Tổng kết diễn đàn: Vì sao giới trẻ không còn mặn mà với kịch nói?
(Sóng trẻ) – Sau một tuần BBT Sóng trẻ mở diễn đàn: Vì sao giới trẻ không còn mặn mà với kịch nói?, rất nhiều độc giả đã tham gia bình luận, đóng góp ý kiến.
Theo độc giả, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng giới trẻ ngày nay không còn mặn mà với kịch nói có thể kể đến như: thiếu đổi mới về mặt nội dung, truyền thông chưa hiệu quả, bão hoà các hình thức giải trí và thị hiếu của công chúng thay đổi.
Thiếu đổi mới về mặt nội dung
60% các ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ không mặn mà với kịch xuất phát từ nội dung kịch nói chưa hấp dẫn và thiếu tính thời sự. Nhiều độc giả bày tỏ quan điểm: nội dung của các vở kịch đã cũ, chủ yếu phục dựng các câu chuyện từ thế kỉ trước, không còn phù hợp với xã hội hiện tại.
Nhiều độc giả gửi ý kiến về cho diễn đàn (Ảnh chụp màn hình)
Độc giả [email protected] bình luận: “Sân khấu kịch đang mất dần khán giả là do nội dung các vở diễn không còn sức hút với họ. Cụ thể như các sân khấu kịch công lập quanh đi quẩn lại những đề tài truyền thống mang nặng tính giáo dục, trong khi đó các sân khấu xã hội hoá lại na ná nhau với các đề tài về ma, hài, kinh dị, bạo lực,… Đề tài không mới, không có nét riêng, không theo kịp nhịp sống thời đại, nội dung lại giống nhau, lâu dần khiến người xem cảm thấy nhàm chán…”
Bạn đọc [email protected] cũng cho rằng: “Nội dung của các vở kịch hiện nay né tránh các đề tài được khán giả quan tâm là nguyên nhân lớn khiến khán giả quay lưng với sân khấu. Hiện nay không ít các nhà hát, các đoàn kịch của ta hiện nay vẫn chọn kịch bản cổ lỗ, đề tài hiền lành và trì trệ về nghệ thuật biểu diễn, khiến người xem – nhất là người trẻ từ chối sân khấu”.
[email protected] cho ý kiến: “Sân khấu hiện nay toàn nói những điều nói rồi, biết rồi với kịch bản cổ xưa trong khi trình độ của khán giả cũng như thời đại đã khác xưa”.
Truyền thông chưa hiệu quả
20% độc giả cho rằng nguyên nhân của vấn tình trạng giới trẻ không còn mặn mà với kịch nói xuất phát từ cách tiếp cận khán giả, nói cách khác là khâu truyền thông chưa hiệu quả
Nhiều độc giả đã đặt ra phép so sánh giữa hoạt động truyền thông, quảng cáo của kịch nói và hoạt động truyền thông, quảng cáo của phim truyền hình. Theo những độc giả này, sự khập khiễng trong khâu truyền thông giữa hai loại hình nghệ thuật kể trên rất rõ ràng, và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người trẻ không biết nhiều đến kịch nói.
[email protected] bày tỏ: “Theo tôi thì sự tiếp cận của kịch chưa đủ thu hút được giới trẻ do khâu truyền thông chưa đủ mạnh, do chưa quảng cáo đủ hấp dẫn dẫn đến cho người xem không còn hứng thú. Chưa tổ chức được nhiều chương trình thu hút sự tham gia của giới trẻ”.
Trong khi đó, độc giả [email protected] bình luận: “Theo mình, lí do dẫn đến việc kịch nói không thu hút được người trẻ là bởi khâu truyền thông, quảng cáo chưa hiệu quả. Trong khi phim truyền hình, phim rạp hay cả âm nhạc nữa, được quảng bá rầm rộ trên mọi phương tiện thì kịch nói lại không chú trọng. Gần như chẳng ai biết vở kịch nào sắp hoặc đang công diễn cả. Kịch nói đựợc chuyển thể từ nhiều tác phẩm văn học kinh điển, hãy thử đặt câu hỏi vì sao người ta vẫn mua sách để đọc nhưng lại không xem kịch, dù xem kịch rõ ràng trực quan hơn, sinh động hơn? Thiết nghĩ, các nhà hát kịch nên chú trọng về khâu truyền thông để khán giả nói chung và người trẻ nói riêng biết đến cái hay, cái hấp dẫn riêng có của kịch nói”
Khâu truyền thông chưa hiệu quả có thể là nguyên nhân làm kịch nói bị quên lãng (Ảnh: Dân trí)
Bão hoà các hình thức giải trí và thị hiếu của công chúng thay đổi
15% độc giả cho rằng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều “món ăn tinh thần” thì việc kịch nói bị quên lãng là điều không quá khó hiểu. Ngày nay, giới trẻ có quyền tự do lựa chọn các hình thức giải trí hấp dẫn, thú vị thay vì các loại hình nghệ thuật dân gian, cổ điển như trước đây.
Cạnh đó, thị hiếu công chúng, đặc biệt là giới trẻ cũng có nhiều thay đổi, mỗi thế hệ có một cái nhìn khác nhau về nghệ thuật và thói quen giải trí.
Bạn đọc [email protected] chia sẻ quan điểm: “Theo tôi nguyên nhân xuất phát tự sự xuất hiện ngày càng nhiều loại hình giải trí hấp dẫn và hiện đại trên thị trường, các đài truyền hình từ thành phố đến nhiều tỉnh thành đều đua nhau thực hiện các gameshow hài có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, tổ chức dàn dựng và trình chiếu suốt cả ngày trên các kênh truyền hình những tiểu phẩm tấu hài, hài kịch… đã khiến lượng khán giả đến với các sân khấu kịch bị chia sẻ. Các đoàn kịch tư nhân phát triển hơn nhưng mặt bằng không có, con người, diễn viên cũng khan hiếm hơn. Tới một lúc nào đó, nếu sân khấu kịch vẫn không nhận được sự quan tâm hợp lý thì điều đó là điều tất yếu.”
Cũng có độc giả cho rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng đặt ra là đội ngũ diễn viên của các nhà hát kịch chưa tạo được hiệu ứng sân khấu. Những hạn chế trong đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ này cần được khắc phục là ý kiến của độc giả [email protected]
Tình trạng giới trẻ không còn mặn mà, quan tâm đến kịch nói xuất phát từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Bên cạnh thị thiếu của công chúng thay đổi, các nhà hát kịch cần xem lại phương thức tổ chức, sản xuất các sản phẩm nghệ thuật, nội dung phải gần gũi với đời sống hiện đại. Cạnh đó, công tác truyền thông, quảng cáo cần được chú trọng hơn nữa.
Diễn đàn “Vì sao giới trẻ không còn mặn mà với kịch nói?” xin phép được khép lại. BBT Sóng Trẻ cảm ơn sự ủng hộ và quan tâm của các bạn độc giả trong thời gian vừa qua. Mong rằng Sóng Trẻ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và theo dõi của quý độc giả trong các diễn đàn sau.
Thuỷ Tiên, Thu Hà, Lan Anh, Nguyễn Thường, Thu Hằng, Cao Oanh, Thu Hương, Minh Anh
BMK34