Thiêng liêng nghi lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình
(Sóng trẻ) - Tròn 20 năm qua, lễ thượng cờ và hạ cờ hằng ngày ở cột cờ trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (quảng trường Ba Đình, Hà Nội) đã trở thành một nghi lễ thiêng liêng với người dân thủ đô và du khách tới thành phố này.
Trong những ngày tháng 8 lịch sử và hướng đến Quốc khánh 2/9, nghi lễ thượng cờ luôn mang đến sự thiêng liêng và xúc động đặc biệt đối với người dân Việt Nam.
Kể từ ngày 19/5/2001, khi lễ thượng cờ bắt đầu được thực hiện như một nghi lễ quốc gia tại quảng trường Ba Đình.
Nghi lễ thiêng liêng này từ lâu đã trở thành khoảnh khắc xúc động mà nhiều người dân thủ đô và du khách thường đón đợi để được chứng kiến không chỉ một mà nhiều lần.
Đặc biệt là vào những ngày lễ lớn của đất nước như Quốc khánh 2/9 hay ngày sinh nhật Bác 19/5..., hình ảnh thường thấy là nhiều người dân quần áo chỉnh tề tập trung xung quanh quảng trường Ba Đình để được xem nghi lễ thượng cờ trang nghiêm gợi lên bao cảm xúc đặc biệt của tình non nước.
Nghi lễ sẽ bắt đầu từ khoảng 5h55 phút sáng khi đoàn thượng cờ khởi hành từ phía sau lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn đầu đoàn là quân kỳ Quyết thắng. Theo sau đội tiêu binh gồm 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong tiếng nhạc của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, đoàn thượng cờ sẽ di chuyển đến chân cột cờ, chuẩn bị thực hiện nghi lễ.
Khi ba chiến sĩ đội hồng kỳ nghiêm trang bước lên bục, Lăng Chủ tịch cũng bắt đầu mở cửa, dòng chữ “Không có gì độc lập tự do” nổi bật bên trong.
Sau khi có hiệu lệnh, lá cờ đỏ Việt Nam được tung ra và bay lên theo tiếng Quốc ca. Lá cờ được tự động kéo lên trên đỉnh của cột cờ cao 29m phía trước Lăng Chủ tịch.
Trong giây phút thiêng liêng thượng cờ, người dân trên khu vực quảng trường Ba Đình được đề nghị dừng mọi hoạt động, đứng tại chỗ, hướng về phía cột cờ để nghi lễ được thực hiện trang trọng. Sau lễ thượng cờ, đội tiêu binh diễu hành một vòng trước cửa lăng Bác rồi trở về vị trí cũ, kết thúc nghi lễ thượng cờ. 21h hằng ngày, nghi lễ hạ cờ lại được đội tiêu binh thực hiện tương tự như lễ thượng cờ.
Gia đình 9 thành viên của bà Hoàng Cúc gồm cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, thuê xe ô tô từ Quảng Trị ra Hà Nội, lần đầu tiên chứng kiến buổi lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. "Khi đến Lăng Bác, tôi cảm giác như trở về căn nhà ấm cúng và trang nghiêm. Giây phút lá cờ tung bay, tôi rất xúc động", bà Cúc nói.
Mai Thu Trang, 23 tuổi, cùng 14 người bạn lên kế hoạch cho "chuyến đi thanh xuân" cách đây một tháng. Địa điểm đầu tiên nhóm bạn lựa chọn chính là Lăng Bác. Nhóm xuất phát từ Ninh Giang (Hải Dương) từ 3h sáng, trong tâm thế háo hức và vui vẻ. Hồi hộp và trang nghiêm là cảm nhận chung của nhóm khi lần đầu được chứng kiến buổi lễ thượng cờ mà trước đây chỉ đọc trong sách vở và xem trên ti vi.
"Chúng mình thực sự xúc động và biết ơn các thế hệ đi trước đã hi sinh xương máu để dân tộc được độc lập, người dân được tự do, hạnh phúc", Trang nói.