Trái tim người trẻ: Cần được bảo vệ trước áp lực vô hình
(Sóng trẻ) - Những áp lực vô hình từ cuộc sống đã đẩy một bộ phận giới trẻ đến bước đường cùng, buộc họ phải lựa chọn tự vẫn như một cách giải thoát cho chính mình.
Tin tức tự tử tràn ngập các trang báo
Thuận Phước, một trong những cây cầu đẹp nhất Đà Nẵng, còn mang cái tên khác: “tử thần” bởi liên tục xảy ra các vụ nhảy cầu tự tử. Gần đây nhất là vụ việc một thanh niên tỉnh Đăk Lăk sinh năm 2000 đến Đà Nẵng lập nghiệp đã gieo mình xuống sông Hàn tự vẫn.
Hay như vụ việc gây xôn xao dư luận trong những ngày đầu trở lại trường sau dịch bệnh, Nguyễn Văn Nghĩa (19 tuổi, quê Bình Định) được phát hiện tử vong trên sông Sài Gòn sau nhiều ngày mất tích. Lực lượng chức năng kết luận nguyên nhân là tự tử do áp lực học tập khi họ phát hiện trong ba lô của Nghĩa có cục xi măng nặng gần 10kg.
Trong buổi tọa đàm “Tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu, phòng ngừa và can thiệp tự sát ở trẻ em và thanh thiếu niên” diễn ra vào ngày 4/5/2022, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra những con số đáng báo động khi có 41.000 người tự tử mỗi năm, cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử; tình trạng tự tử ở thanh thiếu niên 15-24 tuổi đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua.
Theo khảo sát được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện cuối tháng 2, trong 341.830 học sinh ở các tỉnh, thành, 45% gặp vấn đề sức khỏe, bao gồm các vấn đề sức khỏe tâm lý, tinh thần, trong thời gian học trực tuyến.
Theo khảo sát của WHO ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 6 khu vực cho thấy số ca rối loạn lo âu, trầm cảm tăng đáng kể trong giai đoạn Covid 19 và hậu Covid. Cũng trong giai đoạn này, nhóm tuổi 11-17 tuổi có tỉ lệ tự tử cao nhất.
Liệu áp lực học tập có phải là nguyên nhân duy nhất?
Nguyễn Tường Vy, sinh viên năm nhất tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ bản thân đã từng nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời sau những lần nhận về kết quả học tập không mong muốn. Vy nhấn mạnh, áp lực học tập là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.
Nguyễn Thanh Hương, bạn cùng lớp với Vy, cũng có những áp lực từ bạn bè và từ chính bản thân nhưng bạn chưa từng nghĩ sẽ chọn con đường tự vẫn bởi Hương không muốn bố mẹ phải chịu cảnh "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
"Tôi cũng đã từng kỳ vọng nhiều vào con nhưng đến bây giờ tôi nhận ra để con phát triển theo đúng năng lực, khả năng của bản thân mới là cách giáo dục đúng đắn. Cậu con trai nhà tôi vẫn còn bị áp lực từ nhà trường, bạn bè nhưng đó là những áp lực cần thiết để con có động lực cải thiện bản thân", là những lời chia sẻ chân thật từ cô Trần Cẩm Vân (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) hiện có con học lớp 8.
Theo PSG.TS Phạm Hương Trà, phó trưởng khoa Xã hội học và Phát triển tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có nhiều nguyên nhân khiến thanh thiếu niên trở nên tiêu cực. Thứ nhất, các bạn bị ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội như những bình luận miệt thị ngoại hình, tin tức tự vẫn của nhiều ngôi sao giải trí Hàn Quốc,... Bên cạnh đó, xã hội cũng đặt ra những chuẩn mực vô hình mà bao nhiêu mối quan hệ thì bấy nhiêu sự kỳ vọng đặt lên đôi vai của giới trẻ.
Trên trang Facebook còn tồn tại một hội nhóm với tên gọi “Hội những người muốn tự tử” thu hút 30.000 tài khoản tham gia. Một tài khoản tên Lê Thị Mỹ Trâm đăng tải dòng tâm sự: “Mọi người luôn nói gia đình là nơi để về, là chỗ dựa duy nhất nhưng mình tủi thân lắm vì mình có bố nhưng bố mình mất gì cũng đều quy cho mình mặc dù mình đã nói là mình không lấy nhưng bố vẫn chửi mắng… thế giới này sinh ra mình nhưng mình chẳng nhận được sự yêu thương từ ai cả”.
Cũng từ nhóm trên, một tài khoản khác đưa ra “lời khuyên”: “Mình vừa trải qua một lần tự sát, uống 10 viên lexoli, 2 vỉ panadol, hôn mê 2 ngày liền, nôn mửa hành hạ cơ thể nhiều lắm, ai muốn tự sát đừng dùng thuốc ngủ, không chết đâu”.
Điểm chung ở những người muốn tự tử là họ đều có xu hướng tuyệt vọng hóa vấn đề gặp phải và lựa chọn những phương án giải quyết cực đoan. Đây chính là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc họ đang bị “quái vật” trầm cảm hành hạ.
Trong buổi tọa đàm về phòng ngừa tự sát ở tuổi vị thành niên được Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức chiều 7/4/2022, các bác sĩ cho biết trong số các trường hợp tự sát, 98% có rối loạn về sức khỏe tâm thần tại thời điểm xảy ra sự việc. Trong rối loạn tâm thần, trầm cảm là bệnh lý thường gặp nhất.
Can thiệp tự tử như thế nào?
Sự chia sẻ, thấu cảm từ gia đình là nền tảng thiết lập tâm lý vững vàng sau này cho các con. Bạn Nguyễn Thanh Hương (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Bố mẹ tớ không gây áp lực cho con cái về chuyện học mà đều để tớ tự giác quyết định thành tích học tập của mình, họ chỉ nhắc nhở và giúp tớ đưa ra cách giải quyết khi tớ bị điểm kém hay gặp các vấn đề trong học tập”.
Thanh Hương bổ sung: “Tớ là người không có gì nổi trội nhưng lại chơi với các bạn rất giỏi nên vô hình trung tớ cảm thấy bản thân rất kém cỏi. Nhưng “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” nên tớ luôn tự dặn lòng sẽ cố gắng, đạt được những thành tích tốt hơn để bản thân và bố mẹ tự hào”.
Ở đây, Hương nhận ra sự quan trọng của việc thay đổi nhận thức chính bản thân về những thử thách mình gặp phải; thay vì chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề, Hương chuyển hóa nó trở thành động lực vươn lên.
Đồng quan điểm với Thanh Hương, Trương Mai Thi, sinh viên năm hai của Học viện Ngân hàng, nhấn mạnh: “Mình thường tự giải quyết những khó khăn mà bản thân gặp phải bởi mình nghĩ chỉ qua khó khăn mới rèn luyện được bản lĩnh và nghị lực; quả thật, giờ đây mình trở nên lạc quan hơn”.
Không phải ai cũng may mắn sở hữu tâm lý ổn định như Hương và Thi, vậy nên khi bản thân có quá nhiều suy nghĩ tiêu cực, các chuyên gia tâm lý khuyên nên đến bệnh viện để được kiểm tra và được đưa ra phương án chữa trị thích hợp nhất. Nhiều trường hợp vì ngại đến gặp bác sĩ nên tình trạng bệnh trầm trọng đến mức lựa chọn những hành vi cực đoan như uống thuốc tự tử, cắt cổ tay,....
Nhận thấy sự gia tăng chóng mặt của tỉ lệ học sinh mắc bệnh trầm cảm, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn phải thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ các em học sinh có vấn đề cần chia sẻ, tâm sự.
Ngoài ra, trường học được yêu cầu rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh; có kế hoạch phòng ngừa các vấn đề phức tạp, hạn chế để các em bị xâm hại, bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.