Sinh viên với bán hàng đa cấp: “Miếng phomat trên chiếc bẫy”
(Sóng trẻ) - Bất chấp những cảnh báo về sự lừa đảo, sức cuốn hút của việc có thể kiếm nhiều tiền một cách dễ dàng đã khiến nhiều bạn sinh viên năm nhất mới lên Hà Nội trọ học lao vào kinh doanh đa cấp. Họ không hề biết rằng thực chất, đó chỉ là một "miếng phomat trên chiếc bẫy chuột".
Kinh doanh đa cấp thực chất là một hình thức bán hàng tiên tiến. Trong hình thức này, công ty sản xuất hoặc phân phối không cần đến quảng cáo hoặc hệ thống bán lẻ nhưng vẫn bán chạy hàng nhờ hệ thống ứng viên bán hàng tham gia một cách tự nguyện và được tổ chức theo một hệ thống chặt chẽ.
Bán hàng đa cấp đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng mười năm nay. Ngay từ khi mới đến Việt Nam, hình thức kinh doanh mới mẻ này đã có nhiều biến tướng, trở thành một trò lừa đảo. Nhiều người vì cả tin đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và cuối cùng thứ nhận được, không phải là tiền bạc, danh vọng mà là những món nợ chồng chất.
Ảnh 1: Sinh viên chăm chú nghe “người thành đạt” tại đa cấp chia sẻ
Nói về vấn đề đa cấp, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, nguyên phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Kinh doanh đa cấp đã và đang gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Đây là hình thức dễ phát triển ở Việt Nam bởi mối quan hệ mạng lưới dễ phát triển nhưng cũng khó quản lí. Mặt khác, ngành nghề kinh doanh theo mạng lưới này ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt với những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm.”
Với sự bùng nổ số lượng các công ty bán hàng đa cấp cùng hệ thống chi nhánh rộng khắp, hàng loạt những công ty lừa đảo trên danh nghĩa đa cấp như Thiên Ngọc Minh Uy, Sinh Lợi, Bảo hiểm nhân thọ, MB24… đã làm biến tướng ngành nghề kinh doanh này.
Ảnh 2: Mô hình bán hàng đa cấp của công ty Thiên Ngọc Minh Uy (theo VTV)
Để thu hút các sinh viên tham gia, các thành viên tuyển dụng khi lên thuyết trình liên tục ca tụng về mô hình kinh doanh năng động, mức lương hấp dẫn, tiền triết khấu hoa hồng mỗi tháng hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Khi các sinh viên được mời, lôi kéo đến tham gia các buổi hội thảo luôn được thổi vào tai những lời nói "có cánh" về mức thu nhập cao ngất.
Bên cạnh đó, hầu hết các công ty bán hàng đa cấp đều có chương trình đào tạo miễn phí như kỹ năng thuyết phục người khác, kỹ năng thuyết trình, làm MC hay tổ chức khóa huấn luyện đặc biệt như khai thác khả năng tiềm ẩn… Nhưng để có được điều đó, sinh viên phải bỏ vốn tiền triệu để mua “giấc mơ làm giàu” mà “trái đắng” nhận lại thì đếm mãi không xuể.
Ảnh 3: Những sản phẩm đa cấp sinh viên“mua về để xó” tiền triệu
Đặc trưng của bán hàng đa cấp là phải lôi kéo thật nhiều người vào đường dây của mình để thành lập nhóm nên hầu hết các bạn đã dùng những gì mình học được để dụ dỗ hoặc lừa người khác cùng tham gia bán hàng đa cấp. Vì “đâm lao thì phải theo lao” nên rất nhiều sinh viên bán hàng đa cấp đã mất đi bạn bè hoặc bị mọi người cảnh giác vì sợ bị lừa. Cũng có nhiều sinh viên sáng suốt, sau một thời gian đã nhận ra sai lầm của mình và kiên quyết từ bỏ. Thiết nghĩ, bỏ ra số tiền từ 1,5 triệu đến chục triệu một cách vô ích để đánh đổi mất cả tình bạn, thời gian, công sức, nhân cách... thì quả là “lỗ” to.
Kinh doanh đa cấp thật sự tốt nhưng khi vào Việt Nam nó đã bị biến tướng. Vì vậy các bạn sinh viên chưa thể là những người hưởng lợi từ nó với vốn sống hạn chế, nghèo mối quan hệ và tiền bạc. Đây thật sự là một môi trường mạo hiểm, phải lăn lộn trải mình, dễ bước vào mà khó rứt ra. Không phải ai cũng đủ khôn nan để lấy được miếng “phomat” béo ngậy trên một “cái bẫy” nguy hiểm.
Ảnh 4: Đa cấp – miếng phomat trên chiếc bẫy
Là những người có học thức và đặc biệt có thể nắm bắt thông tin dễ dàng qua Internet, sinh viên nên nhìn nhận vấn đề, biết phân tích đúng – sai, phải – trái và chọn cho mình một công việc part-time phù hợp. Đừng vì mối lợi ban đầu mà nhắm mắt theo lao. Để rồi quay đầu lại không còn là bờ mà chỉ là biển lớn, vực sâu.
Nguyễn Thùy Trang
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận