Thể loại điều tra trong lí luận báo chí ( Phần 1)
(Sóng trẻ) - Điều tra là một thể loại báo chí nằm trong nhóm các thể thông tấn báo chí. Nó có mục đích và có nhiệm vụ đem lại những câu trả lời trước những sự thật chứa đựng mâu thuẫn nổi bật trong đời sống.
Bằng việc nêu lên vấn đề, phân tích những khả năng và nhân tố mới, phân tích mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, người viết điều tra rút ra những kết luận cần thiết, chỉ ra bản chất của sự vật và hiện tượng, đem lại câu trả cho công chúng.
Cùng với sự phát triển sinh động của điều tra trong thực tiễn đời sống báo chí, công tác nghiên cứu, lý luận và giảng dạy, học tập về điều tra cũng đã có những tiến bộ đáng kể. Trong các môn học thuộc khu vực lý thuyết và kỹ năng sáng tạo tác phẩm ở tất cả các chuyên ngành báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo mạng điện tử) tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thể loại điều tra luôn chiếm một vị trí quan trọng.
Cũng giống như đối với các thể loại, tác phẩm báo chí khác, quy trình giảng dạy về điều tra trong chương trình đại học báo chí thường có hai phần: phần lý thuyết và phần thực hành với tỷ lệ về thời gian là 40/60. Trong đó, phần lý thuyết tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như: những đặc điểm về nội dung và hình thức của điều tra; vai trò của các bằng chứng, luận cứ, luận chứng, luận điểm trong bài điều tra; kỹ năng viết điều tra v.v.
Phần thực hành sáng tạo tác phẩm điều tra thường được tổ chức với nhiều cấp độ: phân tích bài điều tra trên lớp; quan sát phát hiện vấn đề nài hiện trường; viết những bài điều tra nhỏ về cuộc sống của sinh viên... Trong quá trình thực hành, sinh viên còn được nghe các báo cáo kinh nghiệm của những nhà báo thành công với thể loại điều tra. Những khó khăn, nguy hiểm và những tình huống gay cấn của người phóng viên viết điều tra cũng là nội dung thường được nêu ra cho sinh viên trao đổi, thảo luận..
Một số vấn đề lý luận về thể loại điều tra
-Phân biệt phương pháp điều tra và thể loại điều tra
- Điều tra trước hết là phương pháp cơ bản của nghề báo, trong đó bao gồm các thao tác như: phỏng vấn, nghiên cứu tâm lý, quan sát, phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh… Dù nhà báo viết tin, phóng sự, bài thông tấn hay ghi nhanh, bình luận, điều tra thì cũng đều phải sử dụng phương pháp điều tra nhằm xác minh tính xác thực của thông tin, tạo căn cứ để xem xét, nhìn nhận sự kiện, vấn đề, từ đó tìm ra được bản chất của sự thật để phản ánh nó trong tác phẩm báo chí của mình.
- Tác phẩm điều tra có nhiều khác biệt với cách hiểu về phương pháp điều tra như trên. Với tư cách là một thể loại trong nhóm các thể thông tấn báo chí, điều tra có mục đích thông qua trình bày sự thật để giải thích và giải đáp những vấn đề, câu hỏi mà cuộc sống đang đặt ra, góp phần vào giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, thúc đẩy cuộc sống phát triển.
- Hoàn cảnh xuất hiện tác phẩm điều tra
Tác phẩm điều tra thường xuất hiện khi cần câu trả lời cho một câu hỏi nào đó. Nhiệm vụ của bài điều tra là giải thích, làm sáng tỏ những vấn đề đang có nhiều ý kiến tranh luận, nhiều quan điểm khác nhau; bám sát những mâu thuẫn tồn tại trong cuộc sống, tái hiện lại, tìm ra bản chất, xu hướng vận động phát triển và đôi khi là hướng giải quyết mâu thuẫn đó. Tuy nhiên, không giống với cách trả lời bằng nghệ thuật lập luận (như tác phẩm bình luận) hay thông qua một bức tranh toàn cảnh vừa khái quát, vừa chi tiết, sống động (như trong phóng sự), thể loại điều tra trả lời những câu hỏi trên cơ sở của một logic chặt chẽ, thông qua một hệ thống các bằng chứng được bố trí hợp lý nhằm làm sáng tỏ bản chất của các sự vật, hiện tượng.
Hàng ngày, trong cuộc sống của chúng ta thường xuyên xuất hiện rất nhiều mâu thuẫn, nhưng không phải mâu thuẫn nào cũng là đối tượng của tác phẩm điều tra. Để trở thành đối tượng phản ánh trong một tác phẩm điều tra, mâu thuẫn đó phải tồn tại trong một vấn đề, trong một hoàn cảnh tiêu biểu, có có ý nghĩa...
Trong lý luận báo chí nước ta, trong một “hoàn cảnh có vấn đề” phải xuất hiện những tình huống, sự việc không bình thường, trái với quy luật vận động của đời sống hoặc cách ứng xử thông thường trong xã hội, có nhiều dữ kiện tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau cho công chúng.
Mặt khác, hoàn cảnh đó phải có liên quan đến những vấn đề cơ bản trong xã hội, gắn liền với những vấn đề thời sự nóng bỏng; liên quan đến những lĩnh vực quan trọng của đất nước; có tác động, ảnh hưởng đến nhiều người, đang cần có lời giải thích hợp lý, chỉ ra bản chất bên trong của sự vật, giải tỏa thắc mắc cho công chúng.
-Đặc điểm nội dung của tác phẩm điều tra
Trên phương diện nội dung, thể loại điều tra trên báo hiện nay có những đặc điểm cơ bản như sau:
- Đối tượng phản ánh của điều tra là những sự thật chứa đựng mâu thuẫn đang cần có câu trả lời hoặc đã có nhiều cách giải đáp khác nhau nhưng chưa có một cách đúng đắn nhất. Như vậy, điều tra có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi mà cuộc sống đặt ra, làm sáng tỏ những vấn đề đang gây ra nhiều ý kiến, nhiều cách hiểu khác nhau để giúp cho độc giả có câu trả lời đúng nhất, cách nhìn xác thực nhất.
- Tác phẩm điều tra phải “làm rõ những thông tin còn chứa nhiều uẩn khúc, nhiều mâu thuẫn, thường không có sẵn lời giải đáp từ các cơ quan công quyền hoặc các cơ quan chuyên môn. Cũng có thể câu trả lời đang nằm đâu đó, nhưng để đến được với nó, phóng viên phải bỏ nhiều công sức.
- Bài điều tra có nhiệm vụ nêu vấn đề, trình bày vấn đề, phân tích vấn đề, và cuối cùng phải kết luận. Kết luận của điều tra có sức thuyết phục, chính vì các bằng chứng được trình bày một cách thuyết phục và sự phân tích với lý lẽ thuyết phục...
- Bài điều tra cần phải có một kết luận rõ ràng, dứt khoát để giúp độc giả có được câu trả lời cuối cùng, chính xác nhất về vấn đề được đề cập. Kết luận thường nhấn mạnh đến điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định nhất đến vấn đề đó. Kết luận phải rõ ràng, dứt khoát và có sức thuyết phục. Trong thực tế, tác phẩm điều tra có thể trả lời với những cấp độ khác nhau: vạch trần sự thật; nêu bài học kinh nghiệm và giải pháp; nêu ý kiến, kiến nghị giải quyết...
- Đặc điểm hình thức của tác phẩm điều tra
+Tít và sapô của bài điều tra thường được đặt đơn giản, ngắn gọn, chặt chẽ. Nó gây ấn tượng và thuyết phục công chúng bằng sự chính xác. Tít thường được đặt theo cách nêu lên thông tin chi tiết, số liệu hoặc nêu chi tiết, số liệu kết hợp với ý nghĩa, tính chất của sự việc.
Trong tác phẩm điều tra, nài tít chính thì thường có các tít xen đặt rải rác trong bài. Trong mỗi tít xen thường có một luận cứ chính. Việc đặt tít xen là nhằm phân chia bài điều tra thành các phần cho rõ ràng, dễ đọc. Vì đặc điểm dung lượng bài điều tra tương đối lớn nên việc phân chia tít xen cũng giúp cho người đọc tránh được sự mỏi mắt. Nài ra, các tít này còn tóm tắt và giúp cho người đọc dễ dàng nắm được nội dung chủ yếu của toàn bài.
Sau tít chính, bài điều tra thường có phần sapô để nêu tóm tắt những nội dung cốt lõi để thu hút sự chú ý của công chúng. Sapô của điều tra thường ngắn gọn, rõ ràng và có tính khái quát, giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quát về sự kiện, vấn đề mà tác giả muốn đề cập trong bài viết.
+Ngôn ngữ, giọng điệu: Tác phẩm điều tra thường có ngôn ngữ trực tiếp, xác thực, đơn giản. Ngôn ngữ trong bài điều tra có tính chất thông tấn. Vì đặc thù của bài điều tra là phân tích, lý giải, chứng minh sự thật nên ngôn từ càng đơn giản, trực tiếp, dễ hiểu bao nhiêu thì người đọc càng dễ tiếp nhận bấy nhiêu.
Tác giả có thể xuất hiện trong bài điều tra với tư cách “cái tôi nhân chứng”, vì vậy để đảm bảo tính khách quan, giọng điệu trong bài điều tra bao giờ cũng phải là một giọng điệu nghiêm túc.Giọng điệu nghiêm túc, đơn giản kết hợp với lý lẽ, phân tích của tác giả nhằm tăng sức thuyết phục người đọc.
+ Dung lượng, bố cục:Tác phẩm điều tra thường có dung lượng lớn. Tuy nhiên dung lượng này cũng tuỳ thuộc vào tính chất của nội dung. Có bài điều tra chỉ dài khoảng 800 - 1000 chữ. Tuy nhiên, cũng có những bài phải đăng đến vài kỳ trên báo. Nhìn chung, dung lượng của bài điều tra thường lớn hơn các thể loại khác.
Với dung lượng lớn như vậy, việc có được một bố cục rõ ràng, hợp lí sẽ tăng hiệu quả tác động của tác phẩm điều tra. Do hệ thống bằng chứng phong phú nên việc sắp xếp chúng như thế nào để đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất đòi hỏi sự tính toán của tác giả. Không thể chỉ đơn thuần liệt kê, biến hệ thống bằng chứng thành số cộng các bằng chứng đơn lẻ, tátác giả cần phải biết cách sắp xếp, kết hợp chúng một cách hợp lý nhất.
Tác phẩm điều tra thường có bố cục rất rõ ràng gồm ba phần:nêu vấn đề - chứng minh vấn đề - kết luận.Về bút pháp, người viết thường sử dụng kết hợp các bút pháp phân tích, tổng hợp , đôi khi còn có thống kê, so sánh nhằm giúp độc giả hiểu rõ thêm về vấn đề. Tác giả có thể so sánh vấn đề đó với các vấn đề khác, so sánh sự việc này với chính nó trước đây hoặc so sánh các số liệu với nhau. Thông qua các so sánh đó, công chúng sẽ hình dung được quy mô, tầm vóc của sự việc, vấn đề…
Bằng chứng, luận cứ, luận chứng trong tác phẩm điều tra
Do có nhiệm vụ trả lời nên tác phẩm điều tra phải có cấu trúc chặt chẽ, logic. Trên cơ sở những luận cứ với những bằng chứng xác thực, người viết cố gắng chỉ ra cốt lõi, bản chất của sự vật và hiện tượng.
-Bằng chứng:Trong một bài điều tra phải có một hệ thống các bằng chứng. Những bằng chứng này là chất liệu để hình thành nên những luận cứ. Bằng chứng càng tiêu biểu thì độ tiêu biểu của các luận cứ càng cao. Bằng chứng trong tác phẩm báo chí nói chung và trong tác phẩm điều tra nói riêng có thể là các bức ảnh, các con số, chi tiết, câu nói, văn bản... hoặc cũng có thể là kết quả của sự quan sát, phỏng vấn của tác giả. Những bằng chứng này có khi được trích trích từ các văn bản dài hàng trăm chữ; cũng có khi chỉ là một con số. Có lúc các bằng chứng đứng độc lập thành hẳn một đoạn, cũng có lúc nó nằm lẫn vào trong các đoạn khác.
Việc tổ chức, sắp xếp các bằng chứng này được thực hiện một cách linh hoạt, logic chứ không rập khuôn, máy móc nhằm mục đích tạo nên một hệ thống luận cứ chặt chẽ, khoa học, giúp công chúng dễ dàng tiếp thu.
Trong luận cứ của tác phẩm điều tra, có thể chứa đựng các dạng bằng chứng khác nhau. Những bằng chứng đó phải được đặt trong một quá trình phân tích, lập luận logic. Nói cách khác, sự chặt chẽ, lôgic của một bài điều tra bao giờ cũng dựa trên cơ sở của những luận cứ xác đáng và có sức thuyết phục. Các luận cứ phải đem lại một kết luận nào đó và lý lẽ tốt nhất vẫn là lý lẽ toát ra từ hệ thống luận cứ với những bằng chứng tin cậy của nó.
- Luận cứ trong tác phẩm điều tra có thể có nhiều dạng: luận cứ chính, luận cứ phụ, luận cứ bắc cầu, luận cứ then chốt...
+ Luận cứ chính: chứa đựng những chi tiết, số liệu quan trọng nhất. Nó là chỗ dựa chủ yếu để phát triển những lập luận và đi đến kết luận. Đây chính là thành phần cơ bản làm nên nội dung tác phẩm.
+ Luận cứ phụ: là những bằng chứng có vai trò bổ sung cho luận cứ chính, làm sáng rõ thêm nội dung của luận điểm cần chứng minh. Đồng thời cũng tạo nên sự phong phú cho nội dung và kết luận.
+ Luận cứ bắc cầu: tạo ra mối liên hệ cần thiết giữa các luận cứ trong tác phẩm. Nài ra, nó giúp bổ sung cho các luận cứ trên, tạo nên sự phong phú về nội dung nhưng vẫn đảm bảo tính nhất quán, hoàn chỉnh của tác phẩm điều tra.
+ Luận cứ then chốt: yếu tố có vai trò quan trọng mang ý nghĩa quyết định trong hệ thống luận cứ. Luận cứ then chốt giúp các luận cứ khác trong bài gắn kểt, nhất quán và nâng lên tầm biểu hiện mới. Cũng chính luận cứ này có vai trò cốt lõi tạo tiền đề để đạt được câu trả lời quan trọng nhất của một tác phẩm điều tra… Tuy nhiên, không phải bài điều tra nào cũng có những luận cứ then chốt.
- Luận chứng: Nội dung của một bài điều tra được hình thành do các luận điểm, luận cứ, nhưng tổ chức các luận điểm, luận cứ này không phải là sự liệt kê một cách đơn thuần, tùy tiện. Chúng phải được liên kết với nhau theo những cách thức nhất định. Đây chính là luận chứng của tác phẩm điều tra. Như vậy, luận chứng chính là những lập luận logic, những phân tích, đánh giá của tác giả nhằm liên kết các luận cứ. Các luận chứng phải được triển khai một cách chặt chẽ, hợp lý, vừa triệt để khai thác các luận cứ, vừa thuyết minh một cách nhất quán cho luận điểm nhằm mục đích dẫn người đọc, người nghe đến với câu trả lời mà họ mong muốn.
Nếu coi một tác phẩm điều tra hoàn chỉnh là một ngôi nhà thì các luận cứ là những viên gạch tạo nên ngôi nhà ấy, còn các luận chứng chính là sự gắn kết các viên gạch ấy lại với nhau. Luận chứng giúp gắn kết các bằng chứng lại, chỉ ra ý nghĩa của các luận cứ, tạo nên sự thống nhất về quan điểm cho toàn bộ bài điều tra.
Nài ra, việc tác giả triển khai luận chứng một cách khéo léo, hợp lý cũng sẽ giúp công chúng dễ dàng và có hứng thú hơn trong việc tiếp cận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu các luận cứ, các bằng chứng đưa ra là hết sức tiêu biểu, có ý nghĩa quan trọng thì bản thân nó đã có sức mạnh thuyết phục, chứng minh vấn đề mà không cần đến những lời giải thích, phân tích… Bởi lẽ, tính chặt chẽ, logic của một bài điều tra bao giờ cũng dựa trên cơ sở của những luận cứ xác đáng và có sức thuyết phục. Mọi luận cứ đều đi đến kết luận nào đó và lý lẽ tốt nhất vẫn là lý lẽ toát ra từ hệ thống luận cứ.
Kết luận
Thể loại điều tra có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi thông qua một hệ thống các bằng chứng được bố trí một cách chặt chẽ, hợp lý, kết hợp với lý lẽ. Câu trả lời mà bài điều tra mang lại cho công chúng phải là những vấn đề tiêu biểu, nổi bật thể hiện xu thế phát triển của đời sống.
Nêu vấn đề và phân tích vấn đề trên cơ sở những sự kiện, sự việc để làm sáng tỏ bản chất là đặc điểm của thể loại điều tra. Tác phẩm điều tra thể hiện chỗ đứng và cách nhìn của tác giả. Một bài điều tra tốt phải được xây dựng trên cơ sở những bằng chứng và luận cứ xác thực, kết hợp với lý lẽ, lập luận.
Nhìn lại những thành công của báo chí Việt Nam trong thời kỳ “báo chí điều tra” vừa qua, có thể nói không vụ việc tiêu biểu nào mà không có mặt thể loại điều tra. Trong làng báo Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các phóng viên viết điều tra, phóng sự điều tra có kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp.
Trong thời kỳ “báo chí giải pháp” hiện nay, điều tra vẫn đang tiếp tục phát huy mạnh mẽ những ưu thế của nó trong việc khẳng định những nhân tố mới, tìm tòi những giải pháp tích cực để tác động vào cuộc sống.
Đ.D.
( Nguồn: Lamthanhkytu.com)
Cùng chuyên mục
Bình luận