Thưởng Tết bằng vật liệu, nên hay không?
(Sóng Trẻ)- Trước thông tin từ 2021, các đơn vị có thể thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật thay vì tiền, đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
Thưởng Tết thay Tiền bằng hiện vật
Bộ Luật Lao động 2019 (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua, có nhiều thay đổi, cho phép mở rộng các hình thức thưởng cho người lao động (NLĐ) từ 1-1-2021. Cụ thể, điều 104 Bộ Luật Lao động 2019 (sửa đổi) quy định: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Như vậy, theo điều luật này, thay vì thưởng tết bằng tiền, sẽ mở rộng thêm các hình thức thưởng khác bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
Câu hỏi về vấn đề thưởng Tết đã và đang được người lao động quan tâm
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức thưởng bình quân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019 bằng khoảng 1 tháng lương là 6,31 triệu đồng/người, tăng 11,4% so với năm 2018 (năm 2018 là 5,527 triệu đồng/người).
Dù không phải là điều khoản bắt buộc mỗi doanh nghiệp phải trả cho NLĐ, nhưng thống kê cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều lựa chọn hình thức thưởng Tết bằng tiền.
Thưởng Tết bằng hiện vật, nên hay không?
Dù mới chỉ là những thông tin ban đầu, nhưng những thông tin này đã thật sự rất hot, gây hoang mang với một bộ phận không nhỏ dư luận xã hội. Nhiều người lao động tự đặt câu hỏi: “ Tôi làm việc ở nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng sinh lý, không lẽ Tết mang mấy hộp thuốc về, còn chồng làm ở công ty sản xuất ô tô, liệu có được thưởng ô tô không?”
Nhiều người khác cũng bày tỏ nỗi lo của mình. Với các ngành nghề như khai thác than, dầu, vệ sinh môi trường,…thì sản phẩm ở đây được tính là gì?
Nhiều người tỏ ra quan ngại về nghị định mới này
Gây khó cho người lao động
Mặc dù quy định này đến 2021 mới được đưa vào thực hiện, nhưng không thể phủ nhận sự lo lắng của người lao động.
Chị Nguyễn Hải Lan, công nhân vệ sinh môi trường cho biết: “ Tôi là một công nhân vệ sinh môi trường, cả năm đợi đến ngày Tết mong có chút thưởng thêm để về lo cho gia đình. Giờ thưởng bằng sản phẩm, thế sản phẩm là gì?”.
Chị Hoàng Bình An (nhân viên kinh doanh) cũng bày tỏ: “ Sở thích, nhu cầu của mỗi người khác nhau, vì thế thưởng Tết bằng sản phẩm là hoàn toàn không hợp lý. Thế người bị dị ứng với hải sản mà công ty đông lạnh thưởng tết bằng tôm, bằng mực, hóa ra lại tự đầu độc mình à?”
“ Đa số người lao động mức trung bình đều có đời sống không dư giả, Tết đến nhiều khoản phải chi tiêu, cứ bằng tiền mặt là hợp tình, hợp lý nhất”- anh Đoàn Văn Hưng chia sẻ.
Trước những băn khoăn, thắc mắc của người lao động, chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh – Luật sư Công ty Luật TNHH SEC Việt Nam cho biết: “ Kể từ thời điểm 01/01/2021 thì Bộ luật lao động đã bỏ khái niệm Tiền thưởng thay bằng khái niệm Thưởng. Như vậy, việc thưởng không bắt buộc phải là tiền mà có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác có thể thực hiện như: Khen thưởng bằng lời nói, khen thưởng bằng bằng khen, tặng Voucher, Coupon, chương trình du lịch, gói chăm sóc sức khỏe ….
Việc những người lao động làm tại các ngành than, dầu khí, phụ tùng, xăng xe… nhận thưởng bằng sản phẩm liệu có phù hợp không. Tôi cho rằng điều đó phụ thuộc vào ý chí của người sử dụng lao động. Bởi quan hệ lao động là quan hệ mua bán sức lao động, người lao động có thể nghỉ việc ở công ty. Người sử dụng lao động khi đưa ra biện pháp thưởng thì mục đích chính là muốn giữ chân nhân sự nên nếu đưa ra hình thức thưởng không thiết thực cho người lao động thì người ta sẽ nghỉ việc. Đây là mối quan hệ hai chiều, quan hệ bình đẳng. Người lao động có quyền cao nhất là chấm dứt hợp đồng nếu lương thưởng không thỏa đáng”.
Đa số người lao động đều mong nhận được thưởng Tết bằng tiền mặt
Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Phó trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Lao động 2012 sửa đổi (nay là Bộ luật Lao động sửa đổi) cho hay, việc quy định nhiều hình thức thưởng thay vì chỉ thưởng bằng tiền nhằm mở rộng phạm vi, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Bởi nài tiền mặt, các doanh nghiệp đã có nhiều hình thức cho người lao động như du dịch, các dịch vụ mua sắm,.. thậm chí, một số công ty còn thưởng tết bằng tivi, tủ lạnh,…
Bộ luật Lao động sửa đổi cũng quy định, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, nên theo ông Doãn Mậu Diệp, người lao động không cần quá lo lắng.
Người lao động chế ảnh về việc nếu thưởng Tết bằng chính sản phẩm nơi doanh nghiệp họ sản xuất thì sẽ là gì.
“ Người lao động có quyền từ chối nếu sản phẩm không đảm bảo đúng tiền thưởng”
Từ những bất đồng quan điểm giữa người lao động và một bộ phận doanh nghiệp, ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trên các bài chia sẻ đã khẳng định, người lao động có quyền từ chối nếu doanh nghiệp trả thưởng bằng sản phẩm dịch vụ mà họ không thích hoặc giá trị sản phẩm dịch vụ không đảm bảo bằng đúng tiền thưởng của mình.
Bằng ý kiến của mình, ông Lợi khẳng định “ không cảm thấy lo ngại về quy định này” bởi quy định tạo ra sự linh hoạt cho doanh nghiệp – có thể trong thực tiễn cuộc sống diễn ra mà người lao động cũng muốn.
Theo ông, Tết năm 2020 thì chưa áp dụng, nhưng từ năm 2021 khi luật có hiệu lực thi hành thì Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn. Về nội dung này phải hết sức cẩn thận để đảm bảo giá trị thực tế của tiền thưởng cho người lao động.
Người lao động có quyền từ chối nếu sản phẩm không đáp ứng đúng giá trị
Ông Trần Văn Long – Giám đốc Công ty CP Phụ tùng ô tô TM68 chia sẻ: “ Với mặt hàng kinh doanh tại Công ty tôi là phụ tùng ô tô thì khi thưởng Tết cũng chưa phù hợp với người lao động nếu thưởng bằng sản phẩm. Vì vậy, tôi xét về mức độ nhu cầu, thực tế của từng người để có mức thưởng cho phù hợp. Đối với đơn vị, tôi sẽ thưởng bằng tiền”.
Như vậy, cần có các văn bản luật khác để hướng dẫn. Đảm bảo đến năm 2021, khi luật được thực thi, sẽ không có bất kỳ sự bất đồng quan điểm nào tồn tại.
Thưởng Tết bằng vật liệu, có phải là phương án “ thuận cả đôi đường”? Hãy cùng Sóng Trẻ chia sẻ quan điểm về vấn đề này! Ý kiến của bạn có thể gửi về hòm thư [email protected] hoặc viết trực tiếp vào bình luận ở cuối bài.
Nhóm BĐMT
Báo mạng điện tử K36A3
Bộ Luật Lao động 2019 (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua, có nhiều thay đổi, cho phép mở rộng các hình thức thưởng cho người lao động(NLĐ) từ 1-1-2021. Cụ thể, điều 104 Bộ Luật Lao động 2019 (sửa đổi) quy định: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Như vậy, theo điều luật này, thay vì thưởng tết bằng tiền, sẽ mở rộng thêm các hình thức thưởng khác bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. |
Cùng chuyên mục
Bình luận