Văn hóa dân tộc: Tình trạng tiếng còn nhưng chữ mất
(Sóng trẻ)-Chữ viết không chỉ là công cụ để giao tiếp, mà còn là biểu hiện của giá trị văn hóa của mỗi dân tộc. Thế nhưng, một số dân tộc thiểu số đang dần lãng quên những nét chữ mà ông cha để lại. Nhìn từ một địa phương cụ thể là Thanh Hóa có thể thấy rõ thực trạng đáng buồn này.
Hiện nay, đa số người dân tộc Thái thường xuyên sử dụng tiếng Thái giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, xu hướng ở hầu hết các địa phương có dân tộc Thái sinh sống, đặc biệt ở khu vực thị trấn, thành phố, các gia đình trẻ và gia đình có bố mẹ là cán bộ, công viên chức nhà nước chủ yếu giao tiếp trong gia đình bằng tiếng phổ thông.
Chị Lường Thị Ngọc (Dân tộc Thái, Huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Thời ông bà ngày xưa cũng biết viết chữ Thái, nhưng chỉ dạy tiếng Thái cho con cháu để giao tiếp hằng ngày và dùng chữ Việt cho các công việc liên quan đến giấy tờ. Dần dần, các đời con cháu sau này cũng chỉ biết tiếng, chứ không biết đến mặt chữ".
Ngược dòng lịch sử, trước đây người Thái sinh sống chủ yếu ở khu vực Sipsongpanna. Người Thái vốn là một phần cư dân tại Vân Nam, Trung Quốc. Dưới áp lực của người Hán và các dân tộc khác, người Thái đã thiên di theo các con sông về phía Đông Nam Á, dần dần hình thành các nhóm người Thái tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Tuy có ngôn ngữ, chữ viết riêng, nhưng trong thời kỳ tập trung canh tác, gây dựng cuộc sống, người dân tộc Thái dần không còn sử dụng đến chữ viết dân tộc mình.
Là một cán bộ phòng Văn hóa, cũng là người có truyền thống gia đình lâu đời về văn hóa dân tộc thái, ông Cao Bằng Nghĩa cho biết, cha ông thế hệ trước vẫn luôn trăn trở về việc lưu giữ chữ viết dân tộc Thái cho chính con em của mình: "Hiện tại, các vị lãnh đạo vẫn chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Để triển khai dạy và học chữ Thái như các tỉnh Sơn La làm là điều khá khó đối với tỉnh Thanh Hóa".
Người Thái có một nền văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, họ còn có chữ viết nên lưu giữ được nhiều di sản văn hóa của cha ông. Tiếng Thái thuộc hệ ngôn ngữ Tày - Thái. Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa có 43 chữ cái (phụ âm) và 23 dấu nguyên âm (nguyên âm) được xếp theo từng cặp và luôn chứa đựng hai âm (ó và o); trong đó có 3 chữ vừa là chữ vừa là dấu. Đó là mái cá (a), mái cói (o) và chữ nặn.
Hệ thống sách chữ Thái cổ ghi chép về nhiều lĩnh vực như: lịch sử, lễ nghi, phong tục, luật lệ, đạo lý, địa lí, tín ngưỡng, nhân sinh quan thế giới và vũ trụ, văn học (sử thi, trường ca, anh hùng ca...), là nguồn sử liệu vô giá nghiên cứu về mọi mặt đời sống, văn hóa, xã hội… của người Thái. Chính vì vậy, việc bảo tồn và lưu giữ là điều tất yếu.
Tại Huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là nơi tập trung đông dân cư là người dân tộc Thái, UBND Huyện đã và đang tiếp tục tổ chức những lớp học tiếng Thái, trước hết là cho cán bộ, công nhân, viên chức. Nghiên cứu chữ Thái và những pho sách Thái cổ góp phần hiểu rõ lịch sử tộc người, văn hóa, tín ngưỡng, tri thức dân gian của người Thái.
Bà Hà Thị Mân, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Quan Hóa cho biết: "Năm 2021, Huyện Quan Hóa mở lớp đào tạo chữ viết, tiếng dân tộc Thái cho cán bộ công chức, viên chức. Lớp học đã mang lại nhiều ý nghĩa và lợi ích về mặt văn hóa. Vì vậy, trong năm 2022, Huyện sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo. Học tiếng và chữ dân tộc Thái là một yêu cầu quan trọng để cán bộ công chức, viên chức tiếp thu những vấn đề cơ bản, trọng tâm về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, góp phần bảo tồn ngôn ngữ, phát huy và làm giàu thêm những giá trị văn hóa truyền thống".
Người Thái có bề dày phát triển nhờ có chữ viết riêng. Văn học nghệ thuật phát triển đã để lại hàng trăm tác phẩm thơ ca nổi tiếng; hệ thống hàng ngàn câu ca dao tục ngữ; các điệu xòe truyền thống. Nếu để tiếng Thái, chữ Thái mai một đi thì dù muốn hay không, tiếng Thái sẽ dần bị pha tạp và biến mất. Điều này không chỉ là sự thiệt thòi cho riêng một dân tộc, mà là thiệt thòi cho cả nền văn hóa Việt Nam.
Video chi tiết: