Trò chuyện với nhà báo khiếm thị gieo “Niềm tin ánh sáng”

(Sóng trẻ) - Chương trình “Niềm tin ánh sáng” trên kênh VOV giao thông đã không còn quá xa lạ với các bạn nghe đài. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, đằng sau những tác phẩm ý nghĩa được nhiều thính giả yêu thích là công sức, sự cống hiến của chàng trai khiếm thị luôn mang trong mình ngọn lửa đam mê với nghề báo – Hoàng Văn Lý.

Khi tôi đến gặp anh, anh đang làm việc say sưa bên máy tính, hoàn thành nốt phóng sự cho kịp chương trình phát sóng của đài. Nhìn đôi tay gõ bàn phím nhanh nhạy, những bước cắt khúc, chỉnh sửa âm thanh thuần thục, chuyên nghiệp bằng phần mềm trên máy tính, không ai có thể tin rằng anh là một người khiếm thị. Và càng bất ngờ hơn khi biết một người khiếm thị như anh đang làm công việc của một nhà báo. 

4ffabbd9e_anh_1_.png
Anh Lý đang say sưa làm việc bên máy tính

Sinh ra trong một già đình nghèo ở Phúc Thọ, Hà Nội, giống như bố và các em của mình, ngay từ khi lọt lòng mẹ, anh Hoàng Văn Lý đã không nhìn thấy ánh sáng. Đến tuổi đi học, anh khao khát được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Thương con, mẹ dẫn Lý đi khắp nơi xin học, ngày ấy rất ít trường chấp nhận học sinh khiếm thị, khó khăn lắm anh mới được nhận vào một trường công lập. “Có công mãi sắt, có ngày nên kim”, với nỗ lực học tập không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, anh dần tốt nghiệp cấp 2 rồi cấp 3 với kết quả cao đáng khâm phục. 

Ngay từ khi còn học phổ thông, niềm đam mê viết báo đã nảy nở trong anh. Những bài báo đầu tiên được đăng trên báo Nhi đồng, Tiền phong càng thôi thúc ngọn lửa cháy bỏng trong anh. Quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực, anh thi vào khoa Báo trường Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. 

4 năm học Đại học, anh không ngừng học tập và trau dồi kĩ năng viết báo cho mình. Sau khi tốt nghiệp, anh trở thành cộng tác viên cho kênh VOV giao thông thuộc Đài tiếng nói Việt Nam. 5 năm gắn bó với nghề, từ một cộng tác viên, hiện nay, anh đã là chủ nhiệm chương trình “Niềm tin ánh sáng” trên kênh VOV giao thông, đều đặn lên sóng 3 số mỗi tuần. Dưới sự dẫn dắt của anh, chương trình ngày càng nhận được sự ủng hộ của các bạn khán thính giả nghe đài.

Không thể nhìn, anh cảm nhận cuộc sống qua âm thanh và bằng trái tim mình. Chỉ với chiếc mic nhỏ, máy ghi âm, anh đi khắp nơi phỏng vấn, lấy ghi kiến, viết bài, anh còn có thể tự biên tập thành tác phẩm phát thanh hoàn chỉnh.

Cùng trò chuyện với anh để hiểu rõ hơn công việc của một nhà báo khiếm thị.

PV: Chào anh! Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về công việc anh đang làm tại VOV giao thông?

Hoàng Lý: Công việc hiện nay của tôi tại VOV giao thông là phụ trách một chương trình “Niềm tin ánh sáng” dành riêng cho người khiếm thị. Tôi vừa là biên tập viên sản xuất chương trình vừa là phóng viên khai thác tin bài để sử dụng cho chương trình.

PV: Nghề báo là một trong những nghề nguy hiểm và vất vả nhất. Thường người khiếm thị chọn cho mình những công việc ít phải di chuyển nhiều, ít vất vả hơn như tư vấn pháp luật, xoa bóp bấm huyệt, làm đồ gốm sứ... Em được biết anh từng theo học ở nhạc 8 năm, thời Đại học cũng từng đi lưu diễn nhiều nơi. Tại sao anh lại từ bỏ "nghiệp cầm ca" để đến với nghề báo?

Hoàng Lý: Thực tế tôi cũng có theo học nhạc và cũng từng tham gia ban nhạc của các bạn khiếm thị. Tuy nhiên, âm nhạc đối với tôi chỉ là một lĩnh vực nghệ thuật giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm mới trong cuộc sống và cũng là liệu pháp tinh thần rất tốt. Còn làm báo mới là đam mê thật sự của tôi. 

Nói về nghề báo cũng là cái duyên, mình lựa chọn nghề và nghề cũng lựa chọn mình. Trước đây khi còn học phổ thông tôi cũng tập tành viết báo, những bài được đăng càng thôi thúc tôi viết nhiều hơn. Sau đó, tôi gặp được nhiều người anh, người chị là những phóng viên chuyên nghiệp, và chính họ đã cho tôi những bài học đầu tiên về công việc làm báo. Từ đó, niềm đam mê nghề báo này nó cứ lôi cuốn tôi lúc nào không hay!

PV: Anh đã chọn báo phát thanh để thực hiện ước mơ của mình, vậy với lĩnh vực phát thanh đã phát huy được những lợi thế gì của anh?

Hoàng Lý: Thông thường đối với người khiếm thị, khi mất đi giác quan thị giác thì người ta sẽ tập trung hơn vào khả năng nghe và khẳ năng cảm nhận. Đó chính là lợi thế lớn nhất của tôi khi làm phát thanh. Bởi khi làm phát thanh chỉ là làm việc với các file âm thanh và công cụ để cho phóng viên phát thanh tác nghiệp cũng rất đơn giản chỉ máy ghi âm và máy tính. Máy ghi âm có thể sử dụng dễ dàng, còn máy tính có sự hỗ trợ của phần mềm dành cho người khiếm thị nên tôi có thể chủ động đến 95% trong quá trình sản xuất ra một sản phẩm phát thanh của mình.

PV: Là người khiếm thị, trong quá trình tác nghiệp của anh có gì khác so với những đồng nghiệp của anh?

Hoàng Lý: Có lẽ khác biệt nhất chính là tôi luôn phải nghiên cứu đối tượng khai thác thông tin nhiều hơn so với các đồng nghiệp khác. Đồng thời việc làm thế nào để có thể di chuyển được khi đi lấy tin bài cũng là điểm khác so với các đồng nghiệp cùng làm việc với tôi.

4ffabbd9e_anh_2.png
Anh Lý phỏng vấn, lấy tin bài

PV: Không có công việc nào là dễ dàng, trong suốt 5 năm làm báo, có bao giờ anh gặp khó khăn đặc biệt khiến anh có suy nghĩ từ bỏ công việc mình đang theo đuổi?

Hoàng Lý: Có lẽ khó khăn lớn nhất trong quá trình tác nghiệp của tôi chính là việc thuyết phục người khác rằng một người khiếm thị như tôi cũng có thể làm báo. Bởi vì khi liên hệ phỏng vấn, tôi phải liên hệ với rất nhiều những đối tượng khác nhau. Với một người khiếm thị như tôi thì liên hệ làm sao để họ tin tưởng, họ có thể gửi gắm những chia sẻ của họ cho mình thì đấy là khó khăn và áp lực rất lớn. Nài ra những lúc di chuyển nài đường ví dụ như bắt nhầm xe buýt, lỡ hẹn hay đơn giản những va chạm nho nhỏ trên đường nhất là khi công việc luôn áp lực cũng cho tôi cảm giác rất mệt mỏi.

PV: Trong những trường hợp như vậy, anh đã làm cách nào để thuyết phục nhân vật rằng người khiếm thị cũng có thể làm báo như những người bình thường?

Hoàng Lý: Trong những tình huống như vậy, tôi có 2 cách. Thường thì tôi sẽ gửi cho nhân vật của mình những tác phẩm mà tôi đã làm trước đó, nhất là những tác phẩm đạt được thành công nhất định trong những lĩnh vực mà họ có thể tham gia được. Hoặc nếu nhân vật quá khó tính thì tôi sẽ không cho họ biết mình là phóng viên khiếm thị, tôi sẽ áp dụng những phương thức phỏng vấn khác qua điện thoại hoặc skype. Sau khi tác phẩm được phát sóng, tôi sẽ thông báo lại giờ phát sóng để họ đón nghe và tôi mang sản phẩm trực tiếp đến gửi cho họ. Nhờ vậy mà rất nhiều nhân vật của tôi quay lại hợp tác lại với tôi trong những đề tài khác.

PV: Những người làm báo thành công thường có sự hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Đối với anh, vấn đề này như thế nào?

Hoàng Lý: Tôi cho rằng gia đình là điểm tựa rất vững chắc để cho những người làm báo có thể phát huy được lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Và tôi tự thấy mình là người may mắn khi có một người vợ đảm đang và những đứa con xinh xắn. Vợ tôi luôn hiểu và luôn là người động viên trong lúc tôi gặp khó khăn nhất!

PV: Những dự định trong tương lai của anh là gì?

Hoàng Lý: Dự định trong tương lai của tôi là tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Niềm tin ánh sáng” trở thành chương trình ngày càng gần gũi và thân thiết với những người khiếm thị hơn. Đồng thời qua chương trình là cầu nối để xã hội hiểu hơn về người khiếm thị. 

Nài ra tôi cũng mong muốn nài lĩnh vực làm về phát thanh này, có thể thời gian tới sẽ phát triển thêm ở lĩnh vực sản xuất loại hình báo chí đa phương tiện khác như cùng cộng tác với một số tờ báo mạng để phát triển sản phẩm radio của họ.

PV: Theo anh, điều gì quan trọng nhất đối với một người làm báo?

Hoàng Lý: Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất đối với một người làm báo là luôn phải giữ trong mình ngọn lửa đam mê nghê nghiệp. Nếu không có ngọn lửa đam mê đó chúng ta không thể vượt qua được những khó khăn, thử thách bởi công việc làm báo đặt ra. Những áp lực về đề tài, hoàn thành tin bài đúng thời hạn hay những sai xót trong làm nghề sẽ khiến chúng ta mệt mỏi. Nếu không có đam mê, sự say với nghề thì chúng ta không thể đứng vững sau những lần như vậy.

Cảm ơn anh Hoàng Văn Lý về cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Chúc anh gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường mình đã chọn.

Đặng Thị Hồng Nhung
Truyền hình K32A2


 

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN