Trồng bàng lá nhỏ thay thế cây phong có phải phương án tối ưu nhất?
(Sóng trẻ) - Thành phố Hà Nội sẽ trồng bàng lá nhỏ thay thế hàng phong khô héo ở tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Phương án này nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người dân.
Sau 3 năm trồng thử nghiệm không đem lại hiệu quả, hàng trăm cây phong lá đỏ trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng khô héo, không thể sinh trưởng, gây mất mỹ quan đô thị.
Trước thực trạng trên, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội về phương án thay thế cây phong trên dải phân cách của 2 tuyến phố này.
Theo đó, thành phố sẽ trồng thay thế bằng giống bàng lá nhỏ hoặc đan xen bàng lá nhỏ với các cây cọ dầu.
Bàng lá nhỏ (hay còn gọi là bàng Đài Loan) thuộc loại cây thân gỗ cỡ trung, nhiều cành, nhánh, tạo vòng ngang với tán lá nhiều tầng. Cây thường rụng lá vào mùa đông, vỏ có màu nâu xám.
Loài cây này đã trồng tại nhiều công viên, trên khắp các tuyến phố của Hà Nội, được đánh giá có nhiều ưu điểm như không cần cắt tỉa thường xuyên, lá nhỏ, khi rụng ít gây ô nhiễm. Ngoài ra, thân cây thẳng, phân cành cao, không làm ảnh hưởng đến giao thông.
Việc trồng cây dự kiến hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Trước thông tin trên, nhiều người dân đồng tình, cũng không ít người cảm thấy khó hiểu khi thành phố lại lựa chọn bàng lá nhỏ và cọ dầu trong khi Việt Nam có nhiều cây bản địa đẹp, dễ trồng và chi phí rẻ hơn.
Phóng viên đã đến một số tuyến phố, nơi trồng loại cây này để ghi nhận phản hồi của người dân.
“Từ năm nhất đại học, tới phố Trần Thái Tông thuê trọ, mình đã thấy cây bàng này rồi. Không biết chúng được trồng từ khi nào nhưng ở đây gần 4 năm, mình thấy cây xanh tốt lắm. Có lẽ, bàng lá nhỏ phù hợp với thời tiết Hà Nội”, Minh Anh (22 tuổi) chia sẻ.
Bình (27 tuổi), quản lý cửa hàng quần áo nam trên phố Nguyễn Chánh có chung nhận định: “Thời điểm này là mùa sinh trưởng của cây, lá ra nhiều, vòm tán xếp thành tầng nhìn rất đẹp mắt. Khi cây rụng lá cũng không mất nhiều thời gian để dọn vệ sinh”.
Chị Ngọc (34 tuổi), người dân sinh sống tại phố Phạm Văn Bạch chia sẻ: “Nhà mình cũng trồng một cây ở trong vườn. Cây dễ chăm bón, không cần phải cắt tỉa gì nhiều, phát triển cũng khá nhanh, nhưng mùa đông lá rụng hết nên nhìn không đẹp lắm”.
“Hơn nữa, loài này không phải cây bản địa nên chi phí mua cây giống khá cao. Mình nghĩ thay vì trồng bàng lá nhỏ ở dải phân cách thì nên trồng những cây cho ra hoa như cây ban, hoa nở rất đẹp và còn gợi khung cảnh Tây Bắc ngay tại Thủ đô”, chị Ngọc nói thêm.
Hoàn (26 tuổi), nhân viên Công ty Luật ở Cầu Giấy cho biết anh thường xuyên đi qua những tuyến phố trồng bàng lá nhỏ. Theo Hoàn, loài này có cành, tán cao, không làm ảnh hưởng đến giao thông. Tuy nhiên, đây không phải cây bóng mát nên không thể làm dịu thời tiết nóng bức mùa hè.
Là người phải di chuyển ngoài đường nhiều, anh hy vọng thành phố xem xét phương án trồng những loại cây phù hợp với cảnh quan đô thị nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chí thanh lọc không khí hiệu quả, giúp hạ nhiệt đường phố trong những ngày nắng nóng.
Theo dõi thông tin Hà Nội trồng bàng lá nhỏ thay thế hàng phong trên báo chí, ông Đặng Văn Khôi (60 tuổi), bày tỏ: “Bàng lá nhỏ trồng ở Hà Nội không phải không hợp lý nhưng tôi thấy rất nhiều phố trồng cây này rồi, ngay khu nhà tôi cũng có, nên trồng đan xen, đa dạng các loại cây, hoa sẽ tốt hơn. Đi qua Trung Kính, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng hay các con đường khác, nơi nào cũng trồng bàng lá nhỏ thì không có điểm nhấn”.
“Tôi nghĩ trước khi thay thế một loại cây nào, thành phố nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này để tìm ra cây trồng phù hợp nhất, có sức sống tốt, tránh tình trạng cây không hợp thời tiết, khô héo rồi chết sẽ rất lãng phí”, ông Khôi nói thêm.
Trước đó, đầu năm 2018, Công ty CP đầu tư Tân Đại Đường đã tặng Thành phố Hà Nội hàng trăm cây phong lá đỏ để trồng trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Nhiều người kỳ vọng hàng cây lá đỏ sẽ biến con đường này thành “châu Âu giữa lòng Thủ đô”. Tuy nhiên, ngay khi đưa vào trồng thử nghiệm, giống cây xứ ôn đới đã gây nhiều ý kiến trái chiều.