Sống lại nghệ thuật xưa với triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Sóng trẻ) - Chiều 18/3, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với họa sĩ Phan Ngọc Khuê, Nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Triển lãm có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; họa sĩ Phan Ngọc Khuê - Nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam; ông Mark Rapoport - Nhà sưu tập cổ vật văn hóa các dân tộc Việt Nam cùng nhiều đại biểu, quan khách khác.
Phát biểu khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, tranh dân gian gặp nhiều thách thức, khó khăn. Chính vì vậy, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện với hy vọng công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng, cảm nhận rõ hơn những nét đẹp về giá trị của dòng tranh nổi tiếng đất Hà thành”.
Sự kiện có sự góp mặt của họa sĩ Phan Ngọc Khuê - Nhà nghiên cứu Nghệ thuật các dân tộc Việt Nam. Ông là người đã lưu giữ, sưu tầm những tác phẩm Tranh dân gian Hàng Trống cho tới ngày hôm nay.
Họa sĩ chia sẻ, mối duyên đưa ông tới sưu tập tranh Hàng Trống tới từ những lần đi đến nhiều nơi trên Tổ quốc. Mục đích nhằm tìm lại những nguồn tranh dân gian từ các hộ gia đình do dòng tranh này thường phổ biến trong nhân dân thời bấy giờ. Theo ông, bản chất tranh được làm bằng giấy và với khí hậu nóng ẩm của nước ta thì rất khó để gìn giữ lâu dài.
Với họa sĩ, mỗi bức tranh đều toát lên nét sinh động, tinh tế, mang ý nghĩa sâu sắc riêng về cả nội dung lẫn hình thức, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo của Việt Nam. "Đây cũng chính là một món quà thân tình, thú chơi tao nhã của người Hà Nội xưa”, họa sĩ chia sẻ thêm.
Đồng hành cùng họa sĩ Ngọc Khuê, chị Phan Phương Ánh - con gái ông cũng tới tham dự Lễ khai mạc triển lãm. Tới sự kiện, chị Phương Ánh cảm thấy vô cùng xúc động khi ngắm nhìn những bức tranh giúp chị nhớ về ký ức thời thơ ấu.
Chiêm ngưỡng những bức tranh tại triển lãm, bà Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam bày tỏ niềm tự hào với dòng tranh dân gian truyền thống: "Với tôi, những bức tranh ấy không chỉ được vẽ dưới chính đôi bàn tay mà còn được họa bởi tâm thức của người Việt với nghệ thuật công phu, màu sắc tự nhiên và bố cục sống động”.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện còn có lễ “Tiếp nhận bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ” từ nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bộ tranh “Chiêu Quân cống Hồ” nằm trong bộ sưu tập tranh được giới thiệu trong triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
"Tôi muốn ‘Tranh dân gian Hàng Trống” nói riêng và những giá trị truyền thống nói chung sẽ mãi bền vững, tỏa sáng không chỉ ở Việt Nam mà còn lan rộng được trên toàn thế giới”, họa sĩ chia sẻ lý do tặng bộ tranh cho bảo tàng.
Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” gồm 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện là những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Điểm nhấn của những bức tranh trong bộ sưu tập Tranh truyện Hàng Trống chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, và đặc biệt kết tinh giá trị nhân văn và bản sắc văn hoá độc đáo của người Kinh kỳ xưa.
Niên đại của các bộ tranh trưng bày tại triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” được nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho rằng có lẽ được sáng tạo từ thế kỷ 19 cho tới trước những năm 1945, đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm.
Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng tham quan từ ngày 18/3 đến hết ngày 31/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.