Săn sale – "Bước ngoặt" mua sắm mùa dịch của giới trẻ
(Sóng Trẻ) – Trong thời gian nghỉ và học trực tuyến tuân thủ giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ chọn cách mua sắm online “siêu rẻ” khi không thể đi chợ theo cách thông thường.
“Mách” nhau mẹo săn sale
Nếu như trước đây, đi chợ hay siêu thị là hoạt động hàng ngày quen thuộc của mọi người. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, để đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch, nhiều nơi hạn chế đi lại, hoạt động mua bán trực tiếp hầu hết chuyển sang trực tuyến thông qua các ứng dụng điện tử.
Với khoản thu nhập ít ỏi từ việc làm bán thời gian, Lý Hương Trà – hiện đang là sinh viên năm 3 tại Hà Nội – luôn “sốt vó” mỗi mùa lễ hội mua sắm online đang đến gần. Trà phải tính toán xem trong ngày hôm đó các thương hiệu mình nhắm tới có ưu đãi gì, giảm sốc hay không rồi nhờ bạn bè đặt giúp. Việc này cũng khá phức tạp, đôi khi xảy ra những sự cố ngoài mong đợi.
Trà được một vài người bạn hướng dẫn tận tay từ cách tải các ứng dụng điện tử ra sao, đăng kí tài khoản nhận ưu đãi và các mẹo để “chốt” được những đơn hàng rẻ nhất. Trà cho biết: “Ngày trước, mua sắm trực tuyến, săn sale là điều khá lạ lẫm với mình. Bình thường, khi muốn mua đồ, mình toàn ra chợ, siêu thị hoặc cửa hàng tạp hoá cho nhanh. Đợt nghỉ dịch dài vừa qua, được bạn bè “mách nước” cách mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử, mình cũng tập tành làm theo và trở thành “con nghiện” lúc nào không hay”.
Nắm bắt được tâm lí của nhiều bạn trẻ cũng như tình hình dịch bệnh, các sàn thương mại điện tử đều tung ra những gói khuyến mại, những chương trình kích cầu mua sắm hấp dẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, những ưu đãi đều có hạn. Để tận hưởng được ưu đãi này, đều phải có các cách mua làm sao cho nhanh nhất mới có thể trả được giá “hời”.
Hoạt động “săn sale” dường như đã trở thành một thói quen khó bỏ của người trẻ. Họ lập ra các hội, nhóm trên các trang mạng xã hội chuyền tay nhau những mẹo mua hàng, áp mã giảm giá hoặc các sự kiện ưu đãi không thể bỏ lỡ của nhiều sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, trước ngày diễn ra sale là các hội nhóm này nhộn nhịp, sôi động hẳn lên bởi đây cũng là lúc bật mí nhiều ưu đãi của các sàn trong ngày sale.
“Mỗi ngày sale là làm con dân một đêm không ngủ. Chưa khi nào mình cảm thấy đêm đến mà tay chân vẫn hoạt động hết công suất, điện thoại, laptop mạng mạnh nhất có thể để chốt đơn kẻo muộn” – Trà nói.
Theo kinh nghiệm của Trà, nắm chắc trong tay mẹo săn sale là chưa đủ. Bởi nhiều mặt hàng hoặc mã giảm giá lớn đều có số lượng ít và lượng người săn rất đông. Việc tham gia vào các cộng đồng chuyên về săn sale sẽ dễ dàng mua hàng hơn nhờ biết trước được mã giảm giá, học hỏi được các bạn khác cách săn hàng.
Trong các hội nhóm này, ngoài hoạt động mua hàng giảm giá còn là nơi để các bạn trẻ khoe các đơn hàng “khủng” sau mỗi đợt sale. “Những đợt sale trước chưa quen tay, chủ yếu mình săn các món rẻ 1 nghìn, 2 nghìn hoặc các mã giảm giá nhỏ. Nhìn mọi người khoe các đơn hàng áp được mã lớn cũng ham, rồi tìm cách làm theo. Hiện tại mình cũng chốt được kha khá đơn giảm sốc. Mình cảm thấy như là “bước ngoặt” mua sắm online thật sự”.
Hoạt động săn sale cũng là một cách thiết thực góp phần tiết kiệm chi phí, an toàn vượt qua giai đoạn khó khăn mùa dịch. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại có cái nhìn khác về câu chuyện săn sale.
Khổ sở vì “săn siêu sale”
“Không phải lần đầu mình săn sale nhưng những lần gần đây mình cảm thấy rất chán nản. Các sàn luôn quảng cáo rầm rộ mà thực tế lại không như vậy. Thức thâu đêm tới 2h sáng không mua được gì, ứng dụng báo lỗi liên tục. Đến lúc vào được thì hết hàng” – Bích Ngọc, sinh viên Hà Nội bức xúc.
Tiết kiệm, giá tốt hay hàng hoá cạnh tranh là ưu điểm không thể phủ nhận của thương mại điện tử. Hình thức mua sắm này đã và đang phổ biến hơn, đặc biệt trong giới trẻ và trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp hạn chế nhiều hoạt động trực tiếp. Tuy nhiên, mua sắm trực tuyến vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro khiến người mua chịu cảnh tiền mất tật mang.
Theo Ngọc, sau khi đặt hàng thành công mới chỉ là bước đầu. Chuyện bị bất ngờ huỷ đơn, đã thanh toán nhưng vẫn trong trạng thái chưa thanh toán thường xuyên xảy ra. Thậm chí nhiều đơn hàng lưu kho rất lâu mới giao tới tay người mua, hàng bị mất hoặc shop gửi hàng giả hàng nhái. Khi khách hàng có khiếu nại, các bên liên quan đều từ chối trách nhiệm, khách đành chịu mọi thiệt hại.
Do đó, nên chọn những trang thương mại điện tử uy tín để có thể mua được những sản phẩm chất lượng tốt, đáng tin cậy. Chỉ mua những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và không mua số lượng lớn cùng thời điểm. Khi mua hàng cần kiểm tra thật kĩ thông tin sản phẩm đăng bán, đọc các đánh giá của những người đã mua về sản phẩm và kiểm tra chất lượng sản phẩm khi nhận hàng. Bên cạnh đó cần phải so sánh giá của sản phẩm trước và sau giảm giá, so sánh giá sản phẩm bán ở các trang khác.
Càng về cuối năm, thị trường mua sắm càng sôi động, các chương trình khuyến mại, giảm giá liên tục được các sàn thương mại điện tử tung ra. Nhưng đó cũng chính là lúc người dùng cần tỉnh táo hơn bao giờ hết để có thể mua sắm thông minh mà không phải vất vả, mệt mỏi hay bị “hớ”.