Về năng lực tư duy của nhà báo



(Sóng Trẻ) - Bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước hiện đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với năng lực, phẩm chất những người làm báo Việt Nam. Trong đó, vấn đề nhận thức chính trị mà cái gốc của nó chính là năng lực tư duy đang được đặt ra như một trong những yêu cầu then chốt.

 

alt

Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa

  1. Những đòi hỏi của thực tiễn

Những năm đổi mới vừa qua đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng Việt Nam trên tất cả các phương diện, đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật không thể phủ nhận, nền báo chí của chúng ta trong cơ chế thị trường và kinh tế cũng đã bộc lộ nhiều thiếu sót, nhược điểm. Trong đó, nhược điểm nổi bật nhất là năng lực tư duy lý luận của những người làm báo. Điều này là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới một thực trạng là trong nhiều ấn phẩm báo chí ở nước ta trong thời gian qua đã thể hiện sự non kém cả về chất lượng chính trị, chất lượng khoa học, văn hoá và nghiệp vụ... Những non kém này - nhất là sự non kém về nhận thức chính trị có nguyên nhân gắn liền với sự non kém trong năng lực tư duy của một số người làm báo.



Bối cảnh của thời kỳ hội nhập hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao hơn đối với nền báo chí và những người làm báo Việt Nam. Trong đó, vấn đề nhận thức chính trị, mà nguồn cội của nó là năng lực tư duy của những người làm báo phải được coi là một trong những vấn đề cấp bách, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân để nâng cao chất lượng chính trị và nghiệp vụ của nền báo chí Việt Nam.

Đội ngũ các nhà báo nước ta hiện nay là sự kế thừa và tiếp nối của nhiều thế hệ: thế hệ các nhà báo trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp; thế hệ các nhà báo được đào tạo và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ; và thế hệ các nhà báo trưởng thành sau năm 1975; thế hệ các nhà báo trẻ xuất hiện trong thời kỳ đổi mới.

Các nhà báo thuộc thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba, hầu hết đều được tôi luyện và trưởng thành trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng và trung thành với sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Các nhà báo thế hệ thứ tư, trưởng thành dưới mái trường XHCN, có giác ngộ lý tưởng XHCN, giàu nhiệt tình cách mạng và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Họ đang là lực lượng chủ lực trong đội ngũ báo chí cách mạng nước ta hiện nay.

Cũng theo thống kê của Cục Báo chí – Xuất bản, Bộ Văn hoá - Thông tin (tính đến tháng 5-2004), trong đội ngũ nhà báo nước ta đã có hơn 52,93% là đảng viên, 18,52% là đoàn viên. Về trình độ lý luận chính trị: cao cấp 16,30%, trung cấp 40,44%.

Nếu xét theo khía cạnh chuyên môn, có thể thấy thế hệ các nhà báo thứ nhất và thứ hai hầu hết trưởng thành do tự học. Thế hệ nhà báo thứ ba và thứ tư được đào tạo chính qui trong các trường đại học. Một số người còn được theo học các khoá học dài hạn và ngắn hạn ở các nước có nền báo chí phát triển. Sự có mặt của họ trong hệ thống báo chí thời kỳ đổi mới là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hoạt động báo chí ngày càng khởi sắc và có tính chuyên nghiệp, bắt kịp với tính chất và yêu cầu của báo chí hiện đại thế giới. Hơn 85% cán bộ báo chí có trình độ đại học, trong đó 25% học là đại học chuyên ngành báo chí; 3.5% có trình độ trên đại học. Nhiều nhà báo tốt nghiệp hai, ba trường đại học. Hơn 50% nhà báo có sử dụng được nại ngữ, nhất là tiếng Anh, ở các mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, những con số nêu trên chưa phản ánh được thực chất về năng lực, phẩm chất của đội ngũ các nhà báo nước ta - nhất là về năng lực tư duy lý luận và tư duy lý luận chính trị. Có thể thấy rõ điều này trong thực tế. Trong khoảng mười lăm năm qua, tình hình quốc tế hết sức sôi động: xung đột vũ trang, can thiệp lật đổ, khủng bố, bùng nổ thông tin, cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức... Tuy nhiên trên báo chí ít thấy những bài bình luận hoặc có một số bài nhưng sự phân tích, đánh giá chưa đủ tầm, chưa có tính dự báo cao. Thực tế đó đã cho thấy sự yếu kém về tư duy lý luận nói chung và tư duy lý luận chính trị nói riêng của những nhà báo ở nước ta hiện nay.

Sự yếu kém về tư duy lý luận của nhà báo còn biểu hiện qua loạt bài viết về chống tệ nạn xã hội. Khi viết về đề tài này, các phóng viên thường mới chỉ nêu, phân tích diễn biến và hậu quả của vụ việc mà chưa mổ xẻ ngọn ngành những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhiều tác giả chỉ thấy được sự nhức nhối của các tệ nạn: ma tuý, mại dâm, làm hàng giả, buôn lậu, tham nhũng... nhưng không thấy được rằng đó là một tất yếu khách quan nảy sinh và tồn tại cùng với nền kinh tế thị trường, dù đó là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi đã thấy được nguyên nhân khách quan thì sẽ có một phương thức nhận thức đúng, ứng xử hợp lý và sáng suốt để suy nghĩ tìm ra những biện pháp khắc phục có tính khả thi.

Trong thực tế của đời sống báo chí ở nước ta, các phóng viên thường rất hăng hái tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Họ thường say sưa phanh phui, phân tích, mổ xẻ, chỉ trích, lên án cái xấu, cái ác… Tuy nhiên, trong quá trình đó, nhiều nhà báo do hạn chế về tư duy lý luận đã quên mất nguyên tắc "xây rồi mới chống" mà Bác Hồ đã căn dặn. Bác nói: “Trước hết phải khuyến khích những người tốt việc tốt" và nhấn mạnh: việc dùng gương người tốt, việc tốt để cổ vũ cho cái tốt và áp đảo, hạn chế, đẩy lùi người xấu, việc xấu, cũng như trong cuộc sống phải lấy nước sạch để tẩy rửa vết bẩn vậy...

Mặc dù hiện nay nhiều cơ quan báo, nhiều loại báo chí in ấn đẹp, tăng trang, tăng kỳ với các hình thức phong phú như: nhật báo, tuần báo, báo cuối tuần, báo chủ nhật, bán nguyệt san v.v... nhưng vẫn thấy sự nghèo nàn và đơn điệu về nội dung.

Biểu hiện yếu kém về trình độ tư duy lý luận thể hiện của nhà báo còn rất rõ qua việc nhiều phóng viên thích viết các dạng bài phản ánh đơn giản mà ít khi chủ động lựa chọn các thể loại đòi hỏi trình độ tư duy cao như các thể chính luận báo chí  (như xã luận, bình luận, chuyên luận…) là những thể loại có vai trò định hướng thông tin mạnh mẽ. Tất nhiên, để có thể viết được các tác phẩm chính luận, người viết phải có tư duy khái quát và biết hệ thống các nguồn tin, biết đánh giá các sự kiện, phải trình bày sự kiện trung thực trên cơ sở nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Họ còn phải tỉnh táo trước hiện thực, phải nắm chắc lý luận và các quan điểm chỉ đạo, các đường lối, chính sách để viết ra bằng cảm quan chính trị nhạy bén của mình. Những tác phẩm được viết ra phải là kết quả của trình độ chính trị, vốn sống, vốn văn hoá và bản lĩnh của người cầm bút.

Sự phát triển đa dạng, sôi động của nền kinh tế thị trường đã góp phần làm thay đổi nhận thức của đội ngũ những người làm báo. Báo chí trong cơ chế thị trường phải trở thành một diễn đàn trao đổi, tranh luận và điều đó đòi hỏi năng lực phân tích, thẩm định và nhất là năng lực tư duy lý luận của nhà báo.

2. Năng lực tư duy của người phóng viên báo chí

a. Tư duy của nhà báo trước hết phải là tư duy logic

Chúng ta đã biết rằng khoa học sử dụng các khái niệm, còn nghệ thuật thì sử dụng các hình tượng vì nó tái tạo cuộc sống thông qua các hình tượng nghệ thuật. Khi nói về sự khác biệt giữa một bên là triết học, khoa học và bên kia là nghệ thuật, nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật người Nga V.G.Bêlinxki đã nêu ý kiến cho rằng: “Nhà triết học nói bằng phép tam đoạn luận, nhà thơ nói bằng các hình tượng và bức tranh… Nhà kinh tế, chính trị được vũ trangbằng các số liệu thống kê, dùng chứng minh để tác động tới trí tuệ của người đọc và người nghe… Nhà thơ, được vũ trang bằng sự miêu tả sống động và rõ nét, tác động tới trí tưởng tượng của bạn đọc bằng cách trình bày hiện thực trong một bưc tranh chân thực… Một người chứng minh, một người trình bày, và cả hai đều thuyết phục, chỉ có khác là một đằng thì bằng các kết luận logic, một đằng bằng các bức tranh”[1].

Với sự phân biệt như trên, có thể khẳng định tư duy của người phóng viên báo chí trước hết là tư duy logic. Đây là kiểu tư duy đặc thù của khoa học. Đó là quá trình thâm nhập vào bản chất của đối tượng để phát hiện ra bản chất và những quy luật bên trong của nó. Tư duy logic gạt bỏ những cái cá biệt, ngẫu nhiên để nắm bắt cái bản chất, phổ quát, tất nhiên. Trừu tượng hoá trong tư duy lo gic là quá trình phản ánh thế giới hiện thực thông qua các khái niệm, phán đoán, công thức, mô hình… Dựa trên những cơ sở của các tiền đề, định lý, tư duy logic có khả năng tiệm cận đến chân lý để phản ánh các sự vật hiện tượng ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. “Tư duy khái niệm - logic tuy cũng là sự phản ánh tách khỏi đối tượng, nhưng nó thâm nhập vào bản chất của các hiện tượng. Trừu tượng khỏi ý nghĩa cụ thể của tình huống đối với cá nhân, lối tư duy này có thể lẩy ra được một cấu trúc bất biến của khách thể và diễn đạt vào một ngôn ngữ đơn nghĩa, chẳng hạn thuật ngữ chuyên môn hay công thức toán. Tư duy khái niệm- logic như vậy thường phải dựa theo những quy tắc, thao tác nhất định, nhờ thế nó đi xa, đi sâu vào những điều bí ẩn mà tư duy trực quan không vươn tới được”[2].

Đòi hỏi khắc nghiệt của nghề báo luôn đặt ra cho những người hoạt động trong lĩnh vực này yêu cầu về việc phải nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp chuyên môn mà điểm khởi đầu và xuyên suốt làm nảy sinh và phát triển năng lực này chính là năng lực tư duy lý luận. Những thuộc tính bản chất của kiểu hình tư duy lý luận, tự nó đã dẫn tới năng lực đặc thù của tư duy báo chí.

b. Đỉnh cao tư duy của nhà báo là tư duy lý luận

Chúng ta đã biết rằng: khác với tư duy kinh nghiệm, tư duy lý luận là loại tư duy dựa trên nhận thức lý tính sâu sắc, có tính khái quát cao, được thực hiện bằng việc vận dụng một loạt khái niệm, phạm trù, nguyên lý, để đi sâu vào khách thể nhằm đạt được những tri thức về bản chất và qui luật vận động phát triển của đối tượng nghiên cứu. Sức mạnh của tư duy lý luận là ở chỗ nó xuyên qua cái ngẫu nhiên, nhất thời, bề nài và luôn luôn biến động để đi tới cái tất nhiên, bên trong và tương đối yên tĩnh của đối tượng. Tất nhiên cũng không vì thế mà nói rằng đã là tư duy lý luận thì luôn luôn đúng, luôn luôn có giá trị hơn tư duy kinh nghiệm, bởi vì đã từng có lý luận đúng và lý luận sai thì đương nhiên tư duy lý luận cũng có mặt đúng và mặt sai.Bên cạnh đó, chúng ta còn phải phân biệt rõ giữa tư duy lý luận thông thường và tư duy lý luận khoa học vì chỉ có tư duy lý luận khoa học mới là loại tư duy lý luận có thể giúp chúng ta tiệm cận đến bản chất của các sự vật, hiện tượng.

Có thể khái quát: tư duy lý luận khoa học là loại tư duy có khả năng vận dụng đúng đắn, linh hoạt, mềm dẻo những hình thức của tư duy như khái niệm, phán đoán, suy luận và những thao tác của tư duy như khái quát hoá, trừu tượng hoá, phân tích, tổng hợp qui nạp, diễn dịch, so sánh, phân loại... trên cơ sở thực tiễn để đi sâu vào nhận thức bản chất, qui luật của đối tượng nhận thức, biến nhận thức thành tri thức (thông qua ngôn ngữ), đưa tri thức ra vận dụng trong thực tiễn để một mặt chỉ đạo thực tiễn và mặt khác qua thực tiễn bổ sung, hoàn thiện tri thức.

Với cách hiểu này, một loại tư duy lý luận nào đó muốn trở thành tư duy lý luận khoa học phải có ít nhất ba thuộc tính căn bản sau đây:

Một là phải là tư duy biện chứng duy vật.

Hai là phải có tính khái quát cao.

Ba là phải gắn với thực tiễn (gắn bó với thực tiễn vừa là một trong những thuộc tính căn bản của tư duy lý luận khoa học vừa là yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh cho kiểu tư duy này).

Chức năng của phóng viên báo chí là sản xuất và "vận chuyển" các giá trị tinh thần đến với các tầng lớp nhân dân, qua đó làm chuyển đổi nhận thức, củng cố lòng tin và tăng cường động lực trong hoạt động của họ. Với chức năng này, họ được xếp vào lĩnh vực "sản xuất tinh thần" ở cấp độ "công tác tư tưởng" cho Đảng cầm quyền, có nhiệm vụ góp phần truyền bá hệ tư tưởng chính trị của Đảng và các lĩnh vực xung quanh hệ tư tưởng như đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, pháp luật, cùng với những kết quả hoạt động trong các phong trào thực tiễn với sự khen - chê, biểu dương - phê phán có định hướng và khách quan.

Bên cạnh đó, người phóng viên báo chí còn có nhiệm vụ phát hiện vấn đề từ trong các phong trào của quần chúng nhân dân, phát hiện những tình huống, những khuynh hướng vận động của vấn đề và những phương án giải quyết vấn đề đó. Muốn tham gia định hướng dư luận, người phóng viên phải có một bản lĩnh vững vàng, một phương pháp biện chứng, một cách nhìn tỉnh táo và độ lượng để uốn nắn những luồng dư luận trái ngược nhau trong các tầng lớp nhân dân theo một hướng nhất định, nhằm phục vụ cho một mục đích nhất định. Với những chức năng và nhiệm vụ như vậy, người phóng viên báo chí ở lĩnh vực nào, thuộc loại hình báo  chí nào cũng phải đứng ở vị trí là mũi nhọn xung kích.

Có thể nói toàn bộ hoạt động của người phóng viên báo chí từ xác định thời gian, không gian nghiên cứu, thu thập và xử lý thông tin đến vận chuyển sản phẩm tới đối tượng tiếp nhận đều cần thiết phải dựa vào kiểu tư duy cao nhất là tư duy lý luận khoa học. Có thể thấy tư duy lý luận khoa học chi phối trực tiếp vào toàn bộ quy trình quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí là: thu thập, lựa chọn tư liệu; nghiên cứu, xử lý thông tin; truyền tải thông tin đến công chúng.

Một tác phẩm báo chí, dù thuộc loại hình nào (phát thanh, truyền hình hay các thể loại báo in), dù thể loại nào (một tin ngắn hay một phóng sự đăng tải nhiều kỳ) đều phải có mối quan hệ hài hoà giữa nội dung và hình thức: Nội dung xác thực, sinh động và hình thức hấp dẫn để nó có thể tác động vào lý trí và nhận thức của công chúng, từ đó dẫn đến các hành động cách mạng. Mỗi tác phẩm báo chí không chỉ là sự thông báo mà còn là sự gợi mở, sự vận dụng, phát triển… Nó không phải chỉ là những tình huống mà còn là phương pháp, là con đường giải quyết tình huống. Nó không chỉ có phê phán, trách móc mà còn là ca ngợi, nêu gương. Nó là những tri thức để làm giàu có trí tuệ, đồng thời còn là việc đối nhân xử thế.

Tư duy lý luận của người phóng viên trong bối cảnh hiện nay được thể hiện ở những phẩm chất sau đây:

- Phải có định hướng trong khai thác thông tin (khai thác trong không gian nào, thời gian nào và những đối tượng nào?).

- Phương thức tiếp cận hiện thực bằng con đường ngắn nhất, đạt hiệu quả cao nhất (chẳng hạn như phương thức tiếp cận sao cho đối tượng không bất ngờ, né tránh, cảnh giác đề phòng để họ cung cấp thông tin chân thực).

- Phương thức khai thác thông tin như: đặt câu hỏi phỏng vấn, gợi mở cho đối tượng trả lời theo yêu cầu đặt ra, khuyến khích, điều chỉnh, định hướng khi đối tượng đi đúng hay đi chệch khỏi vấn đề định khai thác.

- Phân tích đánh giá, tổng hợp, khái quát các loại thông tin khác nhau, nhất là những thông tin đối lập để từ hiện tượng đi tới bản chất của sự vật.

- Trình bày những thông tin đã qua chế biến đó theo một lô gích nhất định sao cho những thông điệp gắn với những thông tin đó thẩm thấu vào người tiếp nhận với hiệu suất cao nhất. Rõ ràng, những phẩm chất này chỉ có được ở những người có một trình độ tư duy lý luận nhất định.

3. Những yêu cầu về trình độ tư duy lý luận của nhà báo

Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy những yêu cầu về nâng cao trình độ tư duy lý luận cho phóng viên báo chí ở nước ta thể hiện qua những điểm sau:

- Một là: người làm báo phải có nhãn quan chính trị hơn hẳn những người hoạt động trong các lĩnh vực khác. Bởi vì báo chí là lĩnh vực mang tính xã hội rộng rãi, sản phẩm do họ tạo ra bao giờ cũng có tính chất chính trị - văn hoá - khoa học; lao động của nhà báo là một loại lao động đặc thù: khó khăn, nhọc nhằn, nghiệt ngã, khám phá, phát hiện. Nói nhãn quan chính trị không phải là một khái niệm trừu tượng mà nó được thể hiện cụ thể ở trình độ lý luận nói chung, ở thế giới quan duy vật khoa học và phương pháp luận biện chứng của triết học Mác - Lênin nói riêng. Đây là lĩnh vực bao trùm và có tính định hướng chung cho hệ các loại tri thức mà các tri thức khoa học cụ thể không thay thế được.

Tất nhiên không phải cứ có trình độ, có tri thức cao là có thể làm báo giỏi. Cần phải thấy rằng người phóng viên báo chí hoạt động trong một lĩnh vực đặc thù mà đòi hỏi của lĩnh vực này là không được sai lầm về chính trị. Do đó yêu cầu nâng cao nhãn quan chính trị thực chất là nâng cao trình độ lý luận nói chung và đặc biệt là trình độ triết học Mác xít. Lênin đã từng nói, đại ý: nếu bỏ qua những vấn đề chung (ý nói triết học) thì trên mỗi bước đi cụ thể sẽ vấp ngay vào những vấn đề chung đó. Nếu không đi theo một triết học khoa học thì ngay lập tức sẽ bị một triết học tồi tệ nhất chi phối.

- Hai là: người làm báo phải coi việc nâng cao trình độ khái quát hoá, trừu tượng hóa của tư duy như là sự mài giũa những "công cụ lao động" thường xuyên của mình. Trừu tượng hoá là một khả năng của tư duy, được dùng để  xem xét một sự vật, hiện tượng nào đó (mà nó không thể tồn tại như thế trong hiện thực). Tư duy phải có khả năng đặt ra những giả định để cô lập một sự vật ra khỏi mối liên hệ phổ biến, đơn giản hoá một sự vật phức tạp, cố định một sự vật đang vận động biến hoá... Đó là những giả định khoa học, làm được chức năng chiếc cầu nối để chủ thể tư duy đi sâu vào xem xét, phát hiện bản chất, qui luật vận động của đối tượng.
Khái quát hoá cũng là một trong những năng lực chủ yếu của tư duy lý luận và năng lực này là cực kỳ cần thiết đối với người phóng viên báo chí. Khái quát hoá là sự tóm tắt, rút ra những thuộc tính chung nhất từ trong vô vàn những thuộc tính khác nhau, đối lập nhau của sự vật, hiện tượng. Nó giúp cho con người xuất phát từ những thuộc tính chung nhất để nhận thức đúng đắn về bản chất của sự vật hiện tượng ấy. Do tính chất nghề nghiệp, người phóng viên báo chí luôn luôn đứng ở trung tâm sự kiện, anh ta va đập với những hiện tượng khác nhau, đối chọi nhau trong sự giao thoa của thật - giả, chân lý - phi lý, lôgíc - phi lôgíc... Nếu không có khả năng khái quát hoá, anh ta sẽ bị vòng xoáy của hiện tượng nuốt chửng. Với trình độ khái quát cao của tư duy, người phóng viên có thể tỉnh táo chắt lọc, gạt bỏ những giả tượng, những phi lý, phi lôgíc để xâu chuỗi những yếu tố hợp lý cho thấy linh hồn và bản chất đích thực của các sự vật, hiện tượng.

- Ba là: năng lực kết hợp biện chứng giữa phân tích và tổng hợp, giữa lịch sử và lôgíc cũng là một trong những năng lực không thể thiếu của người làm báo. Phân tích là phương pháp mà nhờ nó, tư duy con người "giải phẫu" đối tượng nghiên cứu, từ chỗ là một chỉnh thể thành những bộ phận khác nhau và nhận thức về đặc trưng, qui luật, khuynh hướng vận động phát triển, mối quan hệ nội tại trong những bộ phận ấy. Từ đó, tìm xem bộ phận nào có chức năng là "cơ sở sinh thành" ra cái chỉnh thể, tức là cái bộ phận đứng ra làm trung gian để liên kết các bộ phận đã được tách ra trước đó trở lại cái chỉnh thể ban đầu, trả sự vật về với sự tồn tại tự nhiên vốn có của nó. Đó là quá trình tổng hợp, có nhiệm vụ liên kết cái đã qua phân tích, làm tái hiện lại sự vật như thuở ban đầu nhưng đã rọi vào trong lòng nó một luồng ánh sáng của nhận thức. Thực ra, giữa phương pháp phân tích và tổng hợp nhiều lúc cũng rất khó phân biệt ranh giới một cách rõ ràng, bởi vì khi phân tích dừng lại thì tổng hợp đã xảy ra và ngay cả sự dừng lại của phân tích cũng chỉ mang tính tương đối. Đối với tổng hợp cũng như vậy.

Phương pháp kết hợp lịch sử và lôgíc là xác định bản chất của sự vật trong quá trình sinh thành, phát triển của nó. Phương pháp này bao gồm hai quy trình, buộc người làm báo phải tuân thủ. Bước một: khi xác định bản chất của đối tượng nghiên cứu tại một thời điểm nào đó thì không được phép cô lập thời điểm đó mà phải phân tích toàn bộ diễn biến lịch sử, phải từ lịch sử mà tìm nguyên nhân dẫn đến bản chất của sự vật… Điều đó cũng có nghĩa là phải từ cái ngẫu nhiên, thăng trầm của đời sống để tìm ra cái tất yếu, tức là qui luật chi phối bản chất và sự vận động của sự vật, hiện tượng. Bước hai: phải từ đỉnh cao của lôgíc mà xem xét, đánh giá, thẩm định lịch sử, tức là chỉ khi nào nắm được bản chất của sự vật, hiện tượng ở dạng chín muồi nhất thì việc xem xét, đánh giá những sự kiện lịch sử mới chính xác. Về sự phát triển nhận thức thì điều đó có nghĩa là phải đạt được trình độ nhận thức thật sâu sắc về bản chất và qui luật của một đối tượng nào đó thì lúc đó mới có những kết luận chân thực về nó.

- Bốn là nâng cao trình độ tiếp cận hệ thống cấu trúc trên nền tảng của quan điểm toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển cho đội ngũ phóng viên báo chí hiện nay. Quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể và phát triển được xem là linh hồn của phương pháp biện chứng, nó được chiết xuất ra từ toàn bộ những nguyên lý, qui luật cơ bản của phép biện chứng duy vật. Vấn đề đặt ra ở đây với người phóng viên báo chí là trên nền tảng của những quan điểm biện chứng chung ấy phải nâng cao trình độ tiếp cận hệ thống và đây cũng là một trong những năng lực đặc biệt quan trọng đối với nghề nghiệp báo chí.

Chúng ta đã biết rằng, phương pháp tiếp cận hệ thống cấu trúc coi mỗi đối tượng nghiên cứu nào đó, dù vi mô hay vĩ mô đều là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố hợp thành. Một hệ thống cụ thể nào đó mà ta đang nghiên cứu khi so với hệ thống lớn hơn nó thì bản thân nó lại được xem như một yếu tố. Một yếu tố nào đó của hệ thống cụ thể mà ta đang nghiên cứu, nếu xét theo kết cấu dưới nó thì yếu tố đó lại là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố có kết cấu nhỏ hơn hợp thành. Điều phân tích đó có nghĩa là ranh giới giữa yếu tố và hệ thống luôn luôn mềm dẻo và biện chứng.

Trong hoạt động báo chí ở nước ta đã từng xảy ra tình huống mâu thuẫn nhau khi đánh giá một việc làm, một hành vi của một cá nhân nào đó. Cùng một việc mà phóng viên này thì cho đó là tham nhũng, phóng viên khác lại cho đó là sáng tạo mà nguyên nhân của sự qui kết ngược chiều này không phải vì động cơ vụ lợi. Nguyên nhân chính là ở trình độ tiếp cận hệ thống cấu trúc của người phóng viên còn non kém. Bởi vì, nếu theo phương pháp tiếp cận hệ thống cấu trúc thì khi xem xét một việc làm của một người cụ thể, ở một đơn vị, cơ quan cụ thể bao giờ cũng phải đặt đối tượng cụ thể đó trong một hệ thống nào đó để xác định tổng thể những mối quan hệ tác động vào nó. Chẳng hạn, quan hệ giữa người đó với cấp dưới; quan hệ của bản thân và đơn vị mà người đó đứng đầu với các cá nhân và đơn vị khác; thậm chí còn phải phân tích cả những mối quan hệ trong nội bộ gia đình con người đó nữa.

- Năm là nâng cao năng lực định hướng, phán đoán và đề xuất các giải pháp khả thi của người làm báo. Những năng lực này cũng là hệ quả của phương pháp tư duy biện chứng hay nói rộng ra là khi trình độ tư duy lý luận đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Đây là hai vấn đề có sự tác động qua lại lẫn nhau rất khó tách bạch, trong định hướng đã có phán đoán, khi phán đoán bắt buộc phải tuân theo những định hướng nhất định.

Mỗi sự vật, hiện tượng, quá trình nào đó đang tồn tại luôn luôn bị chi phối, giằng xé của nhiều loại liên hệ và quan hệ khác nhau, làm cho nó nảy sinh nhiều khuynh hướng vận động. Nhất là trong trường hợp các quan hệ đó có lực tương tác ngay bằng nhau thì rất khó xác định sự vật sẽ vận động, phát triển theo hướng nào. Nếu như không có sự phát triển cao của tư duy trừu tượng, đạt đến tư duy lý luận khoa học thì không thể nhận ra sự vận động phát triển đó. Trong trường hợp này tư duy lý luận giúp cho người phóng viên đánh giá phân loại các loại quan hệ, phân tích tính chất, lực tác động, khuynh hướng vận động của các loại quan hệ. Từ đó và chỉ từ đó mới có thể tiến hành xác định phương hướng vận động, phát triển, phán đoán các tình huống nảy sinh của sự vật, hiện tượng, quá trình đó.

Đối với mỗi sự vật, hiện tượng, quá trình nào đó mà con người muốn tác động vào nó, có thể đề xuất hàng loạt giải pháp khác nhau. Trình độ tư duy lý luận cao sẽ giúp cho chủ thể lựa chọn được trong số các giải pháp đó, những giải pháp nào có thể thực hiện được trong điều kiện chủ quan và khách quan cho phép.  Điều đó cho thấy một phóng viên báo chí được gọi là có năng lực không phải chỉ thể hiện ở việc mô tả sự kiện một cách trung thực, mà phải có sự định hướng, phán đoán chủ quan của cá nhân để đề xuất được những giải pháp khả thi. Chỉ khi nào làm được những điều đó thì mỗi tác phẩm báo chí mới thực sự có những tác động tích cực đến đời sống xã hội.

 

                                                                                                         

PGS, TS.Đức Dũng

Khoa Phát thanh - Truyền hình

Tài liệu tham khảo: 

[1] G.N.Pôxpêlôp, Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1998. Tr.10 (Trích lại).

2 Nhiều tác giả, Lý luận văn học (Tái bản lần thứ ba), Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2003. Tr.129.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN