Tết đến sớm ở làng nghề bánh chưng Tranh Khúc

(Sóng trẻ) - Tết Quý Mão 2023 dường như đến sớm hơn với những người dân làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Từ đầu tháng Chạp, mọi nhà đều hối hả, tất bật với công việc gói bánh chưng. Những nồi bánh với khói tỏa nghi ngút chính là hình ảnh tiêu biểu cho làng nghề truyền thống này mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Bánh chưng làng Tranh Khúc nức tiếng xa gần bởi bánh có vị thơm, ngon, đậm vị lại có hình vuông vức, màu sắc đẹp mắt. Thế nhưng, không ai biết chính xác nghề gói bánh chưng xuất hiện ở làng từ bao giờ, chỉ biết đã có từ rất lâu và được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống của người dân làng Tranh Khúc. Cho đến nay, đa số các gia đình tại đây đều giữ được nghề truyền thống của quê hương, tạo nên thương hiệu riêng của làng.

Đến thăm làng Tranh Khúc thời điểm nào trong năm cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người dân gói bánh chưng khắp sân nhà, đặc biệt là vào những ngày giáp Tết, không khí lao động nơi đây càng trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nếu ngày thường, mỗi nhà chỉ làm 50-100 cái theo đơn đặt hàng thì dịp Tết, trung bình mỗi ngày, mỗi nhà nấu được khoảng 600-800 bánh.

Thời điểm Tết Nguyên đán đang dần tới gần, chị Nguyễn Thị Trà My (Hà Nội) quyết định về nhà để phụ giúp gia đình. Chị cho biết, đơn đặt hàng bánh chưng gia tăng mạnh từ đầu tháng 12 âm lịch nên hầu hết các nhà đều phải huy động hết anh em, họ hàng đến làm cùng. Vì vậy, để kịp tiến độ công việc, nhiều hộ gia đình còn thuê thêm nhân công với giá dao động trong khoảng 300.000-400.000 đồng/người/ngày, tùy vào tay nghề. 

slide1.PNG
Người dân làng bánh chưng Tranh Khúc khẩn trương gói bánh để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán 2023. (Ảnh: Thanh Hà)

Cô Trần Thị Đoan Trang (Thôn Tranh Khúc, Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Bánh chưng làng Tranh Khúc phần lớn cung cấp cho người dân Hà Nội, số ít sẽ được vận chuyển đến một số tỉnh lân cận phía Bắc và các tỉnh miền Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,... Khách hàng chủ yếu là khách quen và khách buôn với số lượng lớn. Cũng có những khách lẻ tìm đến tận làng để mua với mong muốn được đến tận nơi và xem tận mắt quy trình làm bánh chưng của người dân nơi đây”.

Nhắc đến bánh chưng làng Tranh Khúc, không ít người bị ấn tượng bởi hương vị đặc biệt của loại bánh gia truyền này. “Bánh chưng làng Tranh Khúc có tiếng từ xưa đến nay, bánh lúc nào cũng có màu xanh của lá dong, vị bánh thơm ngon và bề ngoài đẹp mắt. Người làm bánh luôn lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng nên bánh luôn đạt chất lượng cao khiến người nhận bánh chỉ cần ăn một lần là sẽ nhớ mãi”, Cô Trang cho biết thêm. 

slide2.PNG
Nguyên liệu làm bánh chưng luôn được lựa chọn kỹ lưỡng. (Ảnh: Thanh Hà)

Gạo nếp ngon, thịt lợn tuyển chọn cùng đỗ xanh quê và lá dong đẹp là những nguyên liệu làm nên hương vị đặc biệt của bánh chưng làng Tranh Khúc. Theo cô Trang, gạo nếp phải là gạo nếp cái hoa vàng để vỏ bánh được dẻo và mềm. Đỗ xanh phải là loại hạt nhỏ, ruột vàng, được giã nhuyễn để bánh có mùi thơm bùi. Thêm vào đó, thịt lợn được lựa chọn kỹ càng sao cho thịt có cả mỡ lẫn nạc để nhân bánh được béo ngậy. Một thứ không thể thiếu trong quy trình làm bánh chưng đó chính là lá dong. Vào dịp Tết, đa số lá được sử dụng đều là lá dong rừng bởi nhu cầu thị trường cần số lượng lớn, còn ngày thường, người dân sẽ sử dụng lá dong quê để gói bánh.

slide3.PNG
Công đoạn gói bánh chưng đòi hỏi sự khéo léo, thành thạo. (Ảnh: Thanh Hà)

Khác với các nơi, người dân làng Tranh Khúc không cần dùng khuôn để gói mà họ gói bánh trực tiếp bằng đôi bàn tay khéo léo, một chiếc bánh chưng vuông vức có thể được tạo thành trong chưa đầy 30 giây. Sau khi gói xong, bánh chưng sẽ được luộc trong khoảng 9-10 tiếng, sau đó, bánh được vớt ra và người mua sẽ đến tận làng chở bánh đi. Điều này cũng tạo nên điểm đặc biệt của làng Tranh Khúc thời điểm cận Tết, đó chính là “ngôi làng không ngủ” bởi lúc nào cũng có người ngồi canh nồi bánh suốt ngày đêm.  

slide4.PNG
Những nồi bánh chưng được nấu suốt ngày đêm để kịp thời giao hàng. (Ảnh: Thanh Hà)

Ngày thường, người dân trong làng làm cả bánh chưng khổ lớn lẫn khổ bé nhưng để phục vụ thị trường những ngày Tết, người dân chủ yếu làm bánh chưng theo khổ lớn. Bánh chưng có kích thước lớn không chỉ đẹp mắt, phù hợp để thắp hương bàn thờ gia tiên mà còn có thể đáp ứng nhu cầu ăn uống của các gia đình. Tết năm nay, giá bán bánh chưng Tranh Khúc không chênh lệch nhiều so với các năm trước với giá dao động từ 40.000-100.000 đồng/cái tùy từng loại. 

slide5.PNG
Bánh chưng làng Tranh Khúc có giá bán từ 40.000 - 100.000 đồng/cái tùy loại. (Ảnh: Thanh Hà)

Những ngày này, đi từ cổng làng vào, đâu đâu cũng cảm nhận được mùi thơm từ lá dong, gạo nếp và đậu xanh, đâu đâu cũng thấy những gương mặt dù đầm đìa mồ hôi bên nồi bánh chưng nhưng vẫn toát lên nét vui tươi, phấn khởi. Bánh chưng làng Tranh Khúc thơm ngon, được người người yêu thích chính là niềm tự hào của người dân nơi đây. 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN