Sự nguy hại của tin, bài câu khách
(Sóng Trẻ) - Thật nghịch lý khi những chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo bạn đọc thì nhiều tờ báo không đăng. Nhưng những thông tin về “cướp, giết, hiếp”, “cảnh nóng” và “lộ hàng” của “sao” lại được cập nhật liên tục…
Ở nước ta, dù công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được tăng cường, nhưng tình hình tội phạm vẫn gia tăng. Điều khiến dư luận rất lo ngại là tội phạm ngày càng “trẻ hoá” và tính chất phạm tội ngày càng liều lĩnh, man rợ, xuất hiện nhiều “sát thủ máu lạnh”.
Đạo đức, lối sống của giới trẻ cũng tha hoá, xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng học sinh đánh nhau dã man và diễn cảnh “nóng” quay video clip tung lên mạng diễn ra thường xuyên.
Các chuyên gia đã nói nhiều về những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống và sự gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội trong giới trẻ.
Song một nguyên nhân ít được đề cập, đó là xu hướng đưa tin “rẻ tiền” “câu khách”, thiếu trách nhiệm xã hội của không ít cơ quan báo chí.
Hàng ngày đọc báo (trừ một số tờ báo có uy tín), công chúng ít thấy những bài báo phản ánh mặt tích cực, những điển hình tiên tiến sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Nhưng những thông tin tiêu cực lại đầy rẫy trên nhiều ấn phẩm báo chí, nhất là báo điện tử. Từ chuyện “cướp, giết, hiếp” với những tình tiết được miêu tả ly kỳ, kỹ lưỡng, đến chuyện ăn chơi trác táng, “lộ hàng”, đời tư hư hỏng của những “sao” người mẫu, diễn viên… được cập nhật thường xuyên.
Những thông tin thế này xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây
Thông tin về cái tốt bị những thông tin tiêu cực lấn át cả về số lượng và cách đặt tít câu khách, giật gân; nội dung viết chỉ chạy theo thị hiếu tầm thường mà không có sự định hướng...
Thật nguy hại vì khi thường xuyên tiếp xúc với thông tin tiêu cực, nhiều người sẽ bị “chai lỳ” cảm xúc, mất niềm tin vào cuộc sống và động lực phấn đấu. Điều này lý giải vì sao ngày càng nhiều người trẻ có suy nghĩ thực dụng, vô cảm. Không ít thanh thiếu niên đua đòi theo sự “sành điệu” của các “sao”, “sống gấp”, thậm chí sẵn sàng phạm pháp.
Trước tình trạng một số bản báo đưa quá nhiều thông tin “rẻ tiền”, tiêu cực, thời gian qua cơ quan chức năng đã nhiều lần “thổi còi”, nhưng rồi… đâu lại vào đấy, thậm chí ngày càng trầm trọng.
Thật nghịch lý khi những chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo bạn đọc thì nhiều tờ báo không đăng. Nhưng những thông tin về “cướp, giết, hiếp”, “cảnh nóng” và “lộ hàng” của “sao” lại được cập nhật liên tục với cả hình ảnh, cảnh quay và lời miêu tả rất chi tiết, khiến bao người lạc lối.
Nếu không có những chế tài chặt chẽ chấn chỉnh tình trạng báo chí đưa tin kiểu “câu khách rẻ tiền” thì tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam rất đáng lo ngại.
Khảo sát báo điện tử Tin tức 24h (http://24h.com.vn) lúc 21h30 ngày 6-12-2011: Trên trang chủ có 132 tiêu đề tin, bài thì chỉ 37 tiêu đề tin, bài ở mục Ẩm thực, Du lịch, Ô tô-Xe máy, Công nghệ thông tin là ít “giật gân”. Còn hầu hết là tin, bài dạng “hot”, như: “Cháy rừng” với vụ băng sex của sao Hàn; Thương cho đứa con giết nhân tình của mẹ; Người mẫu kiện 40 tỷ vì bị lột trần; Nại tình vỡ lở vì hớ hênh…Toàn trang không có tin thời sự chính trị và gương người tốt, việc tốt nhưng rất nhiều ảnh “nóng”!
Cát Huy Quang
Lớp Báo chí K31B
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận