Túi nhựa phân huỷ sinh học có thân thiện như quảng cáo?
(Sóng trẻ) - Hiện nay, túi nhựa phân huỷ sinh học đang được bày bán và sử dụng ngày càng nhiều trong đời sống người dân. Tuy nhiên, chỉ nhìn qua bao bì và nhãn mác hấp dẫn, nhiều người đang lầm tưởng về tác dụng thực sự của chúng.
Không có công dụng “thần thánh”
Trước thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đe doạ toàn cầu, các loại túi phân huỷ sinh học bỗng nổi lên như một giải pháp cứu nguy môi trường, với những thông tin quảng cáo như “100% thân thiện với môi trường”, “sản phẩm tuyệt đối an toàn”, “bao bì tự huỷ”,… Nhưng trên thực tế, nhiều sản phẩm đã bị vạch trần một số tác hại gây ảnh hưởng đến môi trường.
Loại nhựa biodegradable – loại nhựa sinh học phổ biến nhất đã bị “bóc mẽ” về tác dụng thật sự của chúng. Theo nghiên cứu trên tạp chí Environmental Science and Technology, các nhà khoa học tại đại học Plymouth (Anh) đã kết luận túi biodegradable không thể phân huỷ hoàn toàn trong 3 môi trường: dưới lòng đất, đại dương và không khí. Chúng thậm chí có thể đựng gần 3kg hàng hoá sau 3 năm dưới đất. Thử nghiệm trên cho thấy độ phân huỷ của túi biodegradable không khác gì túi nhựa thông thường.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã chỉ ra quá trình phân huỷ sinh học hiệu quả của loại nhựa biodegradable cần tuân theo một số điều kiện nhất định như nhiệt độ đạt 50 độ C, có tiếp xúc với tia UV,… Đây chính là lý do túi nhựa biodegradable không thể phân huỷ tốt ở bất kỳ môi trường nào trong tự nhiên.
Một loại túi khác thường được sử dụng trong các siêu thị là túi oxo-biodegradable. Theo Hiệp hội Nhựa sinh học Châu Âu, hiện nay chưa có nghiên cứu chứng minh loại nhựa oxo-biodegradable là nhựa phân huỷ sinh học. Oxo-biodegradable có nguồn gốc từ dầu mỏ kết hợp với một số chất phụ gia khiến kết cấu yếu dần chứ không hoàn toàn phân huỷ. Không chỉ vậy, trong quá trình loại nhựa này phân rã, chúng sẽ phân tán các hạt vi nhựa ra môi trường, gây nguy hiểm đến sức khoẻ các loài sinh vật biển.
Một số nước đang gây ra mối đe doạ lớn đến môi trường khi cho phép sử dụng túi oxo-biodegradable. Tuy sản xuất loại túi này tiết kiệm nhiều chi phí nhưng sử dụng chúng gây ra nhiều hậu quả lâu dài đến môi trường sinh thái.
Chị Đ.T.U, chủ một cửa hàng tiện lợi, cho biết: “Bình thường nhìn bao bì là thân thiện với môi trường nên mình cũng tin tưởng, vậy nên đã mua rất nhiều túi phân huỷ sinh học để bán cho khách hàng.”
Bên cạnh đó, túi phân huỷ hữu cơ làm từ thực vật như tinh bột ngô, tinh bột khoai tây được coi là thân thiện hơn so với các loại túi bên trên. Chúng có khả năng hoà tan sau 3 tháng trong môi trường nước, phân mảnh trong 9 tháng khi tiếp xúc với không khí và có thể phân huỷ sau 27 tháng ở trong lòng đất. Tuy nhiên, người dùng cần tìm hiểu và phân biệt loại túi hữu cơ phân huỷ tại nhà và tại cơ sở công nghiệp để đạt được hiệu quả sử dụng tốt nhất.
Khó khăn trong quá trình tái chế
Dù các loại túi nhựa phân huỷ sinh học thân thiện đến đâu, chúng cũng không thể tái chế cùng các loại nhựa khác vì thành phẩm tái chế có nguy cơ cao bị biến chất, dẫn đến việc không thể tái sử dụng. Vì vậy, người dân thường đem túi nhựa sinh học đi tiêu huỷ để tránh mất thời gian. Chị N.T.L, sống tại Ninh Bình chia sẻ: “Mình khá ngại việc phân huỷ riêng biệt túi nhựa sinh học và các loại nhựa khác vì công đoạn này khá cầu kỳ. Vì công việc bận rộn nên mình thường để chung túi nhựa sinh học vào túi rác chung trong gia đình.”
Nguy hiểm hơn, các loại túi nhựa phân huỷ sinh học làm giảm khả năng tiếp nhận ánh sáng của thực vật khi quang hợp. Hạt vi nhựa mà chúng phân huỷ có thể khiến hệ hô hấp của sinh vật suy yếu dần.
Lựa chọn sản phẩm lâu dài
Việc phân phối và sử dụng túi nhựa phân huỷ sinh học vẫn là chủ đề gây tranh cãi trên thế giới. Người dân đang sử dụng túi nhựa phân huỷ sinh học như một giải pháp thức thời, nhưng chưa nghiên cứu nào chứng minh chúng an toàn với môi trường. Các chuyên gia cho rằng thay vì tái chế, tái sử dụng đồ đạc mới là biện pháp tốt nhất để hạn chế sự tác động của túi nhựa lên môi trường. Laura Chatel, đại diện Hiệp hội chống lãng phí Zero Waste chi nhánh Pháp nhận định: “Lời khuyên mà tôi đưa ra luôn phù hợp cho mọi hoàn cảnh: sản phẩm càng dùng được lâu bền, càng có nhiều khả năng tái sử dụng thì càng tốt cho môi trường. Giải pháp này gần như lúc nào cũng đúng”.
Điều này càng cho thấy sự cần thiết của việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người tiêu dùng khi mua sắm đồ dùng hàng ngày. Mỗi người dân cần lựa chọn sản phẩm hợp lý, gắn liền với tiêu chí: sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều nhất chính là sản phẩm xanh nhất.