Thủ khoa chia sẻ bí quyết ôn thi vào lớp 10 giai đoạn “nước rút”
(Sóng trẻ) - Chỉ còn hơn một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT công lập tại Hà Nội năm học 2024 - 2025 sẽ diễn ra. Thời điểm này được coi là giai đoạn “nước rút” để các thí sinh tập trung củng cố kiến thức, sẵn sàng bước vào kỳ thi.
Ngày 8-9/6/2024, học sinh Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi được đánh giá là “khó hơn đại học” khi vài năm trở lại đây, chỉ tiêu của các trường công lập so với số lượng thí sinh dự thi chỉ chiếm khoảng 60%. Năm nay, chỉ 61% học sinh sẽ được học công lập, khiến cuộc đua vào 10 càng trở nên căng thẳng với cùng lúc nhiều đối tượng: cha mẹ, thầy cô và đặc biệt các em học sinh lớp 9.
Để có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi này, đòi hỏi các em phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phương pháp học tập đúng đắn. Bên cạnh đó, mỗi học sinh cũng cần tự trang bị những kỹ năng làm bài thi hiệu quả. Đinh Đức Nam (thủ khoa đầu vào khối 10 các trường THPT thuộc huyện Đan Phượng năm 2023) đã chia sẻ kinh nghiệm ôn thi hiệu quả và các kỹ năng cần thiết khi làm bài thi.
Làm gì trong giai đoạn “nước rút”?
Ở kỳ thi vào lớp 10 công lập chung của Hà Nội năm 2023, Đinh Đức Nam (Đan Phượng, Hà Nội) đạt 10 điểm Toán, 10 điểm Anh và 8.75 điểm môn Ngữ Văn. Để đạt được những số điểm ấn tượng như vậy, nam sinh đã có những lộ trình ôn luyện cụ thể từ năm lớp 8.
Đức Nam chia sẻ: “Em đã nghiêm túc nghĩ về việc ôn thi vào 10 từ rất sớm. Em lên lộ trình học tập, trau dồi kiến thức lâu dài, vững chắc chứ không để bản thân rơi vào tình trạng học dồn, học cố trong giai đoạn "nước rút". Từ năm lớp 8, em đều đặn đi học thêm những môn chính 5 buổi mỗi tuần. Em cũng tham gia vào đội tuyển môn Toán ở trường THCS để phát triển bản thân”.
Chia sẻ về kinh nghiệm ôn thi trong giai đoạn "nước rút", Đức Nam cho biết bạn luôn lên lịch học chi tiết và nghiêm khắc với bản thân: Sáng bạn học từ 7h30 đến 10h, chiều học từ 14h đến 17h và tối học từ 20h đến 1h đêm.
Mỗi môn thi Nam đều có một phương pháp học tập phù hợp với mình. “Đối với môn Ngữ Văn, em không “học tủ” mà học kĩ hết tất cả các tác phẩm. Trong những tuần cuối, em đặc biệt ôn luyện kĩ những tác phẩm trọng tâm, được thầy cô đánh giá có khả năng ra trong đề thi cao. Bên cạnh đó, em không học Văn theo cách truyền thống mà em vẽ sơ đồ tư duy ra để học hiểu một cách khoa học nhất”, Nam cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện môn Toán, Đức Nam cho biết đề thi các năm trước chính là kho báu chứa các kiến thức đầy đủ và trọng tâm nhất. Bạn tập trung ôn luyện và lưu ý những dạng bài thường xuất hiện ở những năm trước. Đồng thời, việc làm thử các đề thi giúp bạn trau dồi kỹ năng làm bài thi đảm bảo yêu cầu nhanh và chính xác.
Đối với môn tiếng Anh, Nam chú tâm học thuộc những cấu trúc ngữ pháp thường xuất hiện trong đề thi những năm trước. Đặc biệt, nhiều thí sinh thường hay làm sai ở những câu phát âm và mất nhiều điểm. Vì vậy, bạn học thuộc kỹ những quy tắc phát âm và dành nhiều thời gian luyện đề để có thể đạt được số điểm tối đa.
Bình tĩnh, tự tin, chiến thắng
Bên cạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, các bạn học sinh cũng nên trang bị cho mình những kỹ năng làm bài thi hiệu quả. Việc bình tĩnh phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý chính là bí quyết giành được điểm 10 môn Toán của Đinh Đức Nam.
Đức Nam cho biết, trong khoảng 60 phút đầu tiên của bài thi môn Toán, bạn cố gắng hoàn thành hết những câu cơ bản để nắm chắc điểm 8 trong tay. Còn lại 30 phút cuối sẽ là lúc nam sinh dồn sự tập trung vào hai câu nâng cao để có thể giành được số điểm tối đa. Mỗi khi gặp vướng mắc, Nam sẽ cho bản thân những khoảng nghỉ từ 3 đến 5 phút để cho đầu óc được nghỉ ngơi. Mỗi lần làm xong một bài bạn cũng đều kiểm tra lại kỹ càng, tránh mắc phải sai lầm đáng tiếc.
“Khi làm bài thi, để giữ cho bản thân không mất bình tĩnh, em tránh để tâm đến các thí sinh khác. Em chỉ tập trung nhìn vào giấy thi và cố gắng hoàn thành đề nhanh và đúng nhất có thể. Em thấy tự tin khi em đã hoàn thành xong bài của mình lúc còn nhiều thời gian và nhìn thấy các bạn vẫn đang chăm chú làm bài”, Nam hào hứng chia sẻ.