Cận cảnh giết động vật, đóng khố bằng khăn Piêu và câu chuyện về văn hóa truyền hình thực tế
(Sóng trẻ) - Chưa hết bức xúc về cảnh tượng một thí sinh trong chương trình Vua đầu bếp chặt đầu làm thịt ba ba còn sống thì khán giả truyền hình lại phải chứng kiến một cảnh “chướng tai gai gai mắt” khác khi trong một chương trình khác phát sóng gần đây, chiếc khăn Piêu thiêng liêng, đẹp đẽ của dân tộc Thái đã biến thành khố để biểu diễn, cái mà đang được gọi là “sáng tạo nghệ thuật”.
Không thể phủ nhận truyền hình thực tế đang “món ăn tinh thần” của rất nhiều khán giả truyền hình. Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, trang tin điện tử người ta đua nhau bàn luận, tranh cãi về những điều đang diễn ra ở các chương trình truyền hình thực tế từ câu chuyện về nhà tổ chức đến đời tư giám khảo, thí sinh. “Bội thực” thì cũng không hẳn những khán giả đang có rất nhiều lựa chọn khi mà các chương trình truyền hình thực tế như “nấm mọc sau mưa”.
Thế nhưng khán giả nên xem chương trình nào vì chương trình nào cũng có sạn, không lớn thì nhỏ. Cái sạn lớn nhất và phản cảm nhất là “chà đạp” lên văn hóa dân tộc và coi thường khán giả. Trong vô vàn khán giả có người xem để ủng hộ, xem để giải trí, xem để viết tin bài, xem để có cái mà tán gẫu, trao đổi đã đành nhưng cũng có người xem còn để cung cấp những kiến thức về văn hóa. Vậy mà cái mục đích văn hóa đó lại đang bị coi thường, nếu không muốn nói bị “rẻ rúng”.
Trước hết là câu chuyện câu chuyện bếp núc và văn hóa ẩm thực của người Việt. Trò chuyện về bếp núc từ khía cạnh văn hóa phải xét đến ăn cái gì, các món ăn được chế biến như thế nào, ăn lúc nào, ăn ở đâu, ăn với ai và đặc biệt không bao giờ được quên các ứng xử với tự nhiên và với xã hội về ăn uống. Xét trên phương diện này, những cảnh quay giết ba ba của Vua đầu bếp hiển nhiên là thiếu văn hóa. Nếu nghĩ đến những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh máu me tàn nhẫn với một con vật trên sóng truyền hình ắt hẳn đơn vị tổ chức đã không làm vậy. Đó là còn chưa bàn đến chuyện Phật giáo là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến con người và văn hóa Việt Nam mà Phật giáo không khuyến khích việc ăn thịt cũng như sát sinh.
Nhóm F Band bị chê phản cảm vì lấy khăn Piêu làm khố (Ảnh: Internet)
Khăn Piêu của người Thái (Ảnh: Internet)
Câu chuyện về giết động vật dã man trên sóng truyền hình chưa dứt thì dư luận lại dậy sóng vì việc nhóm nhạc F Band trong đêm bán kết chương trình Nhân tố Bí ẩn đã sử dụng khăn Piêu của người Thái để làm khổ biểu diễn cho mình. Đành rằng đây là một hành động không cố ý nhưng cũng là kết quả của sự thiếu hiểu biết về văn hóa của không ít người, trong đó có cả những người tổ chức. Những chiếc khố đẹp quá, nhiều người cứ ngỡ như những chiếc khăn và rồi nó là những chiếc khăn thật, lại là chiếc khăn thiêng liêng mà những người phụ nữ Thái đội trên đầu. Hành động đó không những phản ánh không đúng nét đẹp giản dị của văn hóa Tây Nguyên mà còn xúc phạm một nét văn hóa khác. Thậm chí nói như một bạn đại diện cho người Thái trên báo điện tử VietNamNet thì việc làm này còn vô tình gây nên sự hiểu nhầm về văn hóa nếu không được đính chính và xin lỗi.
VTV3 đã nhận sai sót về những cảnh quay cận cảnh “tàn nhẫn” trong Vua đầu bếp. F Band cũng đã xin lỗi độc giả về sự vô ý của mình đồng thời cũng không quên đổ lỗi do “chương trình thuê để phục vụ thí sinh”. Vụ việc rồi cũng sẽ lắng xuống nhưng câu hỏi đặt ra là các đơn vị tổ chức sẽ làm gì những việc làm tương tự không tái diễn. Thiết nghĩ xin lỗi không thôi chưa đủ, các đơn vị tổ chức cần thành lập một hội đồng cố vấn văn hóa, không nhất thiết phải là những nhà nghiên cứu văn hóa tương ứng với chương trình mà có thể là những nhà báo đã bao năm lăn lộn với nghề, nhà tâm lý học, nhà giáo dục hoặc cũng có thể là các bạn trẻ quan tâm đến nét đẹp văn hóa – nghệ thuật. Nếu các đơn vị tổ chức vào cuộc tích cực thì văn hóa truyền hình thực tế sẽ đi đúng hướng.
Lê Quang Đức
Báo mạng điện tử K32
Cùng chuyên mục
Bình luận