Sức khỏe tinh thần của giới trẻ (Kỳ 1): Áp lực giáo dục và những vấn đề tâm lý
(Sóng trẻ) - Nhiều người có quan điểm coi trọng về thành tích, điểm số khiến học sinh - sinh viên phải đối diện với sự kỳ vọng quá lớn. Khi những áp lực học tập gia tăng quá mức sẽ gây ra hàng loạt ảnh hướng tiêu cực về sức khỏe, đời sống và làm suy giảm chất lượng học tập.
Trong môi trường học đường, bất kỳ học sinh, sinh viên nào cũng đã từng đối diện với những áp lực học tập ở nhiều mức độ khác nhau. Áp lực thực chất là sự dồn nén của các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, mệt mỏi liên quan đến việc học tập, thi cử. Nhưng đồng thời đây cũng có thể là yếu tố thúc đẩy mỗi cá nhân nỗ lực để vượt qua khó khăn và đạt thành tích cao trong học tập.
Tuy nhiên, áp lực học tập kéo dài sẽ gia tăng nguy cơ hình thành các hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên.
Khủng hoảng tâm lý ở học sinh, sinh viên
L.H.T (18 tuổi, Lạng Sơn) là một “nạn nhân” của áp lực học tập. Được biết T. luôn hoài nghi về sự tồn tại của bản thân trong gia đình. Mặc dù, luôn cố gắng học tập nhưng thứ T. nhận lại từ cha mẹ là sự lạnh nhạt, vô tâm. Cha mẹ em quan trọng điểm số, mang quan điểm nhồi nhét kiến thức, ít quan tâm đến tâm lý, sức khoẻ của con.
Học từ 7h và kết thúc ca cuối lúc 21h nhưng hầu như T. ít được nghỉ ngơi mà thường bị cha mẹ hỏi về điểm số, bài kiểm tra. Nếu điểm số thấp, em sẽ bị mắng nặng nề. Em bị mẹ thu điện thoại vì cho rằng đây là nguyên nhân làm ảnh hưởng việc học tập.
Chia sẻ với PV, T. thường xuyên bị khó thở, cảm thấy mệt mỏi. Có những đêm T. chỉ biết khóc thầm vì mệt, thậm chí tự làm đau bản thân để cảm thấy dễ chịu hơn.
Tương tự, L.N.H.K (20 tuổi, Hà Nội) cũng là người chịu áp lực học tập. Bên cạnh việc gia đình đặt kỳ vọng cao, K. thường xuyên trở thành chỗ trút giận của bố mẹ. “Nhiều khi, bố mẹ mình gặp áp lực trong công việc hoặc cãi nhau, thay vì xử lý thì lại lôi chuyện học hành của mình ra để trút giận. Mặc dù, mình không làm gì sai cả”, K. chia sẻ.
Ở trường, K. bị các bạn cùng lớp xa lánh, cô lập. K. cho biết: “Đó là khoảng thời gian mình nghĩ đến việc tự tử nhiều nhất, nhìn ra cửa sổ mình chỉ muốn giải thoát bản thân khỏi đống tiêu cực”. Sau đó, K. bắt đầu thử chất kích thích rồi trở nên nghiện. Việc học tập giảm sút, K. lại bị chửi mắng. Dần dần, K. trở nên vô cảm, bỏ bê ăn uống dẫn đến sức khỏe đi xuống.
Cũng bị áp lực học tập, N.G.T (16 tuổi, Phú Thọ) cho biết: “Mình không thể hòa nhập và sợ hãi trong giao tiếp. Mình vốn là người ít nói, từ nhỏ mẹ mình luôn nói mình kém cỏi nên đừng mơ ước xa vời, mình không bằng người ta đâu. Tư tưởng đó đã ăn sâu vào tiềm thức mình khiến tự ti về năng lực của bản thân cũng như không dám bước ra khỏi vùng an toàn”.
Trao đổi với PV, T. thường hay lo lắng thái quá về kết quả học tập, định hướng tương lai và các mối quan hệ xung quanh, thậm chí là lo lắng rất vô lý. T. luôn cảm thấy tự ti về năng lực của bản thân, không dám bước ra khỏi vùng an toàn. T. chia sẻ thêm: “Mình cảm thấy áp lực khi bạn bè đều giỏi, mình không muốn bản thân mình tệ hại như hiện tại nhưng mình bế tắc, chẳng có cách nào thoát ra được. Nhất là khi giờ mình bị trầm cảm, mình chẳng còn có thích thú làm gì. Đầu óc cũng không đủ minh mẫn như hồi chưa bệnh. Mình chỉ ước được ai đó tin tưởng dù chỉ 1 lần”.
Tâm lý là vấn đề đáng quan tâm trong giáo dục hiện đại
Giáo dục tâm lý tinh thần đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh, sinh viên đối mặt với áp lực học tập. Tuy nhiên, thực tế nhiều người trẻ đang phải đối mặt với một hệ thống giáo dục thiếu chú trọng đến khía cạnh này. Học sinh, sinh viên chỉ được dạy để nhớ và áp dụng kiến thức, nhưng không được giáo dục về cách quản lý cảm xúc, hoặc cách xây dựng một tư duy tích cực.
Vấn đề này đang gây ra ảnh hưởng đến học sinh, sinh viên khi họ không biết cách đối diện với áp lực học tập mà họ đang phải đối mặt. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý nghiêm trọng, bao gồm trầm cảm, lo âu và căng thẳng. Liên quan tới việc giới trẻ đang phải đối diện với nhiều vấn đề về tâm lý. Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Đặng Đức Anh cho biết, học sinh, sinh viên hiện nay là thế hệ có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đồng thời sống giữa muôn vàn thách thức.
Ngày nay khi điều kiện sống đã tốt hơn, giới trẻ quan tâm nhiều đến các nhu cầu để phát triển, chứng tỏ bản thân, sống hạnh phúc và có ý nghĩa. Các bạn nâng cao kỳ vọng của mình mọi thứ xung quanh như phải giỏi giang, sống phải được đối xử công bằng, được tôn trọng, được công nhận khi thể hiện bản thân và quan trọng nhất được sống là chính mình. Cũng bởi vì kỳ vọng cao nên áp lực lớn; họ dễ mệt mỏi, thất vọng, bế tắc khi cuộc sống thực tế không được như ý mình.
ThS Đặng Đức Anh cho biết thêm: “Giới trẻ bây giờ tiếp xúc với các yếu tố căng thẳng bên ngoài nhiều hơn ngay từ khi còn nhỏ. Khác với thế hệ trước, các bạn được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ công nghệ xuất hiện và bùng nổ. Từ lúc còn bé, các bạn đã có thế tiếp xúc với hàng ngàn điều trong cuộc sống như bạo lực xã hội, bạo lực học đường, thiên tai, tình hình bất ổn của thế giới. Tất cả chỉ thông qua một vài cái lướt, quẹt”.
Công nghệ hiện đại cũng khiến áp lực đồng trang lứa trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn. Ngày xưa, bố mẹ chỉ bị so sánh với một số bạn cùng làng, bạn trong trường. Còn bây giờ, người trẻ gặp áp lực khi bị so sánh hoặc tự so sánh với hàng nghìn những người cùng thế hệ trên khắp thế giới, thậm chí là những người ít tuổi hơn.
Giới trẻ được tiếp xúc với vô vàn điều mới lạ, các cơ hội hấp dẫn, thu hút nhưng cũng đầy rẫy rủi ro. Lựa chọn ngành học đúng đắn để không bị phí thời gian là một thách thức cực lớn vì có quá nhiều thứ để chọn. Chọn ngành như thế nào để đạt được các mục tiêu lâu dài như được hạnh phúc trong quá trình làm việc, được chứng tỏ bản thân và tạo ra thành tựu.
Nhìn chung, giới trẻ gặp nhiều thách thức phức tạp hơn nhưng lại có ít thời gian để thích nghi và trưởng thành. Cuộc sống luôn có những khó khăn, có thể chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, tiêu cực hoặc không được hoàn hảo. Nhưng hãy kiên nhẫn thêm một chút vì luôn có một con đường để tốt lành trở lại.
Kỳ tới: Sức khỏe tinh thần của giới trẻ (Kỳ 2): Hành trình chữa lành tổn thương tâm lý.