Thanh âm núi rừng

(Sóng trẻ) - Giữa rừng xanh bạt ngàn, âm thanh của các loài chim và linh trưởng vang lên như một bản hòa tấu đầy sống động. Âm thanh ấy không chỉ làm phong phú thêm cuộc sống của các loài động vật tại Vườn Quốc gia Cúc Phương mà còn khiến con người cảm nhận được vẻ đẹp hoang dã và kỳ diệu của tự nhiên.

Những ngày giữa tháng 7, thời tiết buổi sáng ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình) mát mẻ. Từ cổng chào bước vào, không gian sạch sẽ, trong lành kéo dài tít tắp, nắng chiếu mơn man qua những kẽ lá và tiếng côn trùng ríu rít đâu đó trong đám cỏ xanh. Bỗng nhiên, có âm thanh từ phía xa vọng lại, nghe như tiếng chim, hay một thứ tiếng gì đó mà chúng ta khó nghĩ ngay đến âm thanh của những con voọc, con vượn. Âm thanh ấy trong trẻo, song cũng rất dứt khoát và đầy mạnh mẽ, tựa như tiếng đáp lời của núi rừng hoang sơ, kỳ bí.

Đi theo thứ âm thanh lanh lảnh, vang xa và cao vút, chúng tôi tìm đến Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) - Chương trình bảo tồn linh trưởng Việt Nam tại Cúc Phương. Anh Trần Văn Bảy - một người dẫn đường nhiệt thành cũng là cán bộ với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại trung tâm - đưa chúng tôi vào quan sát các loài động vật, trong đó có những loài linh trưởng đã được cứu hộ và đưa về sinh sống, chăm sóc tại nơi đây.

Cổng vào Trung tâm cứu hộ linh trưởng. (Ảnh: Quỳnh Mai)
Cổng dẫn vào Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật - Chương trình bảo tồn linh trưởng Việt Nam. (Ảnh: Quỳnh Mai)

Bên dưới những tán rừng nguyên sơ, rậm rạp của Rừng Quốc gia Cúc Phương, loài vượn có một cách chào ngày mới rất riêng biệt. Những con vượn đực thường đóng vai trò là "người lĩnh xướng" trong các “bài hát” của mình, như một dấu hiệu, các thành viên khác cũng tiếp nối đồng thanh. Âm thanh ấy có thể vang xa, vượt qua những tán cây rừng đến gần 2 km. 

Một cá thể vượn đen má hung quý hiếm được cứu hộ và hiện đang ở tại khu vực bán hoang dã tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng Vườn Quốc gia Cúc Phương. (Ảnh: Quỳnh Mai)
Một cá thể vượn đen má hung quý hiếm được cứu hộ và hiện đang sinh sống tại khu vực bán hoang dã tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng Vườn Quốc gia Cúc Phương. (Ảnh: Quỳnh Mai)
Mỗi buổi sáng, khi ánh nắng đầu tiên len lỏi qua những tán cây, tiếng voọc chà vá chân nâu lại vang lên, mang theo sự sống và năng lượng cho cả khu rừng. Tiếng kêu vang xa và rõ ràng đến mức, du khách đôi khi không cần đến thăm rừng vẫn có thể nghe rất dõng dạc. (Ảnh: Quỳnh Mai)
Mỗi buổi sáng, khi ánh nắng đầu tiên len lỏi qua những tán cây, tiếng voọc chà vá chân nâu lại vang lên. (Ảnh: Quỳnh Mai)

Anh Trần Văn Bảy cho biết thêm, theo tập tính, vượn thường hót vào sáng sớm, chúng sử dụng tiếng hót để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đồng thời, tiếng hót cũng là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình để duy trì mối quan hệ huyết thống. Sau khi kết thúc “màn trình diễn” sẽ là khoảng thời gian để chúng bắt đầu hoạt động kiếm ăn của mình. Với những con sống hoang dã, hay một số cá thể tại khu vực bán hoang dã, chúng sẽ kiếm thức ăn là những loài thực vật có trên các tán rừng. Đối với các loài vượn đang được chăm sóc và phục hồi trong các chuồng trại, thức ăn hằng ngày của chúng sẽ được các cán bộ, nhân viên chuẩn bị cẩn thận, bao gồm vài trăm ki-lô-gam lá của hơn 100 loài thực vật khác nhau và các loại quả, củ tươi như cà rốt, khoai lang, bí đỏ...

Lá cây các loại được nhân viên tại Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật hái về, tập hợp và chia nhỏ thành từng khẩu phần ăn ở nhà chứa. (Ảnh: Quỳnh Mai)
Lá cây các loại được nhân viên tại Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật hái về, tập hợp và chia nhỏ thành từng khẩu phần ăn ở nhà chứa. (Ảnh: Quỳnh Mai)

Gần 3 năm gắn bó với Trung tâm cứu hộ linh trưởng Vườn Quốc gia Cúc Phương, chị Bùi Thị Nhụ - nhân viên chăm sóc, dọn dẹp tại trung tâm đã xem đây như là mái nhà thứ 2 của mình. Với chị, rừng cũng là “nhà”, là không gian sống lý tưởng và việc chăm sóc các loài động vật cũng chính là cách chị nạp nguồn năng lượng hạnh phúc mỗi ngày. Chị Nhụ chia sẻ: "Chúng tôi hay đùa nhau, ở đây dường như không còn nghe tiếng gà gáy mỗi sớm mai nữa, vì có thứ tiếng còn dõng dạc, vang xa hơn bất kì thứ âm thanh nào". Chị nhanh chóng xếp gọn lại đám lá xanh lên chiếc xe rùa, đôi tay chị nhanh thoăn thoắt cắt những củ khoai thành từng miếng, với chị “chúng ăn càng nhiều, càng khỏe thì mới có sức mà hót, mà voọc hót thì mình lại càng vui”.

Là một du khách lần đầu ghé vườn Cúc Phương, bạn Trần Phương Thảo (21 tuổi, đến từ Quảng Ninh) không giấu nổi niềm hào hứng: “Vô cùng mới mẻ đối với mình, dường như âm thanh ấy là linh hồn của Cúc Phương vậy, mình cảm nhận được sự nguyên sơ, trong lành, thậm chí là cả sự hùng vĩ,... đến từ tự nhiên. Đây sẽ là trải nghiệm mà mình không thể quên được”.

Mẹ con Voọc chà vá chân nâu đang ăn những tán lá mới được nhân viên chăm sóc mang vào tại khu vực chuồng trại phục hồi. (Ảnh: Quỳnh Mai)
Mẹ con Voọc chà vá chân nâu đang ăn những tán lá mới được nhân viên chăm sóc mang vào tại khu vực chuồng trại phục hồi. (Ảnh: Quỳnh Mai)

Có thể thấy, mỗi cán bộ của Vườn Quốc gia Cúc Phương đã và đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát triển thiên nhiên, để mỗi loài động vật đều được sống và phát triển trong môi trường phù hợp. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, mỗi loài vật và âm thanh tại rừng Cúc Phương đều mang đến sự hiện diện nguyên sơ và nguyên bản của tự nhiên, khiến du khách càng thêm hiểu và yêu quý môi trường cũng như những "người bạn mới" mà họ có cơ duyên gặp gỡ trong quãng thời gian ngắn ngủi tại đây.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN