán giả chứ không phải ai khác. Do vậy, việc đưa thông tin không chính xác là một vấp ngã chứ chắc chắn đó không phải là một scandal, càng không phải là do ê kíp cố tình tạo dựng. Đơn giản không ai mang tình yêu để đánh đổi lấy một thứ “tiếng vang” viễn vông, thiển cận mang tên “scandal”.
Trái tim nóng và cái đầu lạnh
Người làm báo cũng như sinh viên báo chí ắt hẳn đều hiểu rằng người làm báo cần sáng tạo tác phẩm bằng “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”. Điều đó có nghĩa tất cả những người làm báo đều cần tỉnh táo và cảnh giác, ngay cả với chính nhân vật của mình. Thế nên, việc ê kíp chương trình "Điều ước thứ 7" mắc sai phạm không phải là thiếu kỹ năng nghiệp vụ vì bằng chứng là chương trình đã thành công gần một năm nay. Nguyên nhân là do ê kíp đã quá tin nhân vật của mình, cũng có thể hiểu vì một “trái tim nóng” mà những người thực hiện đã quên đi một “cái đầu lạnh”. Kết quả là sai phạm đã xảy ra khi những thông tin về nhân vật là không đúng sự thật, và chương trình bị lên án là đã “bịa” ra câu chuyện để lấy nước mắt khán giả.
“Nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ nhưng nửa sự thật thì không còn là sự thật”, sự thật ở đây đã bị chính người trong cuộc là hai nhân vật, tức anh Thanh và chị Đào giấu đi. Ê kíp chương trình không cố che giấu sự thật đó mà đúng ra cũng chỉ là nạn nhân. Khán giả chắc hẳn còn nhớ biên tập viên Diệp Chi đã khóc khi ngồi cạnh chị Đào và nghe anh Thanh biểu diễn trên sân khấu Sao Mai Điểm hẹn. Nhưng vì ê kíp là những người làm báo nên những sai sót đó trở nên khó chấp nhận hơn, và từ vị trí đúng ra là nạn nhân, họ lại phải đưa ra những lời xin lỗi, chịu hình thức kỷ luật, thậm chí còn bị nhiều người chỉ trích.
Không ai đánh thuế ước mơ, không ai có thể ngăn lòng trắc ẩn (Nguồn ảnh: Internet)
Mọi việc đã qua, biên tập viên Diệp Chi và những người đồng hành sẽ vẫn tiếp tục trên hành trình đi tìm những ước mơ, xây dựng niềm tin, lòng trắc ẩn trong mỗi con người. Bài học về nghề không bài học nào giống bài học nào và tất cả đều quý giá. Đứng dậy sau khi ngã bao giờ bước chân cũng vững vàng, chắc chắn hơn. Chỉ mong rằng chương trình và những người thực hiện không bao giờ mất đi sự nhiệt thành và khán giả không bao giờ bỏ qua những yêu thương.
Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận